Nếu một thế lực hắc ám nào đó muốn tạo ra loại virus hoàn hảo để quét sạch một giống nòi, nó sẽ lựa chọn tối ưu sự kết hợp giữa khả năng lây lan và tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh.

Nhưng để tận diệt nhân loại, kẻ ác sẽ phải phát triển một loại virus có khả năng vô hiệu hóa phản ứng của chúng ta đối với nó – không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn là cả tập thể. Loại virus được thiết kế hoàn hảo để giết người sẽ khai thác sự yếu kém trong quá trình ra quyết định của chúng ta. Những gì đang diễn ra cho thấy SARS-CoV-2 dường như đã đạt được điều đó.

Nếu không tin vào thuyết Thiết kế thông minh (intelligent design) thì chúng ta có thể bỏ qua điều này. Tuy nhiên, quá trình tiến hóa theo kiểu Darwin nói với chúng ta rằng áp lực sinh tồn cuối cùng sẽ làm sản sinh các loại virus nguy hiểm hơn. Nhiều loại virus mới đã lan truyền từ động vật sang người, nhưng trong 100 năm qua, không loại nào có sức tàn phá khủng khiếp như SARS-CoV-2.

Mặc dù vậy, COVID-19 lại khó gây chết người hơn Ebola và cũng ít lây nhiễm hơn cảm lạnh thông thường. Khi xuất hiện lần đầu vào năm 2012, hội chứng MERS đã được kiểm soát và loại bỏ gần như hoàn toàn chỉ sau vài tháng. Nhưng tại sao COVID-19 lại khó nắm bắt đến thế? Bởi nó đang đùa giỡn với những yếu điểm của các thiết chế do chúng ta tạo ra. Và như vậy, chúng ta học được một bài học mới hữu ích về những gì cần sửa chữa để đối phó với các mối đe dọa hiện hữu trong tương lai.

Trước hết, sự phát triển theo cấp số nhân của coronavirus đã thách thức đặc tính phản ứng nhanh của những thể chế dân chủ. Điều này cũng giống như cuộc tập kích của Phát-xít Nhật trong trận Trân Châu Cảng đã kéo nước Mỹ vào cuộc chiến, hay sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đã thúc giục chính phủ Mỹ tổ chức lại để ứng phó với nguy cơ khủng hoảng sau này,... “Người Mỹ”, theo một câu trích dẫn thường được gán [chưa chắc đúng] cho Winston Churchill, “luôn được tin tưởng rằng sẽ hành động đúng, ngay cả khi tất cả các khả năng đều đã cạn kiệt.”

Chiến lược này có thể an toàn trong bối cảnh khó khăn mang đặc điểm tuyến tính (linear), nhưng sẽ cực kỳ rủi ro theo cấp số nhân (exponential) khi thật khó “hành động đúng” do những phản hồi liên tục bị trì hoãn. Mặc dù tất cả các loại virus đều có xu hướng bùng phát theo cấp số nhân nếu thiếu kiểm soát, nhưng sự lây lan không rõ biểu hiện của COVID-19 đã khiến việc xử lý phức tạp hơn gấp bội.

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể. Nhân loại ngày nay đã có công nghệ theo dõi sự di chuyển và tương tác của mọi người, nhưng các nền dân chủ tự do thường không muốn hoặc dè dặt trong việc sử dụng chúng. Một trang truyền thông Công giáo mới đây đã truy vết được scandal tình dục của một linh mục – chức sắc cấp cao, đơn giản chỉ nhờ vào dữ liệu điện thoại di động công khai. Google hay Facebook hầu như có thể làm mọi thứ với đối tượng quảng cáo mà họ muốn hướng tới. Nhưng trong một nền dân chủ, những công nghệ tương tự lại không sẵn sàng được ứng dụng để cứu các sinh mạng.

Tác động không đồng đều bởi COVID-19 đến những bộ phận dân số khác nhau cũng góp phần làm suy yếu phản ứng [chính trị] đối với nó. Loại phản ứng mang tính tập thể sẽ dễ dàng nảy sinh hơn nếu tỷ lệ tử vong ở các nhóm tuổi là tương tự nhau, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Cho đến khi biến thể Delta xuất hiện, những người ở độ tuổi 20 rất hiếm khi gặp nguy hiểm tính mạng vì COVID-19. Trong khi đối với một đứa trẻ lên 10, tỷ lệ này cũng chỉ tiệm cận với bệnh đậu mùa.

