Chính phủ mới của Indonesia vừa nới lỏng các quy định yêu cầu du học sinh sau đại học nhận học bổng của chính phủ phải về nước trong vòng 90 ngày sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Động thái này nhằm giải quyết vấn đề thiếu cơ hội tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học, Khoa học và Công nghệ Satryo Soemantri Brodjonegoro thông báo mới đây. Theo đó, những du học sinh nhận học bổng từ Cơ quan quản lý Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Indonesia của chính phủ (LPDP) có thể theo đuổi sự nghiệp ở nước ngoài, thay vì phải về nước.
Quy định mới không áp dụng đối với các nhân viên chính phủ và người của lực lượng quân đội, cảnh sát - chiếm khoảng 2/3 số du học sinh nhận học bổng LPDP - “bởi vì họ được cử đi du học để phục vụ những nơi đó sau khi trở về”.
Những người nhận học bổng LPDP trước đây được yêu cầu phải trở về trong vòng 90 ngày sau khi tốt nghiệp và phục vụ trong thời gian gấp đôi thời gian học ở nước ngoài cộng thêm một năm. Việc không tuân thủ quy định này có thể dẫn đến các hình phạt, bao gồm hoàn trả học bổng và không được tham gia các chương trình của LPDP trong tương lai, chẳng hạn như các dự án nghiên cứu.
Bộ trưởng Brodjonegoro cho biết sẽ không còn hình phạt đối với những người nhận học bổng LPDP chọn ở lại nước ngoài.
“Chúng ta không thể buộc [du học sinh] quay về. Nếu chúng ta không có đủ phương tiện để hỗ trợ tiềm năng của họ ở đây, thì tốt hơn hết nên để họ tiếp tục làm việc ở nước ngoài. Miễn là họ đại diện cho Indonesia, đó mới là điều quan trọng,” Brodjonegoro nói. “Một ngày nào đó, họ có thể có những khám phá mới mẻ và chúng ta có thể tự hào nói rằng người Indonesia đứng sau khám phá đó, ngay cả khi nó diễn ra ở nước ngoài,” ông nhấn mạnh.
Đáp lại những chỉ trích rằng tiền của chính phủ đang bị lãng phí một cách vô ích nếu những người thụ hưởng không quay về phục vụ đất nước, Bộ trưởng Brodjonegoro lưu ý rằng không có cái gọi là ‘mất mát’ trong đầu tư vào giáo dục và đầu tư vào giáo dục không thể được tính toán theo cách tính toán lợi nhuận từ các khoản đầu tư thương mại.
“Nếu họ thành công trong việc theo đuổi sự nghiệp ở nước ngoài, điều đó có nghĩa là LPDP hoạt động hiệu quả. Nếu thực hiện tốt công việc của mình, họ sẽ mang lại tiếng tốt cho Indonesia”, ông nói.
Dư luận thì cho rằng những người du học nước ngoài bằng học bổng chính phủ không đóng góp gì cho cộng đồng và đất nước nếu họ né tránh những công việc trả lương thấp với lý do không phù hợp trình độ học vấn của họ. Những người nhận học bổng LPDP bị gán nhãn ‘ích kỷ’ hoặc ‘vô tâm’ khi từ chối về nước.
Chương trình LPDP được thiết kế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Indonesia thông qua gửi người đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài. LPDP cũng cung cấp kinh phí cho các nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh lương thực để giúp Indonesia không phụ thuộc vào nhập khẩu (đến nay, LPDP đã tài trợ tổng cộng 2,9 nghìn tỷ rupiah, tương đương 182 triệu USD, cho 3.002 dự án nghiên cứu).
Năm 2024, LPDP công bố đã cấp học bổng cho 4.314 du học sinh trong số 51.027 ứng viên.
Trang web LPDP cho biết số người đăng ký học bổng LPDP tăng đều mỗi năm kể từ khi chương trình học bổng sau đại học của cơ quan này ra mắt vào năm 2013. Khoảng 45% số người nhận học bổng là giáo viên và giảng viên; thành phần còn lại hết sức đa dạng, từ các nhà quản lý doanh nghiệp đến chuyên gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Thomas Djiwandono, tính đến tháng 12/2024, nguồn tài trợ của chính phủ cho chương trình LPDP lên tới khoảng 15 nghìn tỷ rupiah (khoảng 962 triệu USD).
Nguồn: funiversityworldnews.com
Bài đăng KH&PT số 1322 (số 50/2024)
Đỗ Lập lược dịch