Đó là mức lãi tối đa mà ông Lê Ngọc Mới - chủ trang trại Út Mới ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - thu được từ đàn vịt 7.000 con khi áp dụng mô hình nuôi tập trung (bà con gọi là nuôi vịt rọ) thay cho kiểu nuôi chạy đồng quen thuộc bao đời nay.

Cách nuôi mới không chỉ làm tăng gần gấp đôi tỷ lệ đẻ trứng mà còn giúp kiểm soát chất lượng trứng, bởi lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở đồng ruộng Đồng bằng sông Cửu Long hiện rất cao.

Vịt ở trong nhà, đi dạo trên nên gạch

Mới đây, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức khảo sát và gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc cho trang trại nuôi vịt Út Mới nhằm thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm khiến bà con nuôi vịt ở Đồng Tháp rất phấn khởi. Đây là trang trại đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm trứng vịt.

Ông Lê Ngọc Mới cho biết, để có được kết quả này, ông đã chuyển đổi mô hình từ nuôi vịt chạy đồng vẫn áp dụng gần 36 năm qua sang nuôi vịt rọ gần 2 năm nay. “Ban đầu, gia đình và nhiều người không ủng hộ. Họ cho rằng nuôi vịt chạy đồng đã không có lãi, nhốt vịt lại nuôi ăn thì chỉ có nước phá sản. Mà từ xưa đến nay, vịt chỉ sống trong môi trường thả đồng mới đẻ trứng” - ông Mới chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Mới (phải) kiểm tra sức khỏe vịt đẻ. Ảnh: Đ. Việt
Ông Lê Ngọc Mới (phải) kiểm tra sức khỏe vịt đẻ. Ảnh: Đ. Việt

Trên diện tích khoảng 5.000m2, ông Mới đã đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống máng nước tự động cho vịt uống, 2 khu vực trải đệm sinh học theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, ông còn đào 3 bể lắng lọc nước thải. Vịt được ở trong nhà, đi trên nền gạch, nằm trên sàn lót và tối đến được ngủ trên đệm lót sinh học. Chúng được tiêm phòng định kỳ để khống chế nguy cơ dịch bệnh. Tất cả thức ăn, nước uống của đàn vịt đều được kiểm soát chặt chẽ và cập nhật đều đặn trong nhật ký sản xuất hằng ngày.

Ông chủ trại tiết lộ: “Nhờ có chuyên gia thú y và công ty thức ăn cùng phối hợp mà vịt nuôi công nghiệp có thể đẻ trứng chất lượng còn tốt hơn thả đồng. Quan trọng là phải đầu tư được hệ thống xử lý chất thải để vịt sống trong môi trường sạch mới có thể đẻ trứng”.

Tỷ lệ đẻ trứng 80-90%

Ông Hoàng Anh Khắc - cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Hòa - cho rằng đây là mô hình mới, hiệu quả, là hướng đi mới giúp bà con nuôi vịt sống khỏe được với nghề bởi hiện huyện Tháp Mười đang trồng 3 vụ lúa mỗi năm, lưu lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật rất cao, ảnh hưởng tới chất lượng vịt chạy đồng, vịt không khỏe, hao hụt đầu con nhiều. Việc nuôi khép kín này giúp tỷ lệ đẻ đạt cao hơn - tới 80-90% so với tỷ lệ 40-50% nếu nuôi vịt chạy đồng.

Ông Mới nhẩm tính, việc được gắn mã vạch giúp giá trứng tăng từ 300-400 đồng/quả và với giá trứng 2.200 đồng/quả như hiện nay, ông lãi 500-1.000 đồng/con mỗi ngày.

Với đàn vịt 7.000 con, ông có thể thu lãi gần 7 triệu đồng/ngày. “Mặc dù đầu tư ban đầu hơi cao - hơn 1 tỷ đồng tiền xây dựng chuồng trại, nhưng chỉ 3-4 năm là lấy lại được vốn, trong khi đó mô hình này có thể sử dụng tới 20 năm, tức mình còn lãi tới 16-17 năm” - ông Mới nói.

Tổ hợp tác nuôi vịt Tháp Mười do ông Lê Ngọc Mới làm tổ trưởng có 11 hộ nuôi, đang cung cấp trứng vịt sạch vào thị trường TPHCM thông qua Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Theo lãnh đạo công ty, số hàng hóa này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu tiêu dùng và chế biến các sản phẩm từ trứng khác của công ty, đó là chưa kể đến nhu cầu trứng vịt để chế biến xuất khẩu.

Tổng giám đốc - ông Trương Vĩnh Thiện - cho biết, sau đợt thí điểm này, công ty sẽ có thêm nhiều trang trại áp dụng mô hình vịt nuôi tập trung để cung cấp cho thị trường TPHCM.

Theo tiết lộ của ông Mới, hiện Công ty Vĩnh Thành Đạt yêu cầu tổ hợp tác mỗi ngày cung cấp 200.000 quả trứng, nhưng tổ mới chỉ đáp ứng được 1/3, khoảng 70.000-80.000 quả. Để cung cấp đủ số trứng mà công ty yêu cầu, tổ hợp tác nuôi vịt của ông phải có 30 hộ thành viên.

Để tăng khả năng cung ứng, trang trại nuôi vịt Út Mới đang có kế hoạch nâng tổng đàn từ 7.000 lên 15.000. Hiện có 7 hộ trong Tổ hợp tác nuôi vịt Tháp Mười đang chuyển đổi mô hình sang nuôi vịt rọ. “Dự định từ nay đến cuối năm, tất cả 11 hộ trong tổ hợp tác sẽ chuyển sang mô hình nuôi vịt tập trung này” - ông Mới chia sẻ.