Phần lớn các nước châu Á đi trước về sau trong cuộc chiến chống Covid do không ưu tiên phát triển vaccine.

Phần lớn các nước châu Á đi trước về sau trong cuộc chiến chống Covid do không ưu tiên phát triển vaccine.

Loại phản ứng tập thể mạnh mẽ trước những thảm họa rất cần được thúc đẩy bởi thứ cảm giác “được thuộc về” (sense of belonging). Giống như thế hệ dân Mỹ được hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi bởi chính sách New Deal (thời Roosevelt thập niên 1930) đã tình nguyện phục vụ quân đội trong Thế chiến II. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ngày nay đang cảm thấy mình bị gạt ra ngoài đời sống kinh tế và đổ lỗi cho thế hệ trước. Chúng ta có nên ngạc nhiên khi họ không sẵn lòng hy sinh những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời để bảo vệ cho thứ “chẳng hề xứng đáng”?

Mặc dù một vài xã hội Đông Á – vốn đề cao tính tập thể – đã làm tốt hơn nhiều nước phương Tây trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng họ lại kém hơn hẳn trong việc phát triển và đảm bảo đủ nguồn cung vaccine. Điều này nhấn mạnh một thực tế hiển nhiên rằng vaccine là thành tựu phụ thuộc vào năng lực khoa học chứ không phải ý chí chính trị. Đó là lý do tại sao các nền khoa học tiên tiến, bao gồm Mỹ, Anh, Đức và Trung Quốc, đã đi đầu trong cuộc đua vaccine.

Sự lây lan với những biểu hiện không rõ ràng cùng khả năng gây tử vong khác biệt rõ rệt giữa các nhóm nhân khẩu học của COVID-19 vốn đã đủ tồi tệ, song vấn đề lại càng trở nên phức tạp bởi hệ thống truyền thông quá chia rẽ và phân mảnh ở phương Tây, mang đến sự hỗn loạn cùng cực.

Ở Mỹ, kẻ xấu không thể làm gì tốt hơn ngoài việc lan truyền những tin đồn thất thiệt cùng sự dị nghị về virus, nhất là trong giai đoạn đầu khi loại phản ứng tập thể dễ chiếm ưu thế. Đã không ít lần chúng ta được nghe “đó chỉ là một loại cúm mùa”, và không chỉ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngày 26/2/2020, một tháng sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) vẫn so sánh COVID-19 với bệnh cúm mùa. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên Dominic Cummings, cựu cố vấn của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiết lộ rằng những thông tin sai lệch này đã ảnh hưởng tới việc ra quyết định ở cấp cao nhất.

Sự xuất hiện liên tục của các biến chủng coronavirus cũng đồng nghĩa với với việc chỉ dựa vào vaccine có thể sẽ không đủ để thanh toán đại dịch. Phản ứng của chính phủ Ấn Độ trước biến thể Delta đã gây hậu quả nghiêm trọng cho nước này cùng phần còn lại của thế giới. Nếu bản thân nước Mỹ chưa thể đạt được sự đồng thuận thì tình trạng tương tự cũng là điều khó tránh khỏi tại Liên Hiệp Quốc. Thương mại và truyền thông có thể mang tính toàn cầu, nhưng quản trị thì không. Nếu muốn tiếp tục sống trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, chúng ta cần thiết phải xây dựng một hệ thống quản trị toàn cầu hiệu quả.

Đó cũng chính là bài học lớn nhất từ COVID-19. Nền kinh tế bị toàn cầu hóa đã biến những vấn đề địa phương trở thành toàn cầu. Ngay cả khi có thể vượt qua đại dịch lần này, chúng ta chưa chắc sẽ lại trụ vững trước các biến cố tiếp theo, hay những vấn đề khác như biến đổi khí hậu,… với tác động không đồng đều và theo cấp số nhân, đòi hỏi phải được giải quyết bằng các giải pháp toàn cầu. Nếu không thể rút kinh nghiệm từ bài học này, giống nòi của chúng ta sẽ rất khó trường tồn.

(*) Tác giả Luigi Zingales là giáo sư tài chính tại Đại học Chicago, đồng dẫn chương trình kênh podcast Capitalisn’t.