Ngày 26/10, tại Bến Tre đã diễn ra hội thảo “Phát triển tài nguyên bản địa ở ĐBSCL, kết hợp sức mạnh công nghệ”. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, đại diện các tỉnh ĐBSCL, đại diện các tổ chức quốc tế… cùng tham dự.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước; trong đó lúa gạo, thủy sản, trái cây… là thế mạnh, được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, các địa phương đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Trong đó, các tỉnh chú trọng phát triển tài nguyên bản địa, xác lập ngành hàng chủ lực để đầu tư, tăng sức cạnh tranh trên thương trường.
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH-CN nhận định: “Nông sản hàng hóa ở ĐBSCL da dạng, nhưng nhiều sản phẩm vẫn còn ở dạng thô, giá trị thấp. Vì vậy cần thay đổi theo hướng đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng giá trị. Bộ KH-CN sẽ đồng hành hỗ trợ các tỉnh và doanh nghiệp về vấn đề này…”.
Quang cảnh hội thảo.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết: “Lâu nay Bến Tre có diện tích dừa đứng đầu khu vực ĐBSCL cũng như cả nước, với 70.127 ha, sản lượng 600 triệu trái/năm. Thời gian qua tỉnh rất quan tâm phát triển ngành dừa và đến nay đã có hơn 200 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tăng cường chế biến các sản phẩm và xuất khẩu, với kim ngạch từ 150- 170 triệu USD/năm. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa giàu lên từ cây dừa”.
Tại hội nghị, các nhà chuyên môn cũng đề xuất giải pháp phát triển thế mạnh về sen của Đồng Tháp, bởi cây sen ngoài giá trị văn hóa thì đồng sen còn có thể khai thác tốt để làm du lịch; bản thân cây sen có thể chế biến làm thức ăn, thức uống… rất ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, để phát triển cây sen thì Đồng Tháp cần nghiên cứu gắn kết chặt chẽ hơn nữa việc khai thác du lịch đồng sen dài hạn, gắn với những nét văn hóa của cây sen; chú trọng xây dựng các dịch vụ từ cây sen; nhân rộng lễ hội văn hóa ở đồng sen Gò Tháp nhằm quảng bá rộng rãi về giá trị cây sen…
Thep SGGP