Dù công nghệ số đã cho phép người khuyết tật sống độc lập và tự tin hơn, môi trường số vẫn chưa hoàn toàn thân thiện và an toàn với họ.
Theo Điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,09% dân số cả nước. Trước đây người khuyết tật thường gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong cuộc sống, nhưng nhờ sự phát triển của internet và các công nghệ số, người khuyết tật giờ đây có thể tham gia thuận tiện hơn vào các hoạt động hằng ngày như sinh hoạt, học tập, làm việc và tham gia các hoạt động xã hội.
Nhằm đánh giá hiện trạng tiếp cận công nghệ số của người khuyết tật cũng như những thuận lợi, khó khăn và rào cản đối với họ khi gia nhập môi trường số, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã thực hiện Khảo sát về tác động của chuyển đổi số với người khuyết tật ở Hà Nội. Khảo sát được thực hiện trên 20 người khuyết tật (6 người khuyết tật vận động, 6 người khuyết tật nhìn và 8 người khuyết tật nghe nói) sống ở Hà Nội, có tiếp cận với công nghệ số, sử dụng hai phương pháp thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu.
Kết quả khảo sát cho thấy, người khuyết tật thường sử dụng các thiết bị công nghệ số như máy tính xách tay, máy tính bàn, điện thoại thông minh, máy đọc sách, tai nghe và TV thông minh, trong đó máy tính xách tay và điện thoại thông minh là phổ biến nhất. Máy tính xách tay thường được những người đang đi làm hoặc đi học sử dụng, trong khi điện thoại thông minh là thiết bị phổ biến cho công việc và giao tiếp hằng ngày với tất cả người tham gia khảo sát. Dù mức giá khoảng 3 – 7 triệu đồng cho một điện thoại thông minh được cho là phù hợp với ngân sách chi tiêu của người tham gia khảo sát, nhưng không phải tất cả đều có thể mua được gói 3G/4G/5G từ nhà mạng do chi phí cao.
Người tham gia khảo sát cho biết công nghệ số mang lại cho họ những lợi ích rất lớn như tiếp cận và cập nhật thông tin về cuộc sống, pháp luật, tin tức. Họ sử dụng công nghệ số để giải trí, đọc sách, giao lưu, chat với bạn bè, kết bạn, hẹn hò, bán hàng, mua sắm trực tuyến, chủ động trong học tập và liên hệ trao đổi công việc. Những hoạt động này được thực hiện qua các nền tảng số như mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok), các ứng dụng chat (Zalo, Messenger, Facetime, Whatsapp), email, Google, ứng dụng ngân hàng, ứng dụng tin học văn phòng, ứng dụng đọc tài liệu và dịch tài liệu, ứng dụng chuyển từ giọng nói sang văn bản, ứng dụng đọc màn hình, ứng dụng chụp ảnh dịch và chuyển sang văn bản và các ứng dụng hẹn hò. Nhờ đó, người khuyết tật sống độc lập hơn khi họ có thể tự sinh hoạt, đọc tài liệu, giao tiếp, đi lại mà ít cần tới sự hỗ trợ của người khác.
Đặc biệt hơn, công nghệ số mở ra rất nhiều cơ hội học tập và làm việc cho người khuyết tật. Một người tham gia chia sẻ máy tính đã hỗ trợ học sinh khuyết tật dễ dàng giao tiếp với giáo viên hơn: “Ví dụ ngày xưa nếu mà học cấp 1, cấp 2, 3 không sao nhưng nếu học đại học mà trả bài bằng chữ nổi thì rất ít thầy cô có thể đọc được. [...] Bây giờ có máy tính rồi có thể nộp bài qua email thì nó rất là tiện và cũng tiện cho việc tìm kiếm thông tin, sử dụng các công cụ để hỗ trợ trong việc học của mình”.
Sau khi học xong, nhiều người khuyết tật có thể tham gia thị trường lao động và làm các công việc văn phòng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. “Ngày xưa, em không bao giờ nghĩ em được vào Đại học Hà Nội và học được dịch thuật gì đâu nhưng em đã học được rồi và bây giờ em cũng có một số công việc liên quan đến dịch thuật”, một người tham gia khác cho biết. Bên canh đó, một số người cho biết họ có thể tự tạo công việc cho mình bằng cách bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, môi trường số vẫn chưa hoàn toàn thân thiện và an toàn với người khuyết tật. Ví dụ, việc cập nhật thông tin của người khiếm thính có thể gặp khó khi hình ảnh của phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu nằm ở góc màn hình của các chương trình truyền hình thường quá nhỏ để xem, và rất ít chương trình có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu. Chi phí lại được nhắc đến như một rào cản khi nhiều người cho biết họ không đủ tài chính để tiếp cận truyền hình trả tiền và có nhiều nguồn thông tin đa dạng hơn.
Những người khiếm thị thì cần có trình đọc màn hình để sử dụng máy tính và điện thoại, nhưng người khiếm thị tham gia khảo sát chủ yếu dùng phần mềm “bẻ khóa” vì không đủ tiền mua phần mềm có bản quyền. “Có hai trình đọc màn hình chính mà mọi người thường cài đấy là JAWS, NVDA. JAWS thì thường dùng bản crack còn bản quyền thì rất đắt, khả năng dùng được bản có bản quyền cũng thấp”, một người tham gia nói. Ngoài ra, việc định dạng, căn chỉnh lề và chỉnh sửa hình ảnh ở các phần mềm văn phòng như Word, Powerpoint vẫn khá phức tạp với người khiếm thị, và họ thường phải nhờ tới người thân hoặc bạn bè hỗ trợ.
Các rủi ro về an toàn số cũng lớn hơn với người khuyết tật khi nhóm này thường có ít thông tin và thiếu kiến thức, kỹ năng số để đánh giá và xử lý các tình huống phát sinh trên không gian mạng.
Vì vậy, khảo sát khuyến nghị đẩy mạnh đào tạo về công nghệ số, nâng cao nhận thức về sử dụng công nghệ số lành mạnh và an toàn cho những người ở các dạng khuyết tật khác nhau. Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm các khóa tập huấn về kiến thức và kỹ năng số và phòng chống bạo lực, quấy rối trên không gian mạng cho nhóm này. Khi xây dựng các sản phẩm công nghệ, bao gồm dịch vụ hành chính công trực tuyến, cần tính đến người khuyết tật để nâng cao tính thân thiện và dễ tiếp cận.
Nguồn: