Quy trình kỹ thuật sinh sản, ương sò huyết giống đầu tiên tại tỉnh Cà Mau - do Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thực hiện - góp phần chủ động nguồn giống sản xuất nhân tạo tại địa phương.

Với đặc điểm địa hình thấp, thường xuyên bị ngập, nhiều bãi bồi, có thành phần địa chất là bùn, bùn pha cát, tỉnh Cà Mau thuận lợi để phát triển các mô hình nuôi sò huyết. Ngoài ra, hơn 39 ngàn ha rừng ngập mặn chạy dọc bờ biển của tỉnh là tiềm năng rất lớn cho việc nuôi sò huyết.

Thời gian qua, mô hình nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm quảng canh, ương nuôi sò huyết ven biển và trên sông tại một số huyện như Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là không chủ động được con giống tại địa phương. Con giống để nuôi hiện nay chủ yếu được chuyển đến từ tỉnh khác, môi trường chưa phù hợp nên khi thả giống bị hao hụt nhiều, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, trong khi lợi nhuận của người nuôi giảm.

Để giải quyết vấn đề này, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã thực hiện dự án “Thử nghiệm sinh sản và ương sò huyết (Anadara granosa) giống phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển tỉnh Cà Mau”.


a
Ao ương sò huyết. Ảnh: NNC

Dự án sử dụng sò huyết bố, mẹ có nguồn gốc địa phương, được kiểm tra để đảm bảo đủ điều kiện tham gia sinh sản. Nhóm thực hiện kiểm tra sò bố mẹ bằng cách tách vỏ để xem độ thành thục sinh dục (buồng trứng của con cái có màu đỏ cam, túi tinh của con đực có màu trắng sữa, đều căng tròn). Sò huyết bố, mẹ đạt tiêu chuẩn để đưa vào sinh sản có kích cỡ từ 70 đến 90 con/kg, độ thành thục sinh dục từ 70% trở lên.

Sò huyết bố, mẹ được sốc nhiệt qua phơi nắng (nhiệt độ từ 26 – 32oC) từ 2 - 3 giờ để kích thích sinh sản. Sau đó, bố trí mỗi ao 150 kg sò huyết bố, mẹ; sò huyết được cho vào các rổ nhựa, mỗi rổ nhựa chứa từ 240 con đến 255 con (khoảng 3 kg). Rổ nhựa có sò được treo vào ao, sục khí liên tục, sau thời gian từ 3 - 10 giờ thì sò bắt đầu đẻ, thời gian sò đẻ xong khoảng 5 - 6 giờ. Sau khi sò huyết ngừng đẻ (không còn thấy trứng, tinh trùng của sò huyết còn được phóng ra từ sò huyết bố, mẹ), tiến hành vớt sò bố mẹ ra để bắt đầu quá trình thụ tinh, ương giống ngay trong ao sò huyết đẻ.

Ấu trùng, sò giống được cung cấp thức ăn tự nhiên và thức ăn nhân tạo như tảo khô Spirulina, Frippark, vitamine Corion Pro Aquaculture, khoáng chất Minaro,… Định kỳ kiểm tra, quản lý các chỉ số của môi trường ao ương như nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, pH, oxy hòa tan, NH3, H2S 3 ngày/lần. Sau thời gian ương từ 30 - 34 ngày, sò giống đạt kích cỡ khoảng 7 đến 10 triệu con/kg (sò huyết giống cấp 1) thì thu hoạch.

p
Phơi nắng kích thích sò huyết sinh sản. Ảnh: NNC

Qua hai đợt sản xuất thử nghiệm tại ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng veliger (sau khi nở) đến spat (nuôi để phát triển thành cá thể trưởng thành) là 5,32% (mục tiêu dự án đặt ra 3 - 5%), tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng spat đến lên sò giống cấp 1 (kích cỡ từ 7 đến 10 triệu con/kg) là 17,46% (mục tiêu trên 10%).

Theo nhóm nghiên cứu, thời gian ương đến sò huyết giống cấp 1 là 34 ngày. Các yếu tố môi trường thích hợp cho ấu trùng, sò huyết giống: nhiệt độ từ 25 - 30oC, pH từ 7,5 - 8,5, oxy hòa tan ≥ 4ppm, NH3 ≤ 0,1 ppm, độ kiềm từ 80 - 120 ppm và độ mặn từ 20 - 25‰. Ngoài ra, để có chất lượng cao thì chỉ cho sò bố mẹ sinh sản một lần, như vậy mới đảm bảo chất lượng sò giống.

Nhóm đã sẵn sàng chuyển giao quy trình sinh sản và ương sò huyết giống cho các trại giống ở tỉnh Cà Mau.

Tin đăng KH&PT số 1322 (số 50/2024)