Chính phủ Ấn Độ vừa công bố triển khai chương trình Một quốc gia một đăng ký (ONOS), cho phép khoảng 18 triệu sinh viên, giảng viên và nghiên cứu viên của nước này truy cập vào hơn 13 nghìn tạp chí học thuật quốc tế.

Sáng kiến ONOS đem lại lợi ích cho các trường đại học công lập và viện nghiên cứu của chính phủ. Ảnh minh họa: Shutterstock
Sáng kiến ONOS đem lại lợi ích cho các trường đại học công lập và viện nghiên cứu của chính phủ. Ảnh minh họa: Shutterstock

ONOS được đề xuất từ năm 2019 nhằm thúc đẩy quyền truy cập công bằng vào những tài nguyên học thuật đắt đỏ nhưng quan trọng. Kế hoạch này đặc biệt có lợi cho giảng viên, sinh viên ở các thành phố nhỏ, đồng thời khuyến khích các nghiên cứu liên ngành. Nhìn rộng hơn, thông qua ONOS, Ấn Độ muốn định vị mình như một trung tâm toàn cầu về nghiên cứu và chia sẻ tri thức.

Trong một bài đăng trên X, Thủ tướng Narendra Modi mô tả ONOS là “công cụ thay đổi cuộc chơi cho giới học thuật Ấn Độ và trao quyền cho giới trẻ”.

Theo Bộ Giáo dục, 30 nhà xuất bản quốc tế - bao gồm Elsevier, Science Direct, Taylor & Francis và Oxford University Press - đã được đưa vào danh sách của ONOS, và thêm nhiều nhà xuất bản nữa có thể sẽ sớm tham gia.

Dự kiến chương trình bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025, chậm hơn so với kế hoạch tám tháng, cho thấy các cuộc đàm phán với các nhà xuất bản quốc tế không dễ dàng.

“Chúng tôi đã gặp gỡ đại diện của nhiều nhà xuất bản khác nhau trong hai năm qua và trong thời gian này, chúng tôi đã nỗ lực đàm phán mức giá tốt nhất,” đại diện chính phủ cho biết.

Kết quả, chi phí đưa ra ban đầu là 40 tỷ rupee (473,5 triệu USD) mỗi năm cho 13.000 tạp chí đã giảm xuống còn 18 tỷ rupee (212 triệu USD). Chính phủ Ấn Độ đã quyết định dành 60 tỷ rupee (khoảng 720 triệu USD) cho ONOS trong ba năm tới.

Tất cả hơn 6.300 cơ sở giáo dục đại học công lập và tổ chức nghiên cứu trực thuộc chính phủ trung ương - với khoảng 18 triệu sinh viên, giảng viên và nghiên cứu viên - đều có quyền truy cập tài nguyên học thuật trong sáng kiến ONOS.

Trung tâm Mạng lưới Thư viện và Thông tin (INFLIBNET), một trung tâm liên trường độc lập ở TP Gandhinagar, bang Gujarat, hoạt động dưới sự quản lý của Ủy ban Tài trợ Đại học, sẽ quản lý việc đăng ký quốc gia thông qua một quy trình số hoàn toàn.

ONOS sẽ thay thế các khoản đăng ký rải rác, tốn kém của các viện, trường riêng lẻ và cho phép ngay cả những cơ sở có nguồn lực hạn chế nhất cũng có thể truy cập các tạp chí học thuật đắt đỏ.

Giới học giả hết sức hoan nghênh kế hoạch ONOS, cho rằng nó giúp giải quyết thách thức về chi phí đăng ký cao, đem lại cơ hội tiếp cận tài nguyên học thuật công bằng, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của Ấn Độ trong nghiên cứu.

TS Priestly Shan Boaz, phó hiệu trưởng của Đại học Alliance, một đại học tư nhân ở TP Bengaluru (bang Bangalore), đánh giá chương trình ONOS giúp thu hẹp khoảng cách giữa các trường được tài trợ tốt và các trường có nguồn lực hạn chế. Ông còn muốn ONOS tiến xa hơn nữa bằng cách cho phép cả các đại học tư nhân tham gia vì “Các đại học tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái nghiên cứu của Ấn Độ... Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc đưa các trường tư vào để tạo ra một môi trường học thuật thực sự công bằng và đổi mới,” ông nói.

Bharat Kale, nhà khoa học danh dự và giám đốc Trung tâm Xuất sắc về Khoa học Vật liệu tại Đại học Hòa bình Thế giới MIT, TP Pune, bang Maharashtra, cho biết, Ấn Độ có số lượng nhà nghiên cứu lớn thứ hai thế giới, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chương trình ONOS sẽ giúp kết nối các nhà nghiên cứu trong cùng lĩnh vực trên khắp cả nước, cho phép họ xác định ai đang nghiên cứu các chủ đề cụ thể nào.

Trước đây, do chi phí đăng ký cao, chỉ một số tổ chức do chính phủ điều hành như Viện Công nghệ Ấn Độ, Viện Công nghệ Quốc gia và Viện Khoa học Ấn Độ mới có khả năng truy cập vào các tạp chí chất lượng. Bởi vậy, các viện, trường khác - đặc biệt là các viện, trường ở khu vực nông thôn - khó thúc đẩy nghiên cứu của họ.

“Kịch bản này sẽ thay đổi vì ONOS cung cấp quyền truy cập cho các tổ chức đó,” Kale nói và cho rằng ONOS nên đăng ký thêm các tạp chí uy tín khác như tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, Hiệp hội Hoàng gia (Anh) và Wiley.

TS Raul Villamarin Rodriguez, phó chủ tịch Đại học Woxsen, TP Hyderabad, bang Telangana, mô tả ONOS là “một bước đi có tầm nhìn, hướng tới trao quyền cho giới học thuật Ấn Độ” thông qua việc thúc đẩy một hệ sinh thái học thuật công bằng. Ông nói, ONOS nâng cao năng lực của Ấn Độ trong việc tiến hành các nghiên cứu tầm cỡ thế giới, củng cố vị thế của nước này như một siêu cường tri thức.

Bất chấp những quan điểm tích cực, một số học giả lo ngại rằng mô hình đăng ký tập trung có thể không giải quyết được nhu cầu riêng biệt của các viện, trường khác nhau.

Tuy nhiên, một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết: “Nếu các trường đại học vẫn muốn truy cập vào các tạp chí ngoài 13.000 tạp chí có sẵn trên nền tảng chung, họ có thể đăng ký riêng lẻ.”

Ngoài ra, còn có lo ngại rằng chính sách đầu tư mạnh vào các nhà xuất bản truyền thống sẽ xung đột với xu hướng mạnh hơn trong cộng đồng khoa học, đó là xuất bản truy cập mở.

Moumita Koley, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Ấn Độ, TP Bangalore, bang Karnataka, lập luận rằng ONOS có khả năng đem lại ít giá trị hơn so với hình dung ban đầu bởi vì truy cập mở đã phát triển rất mạnh và ngày càng có nhiều bài báo được đọc miễn phí.

Bà cũng tin rằng Ấn Độ nên ít phụ thuộc hơn vào các nhà xuất bản truyền thống của phương Tây. Bà nhấn mạnh, mặc dù nhiều nhà nghiên cứu thích công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín và quyền tự do lựa chọn nơi công bố của họ không nên bị hạn chế, thì bối cảnh xuất bản khoa học ngày nay đã có nhiều thay đổi, và nhà nghiên cứu có thể xem xét công bố công trình của mình trên các tạp chí chất lượng cao do địa phương quản lý.

Nguồn:


Bài đăng KH&PT số 1322 (số 50/2024)