Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới ước tính ngành điện Việt Nam cần đầu tư thêm 9 tỷ USD mới có thể đáp ứng mục tiêu 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt và taxi nội đô chạy bằng điện vào năm 2030.

Tháng 7/2022, Thủ tướng đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải” thông qua Quyết định 876/QĐ-TTg, trong đó đặt mục tiêu giảm khoảng 7,2% đóng góp của ngành giao thông vận tải vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế. Một chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình là đến năm 2030, 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt và taxi nội đô đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh, và đến năm 2050 thì 100% phương tiện giao thông đường bộ sẽ chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

TP. Hà Nội đặt mục tiêu thay thế xe bus chạy bằng dầu diesel sang 100% xe buýt điện giai đoạn từ 2031-2035.
Hà Nội đặt mục tiêu thay thế xe bus chạy bằng dầu diesel sang 100% xe buýt điện giai đoạn từ 2031-2035.

Theo Báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” của Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu về mức độ sử dụng phương tiện giao thông chạy điện (EV) như trên, doanh số bán EV tại Việt Nam cần tăng từ mức hiện tại là 500.000 chiếc vào năm 2022 lên khoảng 1,5 triệu chiếc vào năm 2030 và 7,3 triệu chiếc vào năm 2050.

Việc sạc số lượng lớn EV này được dự báo sẽ có nhiều tác động đến ngành điện lực Việt Nam do làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện và tăng cao điểm tiêu thụ của hệ thống. Quy hoạch điện 8 (PDP8) được phê duyệt vào tháng 5/2023 mới dự báo kịch bản sử dụng EV mức độ thấp đối với xe hai bánh sạc tại nhà, trong khi mức độ sử dụng EV để đạt được các mục tiêu theo Quyết định 876/QĐ-TTg và tác động liên quan đến hoạt động cấp phát điện và cao điểm tiêu thụ của hệ thống sẽ vượt xa dự báo hiện tại trong PDP8.

PDP8 dự báo tổng công suất cấp phát điện lưới sẽ đạt khoảng 567 TWh và cao điểm tiêu thụ của hệ thống sẽ đạt khoảng 90,5 TW vào năm 2030. Sau năm 2030, PDP8 đặt ra hai kịch bản: Kịch bản cơ sở và Kịch bản mức độ cao. Trong đó, kịch bản mức độ cao dự báo tổng công suất cấp phát điện lưới sẽ đạt 1.378 TWh và cao điểm tiêu thụ của hệ thống sẽ đạt 209 TW vào năm 2050.

Giả sử việc cấp phát điện và công suất của mạng lưới theo Kịch bản mức độ cao của PDP8 được triển khai đầy đủ và kịp thời, Báo cáo đã ước tính mức tăng trưởng cần thiết về cung cấp điện và lưới điện để đáp ứng việc sạc EV.

Trước năm 2030, hoạt động sạc EV dự kiến không gây ra áp lực đáng kể cho việc sản xuất điện do EV được sử dụng chủ yếu trong giai đoạn này là xe điện hai bánh - loại xe sử dụng pin nhỏ và thường di chuyển trên quãng đường ngắn. Nhìn chung, hoạt động sạc EV chỉ đòi hỏi thêm 1-2% sản lượng điện so với Kịch bản mức độ cao của PDP8 đến năm 2030 và tỷ lệ này có thể được giải quyết bằng cách tăng thêm biên độ thặng dư sản xuất điện theo kế hoạch. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần thêm khoảng 4% công suất truyền tải vào năm 2030 so với Kịch bản mức độ cao của PDP8 để xử lý lượng phụ tải bổ sung từ việc sạc EV, đặc biệt đối với lưới điện trung thế và hạ thế.

