Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên của Liên hợp quốc, tập hợp các chính phủ và các tổ chức tài chính trên khắp thế giới để đưa ra các cam kết và kế hoạch hành động chung nhằm đáp ứng mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Trong Thỏa thuận này, quan trọng nhất là hạn chế nhiệt độ nóng lên trong ngưỡng 1,5°C hoặc nhiều nhất là 2°C so với mức tiền công nghiệp. COP26 năm nay diễn ra từ 31/10 đến 12/11 tại Glasgow, Anh.
Một bức tranh tường tại COP26, trung tâm là khẩu hiệu "Giữ vững mục tiêu 1,5°C".
Nhiều người tham dự COP26 tỏ ra lạc quan bởi
một số dấu hiệu: hơn 100 quốc gia đã đưa ra cam kết hạn chế khí thải mới, nếu các cam kết này được thực hiện, thì có thể giữ nhiệt độ ấm lên dưới 2°C. Và 197 quốc gia đã đồng ý với một số biện pháp bảo vệ khí hậu mới - chẳng hạn nhưxây dựng các quy tắc cho một thị trường mua bán quyền phát thải carbon giữa các quốc gia và tổ chức tư nhân.
Nhưng thực tế là thế giới đang đi chệch hướng so với mục tiêu 1,5°C. Joeri Rogelj, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Imperial London, cho biết: Chỉ có giảm một nửa lượng khí thải trong 10 năm tới, và sau đó giảm nhanh về 0 ròng vào năm 2050, thế giới mới có 50% cơ hội duy trì nhiệt độ nóng lên trong ngưỡng 1,5°C. Các cam kết mới tại COP26 tham vọng hơn bao giờ hết, nhưng vẫn không đáp ứng các mục tiêu giảm thải này; chưa tính đến việc hành động thực tế của nhiều nước hiện nay còn chưa theo kịp các cam kết đưa ra. Nhiều cam kết còn rất mơ hồ, và hứa hẹn về vài thập kỷ tới, và không bao gồm cơ chế thực thi.
Thêm nữa, các quốc gia đang phát triển đã không đạt được thỏa thuận với các nước phát triển về việc thành lập cơ chế quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại. Những người ủng hộ quỹ đền bù này lập luận rằng: các quốc gia phát triển đã tạo ra phần lớn lượng khí thải trong quá khứ, do đó cần có trách nhiệm giúp các nước đang phát triển ứng phó và chi trả cho các sự kiện cực đoan liên quan đến khí hậu, chẳng hạn như hạn hán. COP26 chỉ hứa hẹn sẽ tiếp tục có một "cuộc đối thoại" về tổn thất và thiệt hại, và các nước đang phát triển "đang rất giận dữ", nhà kinh tế Sarobidy Rakotonarivo thuộc Đại học Antananarivo, cho biết.
Kết quả nhìn chung là đáng thất vọng, mặc dù không nằm ngoài dự đoán, đối với nhiều quốc gia đang phát triển lo ngại các tác động tàn khốc của nóng lên toàn cầu trên 1,5°C.
Rebecca Willis, nhà khoa học xã hội về môi trường tại Đại học Lancaster, cho rằng những tiến bộ đạt được ở Glasgow là chưa đủ, nhưng "đã rất khác so với 10 năm trước”, và giúp thúc đẩy hành động khí hậu cũng như chuyển hướng ngành năng lượng và tài chính - ý tưởng giữ nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất trước đây chỉ là một khẩu hiệu giờ đã thành cân nhắc thực tế của mọi chủ ngân hàng đầu tư. Và khẩu hiệu "Giữ vững mục tiêu 1,5°C" vẫn giúp duy trì áp lực chính trị để thúc đẩy các hành động mạnh mẽ hơn, ngay cả khi - hoặc khi - mục tiêu đó bị vi phạm.