Đặc biệt, dù thị trường ếch thịt gặp khó khăn, nhiều người thua lỗ nhưng chàng trai này vẫn thành công nhờ sự sáng tạo mang tính đột phá.
Cách đây khoảng mười năm, tại TP.HCM, Tây Ninh và một số tỉnh khu vực Nam bộ, phong trào nuôi lươn, ếch phát triển mạnh. Nhiều trại nuôi mở ra rầm rộ, tạo nên cơn sốt trên thị trường. Tuy nhiên, do cách nuôi, đầu ra khó khăn nên chỉ sau vài ba năm, nhiều người thua lỗ, phá sản.
Năm 2014, có đến hàng trăm hộ nông dân tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương dở khóc dở mếu, thua lỗ nặng do lỡ đổ vốn vào nuôi ếch, lươn không bùn. Tại Đồng Tháp, phong trào nuôi ếch cũng phát triển rất mạnh trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, từ đầu vụ nuôi năm 2013 đến nay, đa số hộ nuôi ếch tại địa phương này chỉ hoà vốn và lỗ. Nguyên nhân các hộ dân đưa ra là ếch nuôi chậm lớn nên sản lượng giảm, giá con giống cao, thức ăn liên tục tăng đẩy giá thành lên cao, ngược lại, giá bán ếch thương phẩm không cao…
“Tầm nhìn” – chìa khoá thành công
Năm 2008, thấy nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười nuôi ếch, Nguyễn Văn Nữa, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cũng chạy theo phong trào, bắt đầu khởi nghiệp bằng việc vay mượn và mua được 14 con ếch cái. Song song đó, Nữa mượn của người anh một ếch đực để phối giống.
Sau những tháng ngày vất vả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, học thêm từ sách báo, tài liệu, cuối cùng Nữa cũng hoàn thiện kỹ thuật chăn nuôi ếch và cho sinh sản nhân tạo. Đến nay, sau gần mười năm, đàn ếch được nhân rộng hàng trăm ngàn con, tạo doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm. Lãi thu được trên 1,2 tỷ đồng/năm.
Vì sao Nguyễn Văn Nữa vẫn sống khoẻ, thậm chí làm giàu được với trại ếch của mình, trong khi các hộ dân khác phải vật lộn để hoà vốn hoặc thua lỗ? Không gì khác ngoài sự khác biệt giữa thanh niên này với phần còn lại là “tầm nhìn”.
Thanh niên mới học hết lớp 11 này đã nhìn thấy những khó khăn của thị trường, khó khăn về việc phân phối con giống, về ếch thương phẩm… Và đặc biệt, Nguyễn Văn Nữa đã nhìn ra cách khai thác thị trường tiềm năng, khai thác giá trị của ếch theo một hướng có tính khác biệt, tính đột phá.
Dự án “Chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ ếch” của Nguyễn Văn Nữa đã lọt vào vòng chung kết của cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3” năm 2017, do trung tâm BSA, tập đoàn cà phê Trung Nguyên, công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long cùng các đối tác chiến lược tổ chức.
Khi ếch xuống giá, Nữa nghĩ ngay đến việc chế biến sẵn các món ăn như phơi khô, xẻ thịt làm chà bông. Từ xa xưa người ta chỉ quen chế biến thịt ếch bằng những thức ăn nóng, nhanh với hàng chục món, ít ai quan tâm đến khâu chế biến, bảo quản. Do đó, song song với việc mở rộng diện tích nuôi, tăng đàn, phân phối ếch tươi sống, Nguyễn Văn Nữa quyết định đầu tư cơ sở chế biến các sản phẩm từ thịt ếch.
Không chỉ tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có, thanh niên này còn giúp giải được bài toán khó về lượng ếch thịt khổng lồ, dễ bị thương lái ép giá, khi tạo ra các sản phẩm tiềm năng như khô ếch, chà bông thịt ếch mang thương hiệu Bảy Nữa.
Với sản phẩm ếch sạch này, Nữa mong muốn đưa sản phẩm thành thương hiệu, là món ăn đặc sản của địa phương. Hiện sản phẩm đã được đưa vào các hệ thống cửa hàng đặc sản, các hệ thống siêu thị lớn, các chợ đặc sản, khu điểm du lịch, nhà hàng ở Đồng Tháp, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác ở Nam bộ.
Khai thác các giá trị gia tăng sau chế biến
Từ một nông dân “chân đất”, Nguyễn Văn Nữa là điển hình “tay không bắt giặc” khi khởi nghiệp với 14 con ếch cái và đã gặt hái được “quả ngọt”. Nói về chiến lược của mình, Nguyễn Văn Nữa cho biết: “Ếch từ lâu đã được biết đến là thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ, nó có vị ngọt, tính hàn không độc, có thành phần dinh dưỡng rất phong phú như protein, chất béo, đường, calcium, phosphor, kali, nitrate, đồng, magnesium, vitamin A, B, D, E.
Khi thấy thị trường ếch thịt vật vã trên thương trường, tôi quyết định làm chà bông ếch và ếch sấy khô. Để tìm đầu ra cho sản phẩm mới lạ này, tôi tham gia các hội chợ được tổ chức tại Đồng Tháp, Cần Thơ, TP.HCM… để giới thiệu đến khách hàng. Từ những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu dần dần, người tiêu dùng tin tưởng, thị trường của sản phẩm vì thế được mở rộng. Đặc biệt, sản phẩm chưa phải tốn một đồng nào cho quảng cáo...
Lợi thế đối với khô ếch, chà bông ếch của Bảy Nữa là chưa có đối thủ cạnh tranh tính cho đến thời điểm hiện tại. Trong quá trình hoạt động, Nữa không ngần ngại tìm hiểu, tìm đến các chuyên gia công nghệ thực phẩm ở ĐH Cần Thơ hướng dẫn, qua đó giúp hoàn thiện quy trình, xử lý mùi tanh… để làm khô và chà bông ếch thành công.
Hiện công ty TNHH thực phẩm sạch mang tên Bảy Nữa cung cấp ra thị trường từ 2 – 3 tấn ếch thương phẩm (ếch sống) mỗi tháng. Ngoài ra, sản phẩm ếch khô được tiêu thụ trên 100kg với giá 400.000 đồng/kg. Chà bông thịt ếch được người tiêu dùng ưa chuộng hơn dù giá bán lên đến 700.000 đồng/kg. Mỗi tháng, lượng tiêu thụ sản phẩm này trên dưới 200kg.
Dự kiến trong năm tới, sản lượng sản xuất, tiêu thụ ếch tươi sống, ếch khô, chà bông ếch sẽ tăng lên khoảng 10 tấn/năm. Trong khi đó, những phụ phẩm sau chế biến ếch như da, ruột, gan, đầu…, Nguyễn Văn Nữa tận dụng làm thức ăn cho ba ba, mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ.
Với sự kiên trì trong khởi nghiệp, tính sáng tạo, có tầm nhìn xa, Nguyễn Văn Nữa đã biến những khó khăn trở thành lợi thế. Ở cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3” năm 2017, do trung tâm BSA, tập đoàn cà phê Trung Nguyên, công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long cùng các đối tác chiến lược tổ chức, dự án “Chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ ếch” của Nguyễn Văn Nữa đã lọt đến tận vòng chung kết. |