Sau năm 2030, khi việc sử dụng EV bắt đầu tăng vọt trong các phân khúc xe cá nhân và xe thương mại, tổng nhu cầu sạc sẽ tăng nhanh chóng. Nhu cầu điện để sạc EV sẽ tăng tối đa 5% so với Kịch bản mức độ cao hiện tại của PDP8 đến năm 2035. Đến năm 2045, nhu cầu sạc EV
đòi hỏi thêm tối đa 16% sản lượng điện so với Kịch bản mức độ cao của PDP8, sau đó tỷ lệ này tăng lên tối đa 28% đến năm 2050.

Việc bổ sung sản lượng điện lưới ở quy mô này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng hằng năm là 5,1% trong giai đoạn 2035 – 2050, trong khi mức tăng trưởng hằng năm theo kế hoạch hiện tại trong Kịch bản mức độ cao của PDP8 là 3,7%. Việt Nam sẽ cần bổ sung trung bình 3-5% công suất mạng lưới so với Kịch bản mức độ cao của PDP8 để đáp ứng phụ tải sạc EV trong giai đoạn 2030-2045. Sau đó, cần thêm tối đa 15% công suất truyền tải bổ sung vào năm 2050 để cho phép điện khí hóa 100% vận tải đường bộ.

Việt Nam sẽ cần bổ sung trung bình 3-5% công suất mạng lưới so với Kịch bản mức độ cao của PDP8 để đáp ứng phụ tải sạc EV trong giai đoạn 2030-2045.
Việt Nam sẽ cần bổ sung trung bình 3-5% công suất mạng lưới so với Kịch bản mức độ cao của PDP8 để đáp ứng phụ tải sạc EV trong giai đoạn 2030-2045.

Báo cáo ước tính để đạt được mức tiêu thụ EV như mục tiêu, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần đầu tư 9 tỷ USD cho ngành điện - chủ yếu là để tăng sản lượng điện, bên cạnh khoản đầu tư cần thiết để xây dựng Kịch bản mức độ cao trong PDP8. Trong giai đoạn 2031-2050, Việt Nam sẽ cần đầu tư trung bình 14 tỷ USD mỗi năm để sản xuất điện bổ sung và mở rộng mạng lưới so với ước tính của PDP8.

Theo Báo cáo, Việt Nam đã chi 9 tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu chỉ trong năm 2022, trong đó 85% dành để phục vụ ngành vận tải; và chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi 13 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu phục vụ vận tải.

Dự kiến, 55% nhu cầu sạc EV sau năm 2035 sẽ đến từ xe cá nhân và xe tải điện cỡ nhỏ dùng cho vận tải hàng hóa liên tỉnh, Báo cáo đề xuất thúc đẩy chuyển đổi từ xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng đại trà và từ xe tải điện để vận chuyển hàng hóa liên tỉnh sang đường sắt và đường thủy để giảm tổng nhu cầu sạc EV. Việc chuyển đổi phương tiện vận tải giữa các phân khúc này ở quy mô 35% vào năm 2050 sẽ giúp giảm 9 – 11% nhu cầu cấp phát điện bổ sung.

Để giảm tác động của hoạt động sạc EV lên cao điểm tiêu thụ của hệ thống, Báo cáo đề xuất, Việt Nam nên chuyển hoạt động sạc EV sang các trạm sạc công cộng vào ban ngày (ngoài giờ cao điểm) càng nhiều càng tốt. Các biện pháp can thiệp chính sách then chốt bao gồm triển khai chương trình cải cách biểu giá điện để khuyến khích sạc ngoài giờ cao điểm, mở rộng quy mô thiết bị sạc thông minh và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại các trạm sạc công cộng để giảm tải sạc EV cho lưới điện. Trong giai đoạn 2024 – 2045, cao điểm tiêu thụ của hệ thống bao gồm cả phụ tải sạc EV nhìn chung sẽ xấp xỉ mức của Kịch bản mức độ cao trong PDP8. Tuy nhiên, đến năm 2050, sẽ cần thêm khoảng 7 – 15% công suất lưới điện để đáp ứng phụ tải sạc EV.


Nguồn: