Nghiên cứu mới của PGS.TS Nguyễn Chí Nghĩa (Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nhật Bản) và các đồng nghiệp Ý, Pháp và Lebanon đã thách thức hiểu biết thông thường về khả năng kinh doanh của các nhóm thiểu số, đặc biệt là những người khuyết tật.

Một sản phẩm của doanh nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Ảnh: vunart.vn

Kết quả nghiên cứu này cho thấy sự hòa nhập và đa dạng có thể thúc đẩy sự thay đổi xã hội và kinh tế một cách bất ngờ.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh tám trường hợp điển hình về người khuyết tật ở Việt Nam và sáu trường hợp doanh nhân không khuyết tật ở Nhật Bản. Kết quả cho thấy, giống như mong đợi, tình trạng khuyết tật không hạn chế sự thành công của các doanh nhân. Những cá nhân như vậy thực ra có thể biến rào cản thành cơ hội để đổi mới và trao quyền cho cộng đồng, theo kết quả nghiên cứu.

Nghiên cứu nhận định, khởi nghiệp xã hội (social entrepreneurship) - tức là việc sử dụng các phương pháp kinh doanh để giải quyết các thách thức của xã hội đồng thời vẫn tạo ra thu nhập - đóng vai trò rất quan trọng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, nhóm nghiên cứu phát hiện, ở Việt Nam, các doanh nhân khuyết tật đã phát triển các cách thức để nâng cao kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật hoặc mạng lưới xã hội khi hợp tác với những người khác để vượt qua những hạn chế do tình trạng khuyết tật của mình. Cách tiếp cận này không chỉ tạo ra sinh kế bền vững cho bản thân họ mà còn đem đến thêm nhiều cơ hội cho cộng đồng người khuyết tật.

Những nỗ lực như vậy hoàn toàn trái ngược với các mô hình giảm nghèo truyền thống - thường coi những cá nhân bị thiệt thòi chỉ là những người thụ động nhận viện trợ. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra tình trạng khuyết tật có thể được định hình lại khi đặt trong bối cảnh về vốn con người (một thuật ngữ bao gồm kiến ​​thức, kỹ năng và các thuộc tính khác mà cá nhân có thể phát huy trong công việc của mình).

Từ những kết quả phân tích, các nhà khoa học đề xuất, thay vì coi khuyết tật là rào cản không thể vượt qua, chúng ta có thể thay đổi góc nhìn, coi tình trạng khuyết tật ấy chỉ là một khía cạnh trong khả năng và đặc điểm của một người - một yếu tố có thể được bổ sung hoặc bù đắp bằng các thế mạnh khác khi cần thiết.

Theo nhóm nghiên cứu, sự thay đổi về góc nhìn như vậy sẽ chuyển đổi câu chuyện về người khuyết tật: từ việc tập trung vào những gì mà những cá nhân này không thể làm được, sang những gì mà họ có thể làm và mở ra con đường mới cho sự đổi mới và hòa nhập.

“Các phát hiện trong nghiên cứu nhấn mạnh tiềm năng đáng kể của doanh nghiệp xã hội trong việc tạo ra cơ hội việc làm cho những người khuyết tật khi được bất kỳ công ty nào áp dụng. Việc thiết lập môi trường làm việc hòa nhập hoặc cung cấp các công cụ hỗ trợ sẽ làm giảm tác động của tình trạng khuyết tật và thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố khác”, nhóm nghiên cứu viết trong công bố mới.

Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài báo “Creating opportunities: social entrepreneurship and disability employment” trên tạp chí International Journal of Business and Emerging Markets.

Nguồn: