Sau Chương trình Horizon, châu Âu lại tiếp tục mở ra một chương trình tài trợ nghiên cứu lớn tiếp theo - với trọng tâm là đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Chương trình, được đặt tên là Framework Programme 10 (FP10) sẽ kế thừa và phát triển các mục tiêu của Horizon Europe nhưng có thể mở rộng thêm, đặc biệt tập trung vào đổi mới sáng tạo, nhằm tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn.

Để thực thi Chương trình, Liên minh châu Âu đã hình thành một nhóm nghiên cứu mới, với nhiệm vụ định hình lại chương trình nghiên cứu hợp tác lớn nhất thế giới để giúp ngăn chặn tình hình suy thoái kinh tế và công nghệ của khối.

Chương trình FP10 sẽ có sự tham gia của cơ quan tài trợ khoa học cơ bản hàng đầu của liên minh EU (Hội đồng nghiên cứu châu Âu – ERC), nhưng Chương trình sẽ ngày càng hướng tới thu hút sự tham gia của khối công nghiệp vào chương trình để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thu hút giới công nghiệp


“Chúng tôi chắc chắn thu hút được những người xuất sắc nhất trong khối hàn lâm”, Sylvia Schwaag Serger, một chuyên gia nghiên cứu và đổi mới tại Đại học Lund ở Thụy Điển cho biết. Nhưng theo bà, các hợp phần khác của chương trình vẫn chưa thu hút được “những người tham gia xuất sắc nhất” từ khối công nghiệp.

Cần phải có “nhiều khoản đầu tư tư nhân hơn vào nghiên cứu”, Conny Aerts, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Công giáo Leuven (KU Leuven) ở Bỉ cho biết. “Con số [đầu tư tư nhân] này ở châu Âu còn rất thấp khi so sánh với các châu lục khác”. Aerts và Schwaag Serger là thành viên của một nhóm chuyên gia do Ủy ban châu Âu bổ nhiệm, nhóm này đã đưa ra các khuyến nghị cho chương trình khung tiếp theo để thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo FP10 này.

Việc bổ nhiệm Ekaterina Zaharieva, một luật sư và là nhà quản lý đã giữ nhiều chức vụ trong Chính phủ Bulgaria - đã trở thành ủy viên của Ủy ban châu Âu phụ trách khởi nghiệp, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, kể từ ngày 1/12 là một phần trong đợt cải tổ năm năm một lần của Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành quyền lực của EU. Nhiệm kỳ mới được đưa ra trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với căng thẳng gia tăng với Nga và mối quan hệ không ổn định với Mỹ. Khối này cũng đang rất muốn cải thiện hiệu quả kinh tế và thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ của cả hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố rằng bà sẽ ưu tiên khoa học trong nhiệm kỳ năm năm thứ hai của mình. Và để đạt được mục tiêu đó, bà cho biết “chúng tôi sẽ đưa nghiên cứu và đổi mới, khoa học và công nghệ vào trọng tâm của nền kinh tế”. Tất nhiên ở thời điểm hiện tại giới học thuật và giới công nghiệp cũng chưa biết điều đó sẽ được thực hiện như thế nào cũng như dự kiến ngân sách bao nhiêu tiền để thực hiện vẫn chưa rõ ràng. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ công bố đề xuất chính thức về FP10 vào năm tới.

Về mặt quản lý, Chương trình là một phần trong nỗ lực đưa các nghiên cứu thành động lực tăng trưởng kinh tế, nên đã có một số thay đổi đáng chú ý. Lần đầu tiên, sẽ có thêm cả các ủy viên là đại diện của “các công ty khởi nghiệp” – điều này cho thấy sự tập trung hướng tới khối công nghiệp ngày càng tăng. Ủy ban châu Âu cũng đang cân nhắc thêm nguồn tài trợ cho “khoa học lưỡng dụng”, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Thúc đẩy khoa học cơ bản?

Chương trình hướng tới đổi mới sáng tạo và khối công nghiệp, vậy còn khoa học cơ bản thì sao? Vẫn có sự ủng hộ cho Hội đồng Nghiên cứu châu Âu ERC (cơ quan trao các khoản tài trợ quan trọng từ 1,5 triệu Euro đến 2,5 triệu Euro trong năm năm). Các hoạt động nghiên cứu cơ bản do ERC có vai trò quan trọng, “ERC đã trở nên thiết yếu đối với sức cạnh tranh của khoa học châu Âu”, một báo cáo quan trọng do Mario Draghi, nguyên Thủ tướng Italia, người có các khuyến nghị cho ủy ban, đã kết luận.

Draghi muốn ngân sách hằng năm, vào khoảng 2 tỷ Euro của ERC sẽ tăng gấp đôi. Một sự thúc đẩy là cần thiết, vì ERC đang chịu áp lực nghiêm trọng, Chủ tịch ERC Maria Leptin cho biết. “Các khoản tài trợ của chúng tôi không tăng về quy mô kể từ năm 2007”, bà nói. Thậm chí một phát ngôn viên của ERC còn từng phát biểu [các khoản tài trợ] “đã mất giá trị”, vì thực tế lạm phát đã giảm giá trị thực của các khoản tài trợ khoảng 40%.

Dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen đã hứa sẽ “mở rộng” cho ERC trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng mức độ mở rộng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán ngân sách vào năm tới với các quốc gia thành viên EU, những quốc gia cũng đang chịu nhiều áp lực về nguồn tài chính, một phần là do chi tiêu quốc phòng.

Ngoài ra, tương lai của các nhánh nghiên cứu khác trong chương trình nghiên cứu của EU vẫn chưa rõ ràng. Khoảng 53 tỷ Euro trong ngân sách của Horizon Europe chủ yếu dành cho dạng nghiên cứu ứng dụng có định hướng trong các lĩnh vực như khoa học khí hậu, không gian, y tế và an ninh. Nhánh này cố gắng thúc đẩy mối hợp tác giữa các tập đoàn xuyên quốc gia với các học giả.

Nhưng các hoạt động này đang được đánh giá là còn hành chính cứng nhắc. Schwaag Serger cho biết: “Các công ty phải tốn rất nhiều chi phí để tham gia chương trình khung, vừa để chuẩn bị nộp đơn, vừa để quản lý”. Schwaag Serger và nhóm của bà cho biết giải pháp là thành lập “Hội đồng công nghệ và năng lực cạnh tranh công nghiệp”, một cơ quan độc lập do những các nhà lãnh đạo ở khối kinh doanh, công nghiệp, điều hành một chương trình nghiên cứu hữu ích hơn.

Lo ngại chảy máu chất xám


Mặc dù các nhà nghiên cứu EU hiện nay chuyển sang làm việc ở các khu vực khác ít hơn so với một thập kỷ trước, nhưng tình trạng chảy máu chất xám vẫn tiếp diễn, chủ yếu là sang Mỹ, theo báo cáo của các nhóm chuyên gia.

Mona Simion, một nhà triết học tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh và là thành viên hội đồng quản trị của Young Academy of Europe, một nhóm chính sách khoa học, cho biết, Ủy ban châu Âu, cùng với các chính phủ quốc gia, nên thiết lập một chương trình đưa các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc vào một lộ trình công tác lâu dài, bà lập luận. “Châu Âu thường mất đi những nhà nghiên cứu giỏi nhất của mình”.

Nguồn: Nature 636, 288 (2024)
doi: https://doi.org/10.1038/d41586-024-04017-6

Bài đăng KH&PT số 1322 (số 50/2024)