Ít ai biết rằng những nhà tiên phong phát triển phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm gồm ba người, nhưng chỉ có hai người nhận được vinh quang, người còn lại gần như đã bị quên lãng trong dòng lịch sử.

Kể từ khi đứa bé đầu tiên ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vào năm 1978, ước tính đã có hơn 12 triệu trẻ em trên thế giới ra đời nhờ phương pháp này. IVF đã mang lại giải Nobel về Sinh lý học hoặc Y học và tước hiệp sĩ cho nhà khoa học người Anh Robert G. Edwards, và tước hiệu Sĩ quan đế chế Anh (OBE) cho người đồng sự là bác sĩ phụ khoa Patrick Steptoe. Tuy nhiên, có một người phụ nữ cũng tham gia vào quá trình hình thành IVF, nhưng tiếc thay bà đã bị người đời quên lãng, bất chấp nỗ lực từ những người cộng sự.

Năm 1968, cô y tá 23 tuổi Jean Purdy đã nộp đơn xin vào làm trợ lý nghiên cứu cho bác sĩ Robert Edwards tại Phòng thí nghiệm sinh lý học của Đại học Cambridge. Không lâu sau đó, Edwards thành công tạo ra phôi nang người, một phôi gồm tám tế bào, bên ngoài cơ thể, và ông lập tức hợp tác với bác sĩ phụ khoa Patrick Steptoe, người đã giới thiệu phương pháp nội soi ổ bụng đến Vương quốc Anh – tiền thân của phẫu thuật nội soi ổ bụng.

Dự định của Edwards là sử dụng phương pháp nội soi để lấy trứng từ buồng trứng, thụ tinh chúng trong ống nghiệm và đặt trứng đã thụ tinh vào tử cung, vượt qua tình trạng tắc ống dẫn trứng – một nguyên nhân chính gây vô sinh. IVF từ đó được điều chỉnh để điều trị hầu hết các dạng vô sinh.

Nhóm nghiên cứu được cấp một không gian thí nghiệm nhỏ tại Bệnh viện Kershaw’s Cottage, và được phép nghiên cứu trong thời gian rảnh rỗi, nhưng phải tự bỏ tiền túi để sắm sửa thiết bị.
Vào thời điểm ấy, các nhà khoa học biết rất ít về phôi học ở người và làm sao để duy trì phôi. Đồng thời, việc nghiên cứu này đã gây phẫn nộ về mặt đạo đức nên việc tài trợ cho nghiên cứu như vậy thường bị từ chối. Chính vì thế, Edwards và Steptoe đều tiếp tục công việc toàn thời gian để có chi phí nuôi thí nghiệm của mình. Edwards dạy học tại Đại học Cambridge còn Steptoe là cố vấn của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) ở Oldham.

Jean Purdy cùng với Robert Edwards trong phòng thí nghiệm nghiên cứu của họ ở Cambridge, Anh, vào năm 1968.
Jean Purdy cùng với Robert Edwards trong phòng thí nghiệm nghiên cứu của họ ở Cambridge, Anh, vào năm 1968.

Vì những lý do trên, Jean là người quản lý phòng thí nghiệm toàn thời gian, chuẩn bị môi trường nuôi cấy, ghi lại dữ liệu, trấn an và hỗ trợ bệnh nhân. Bà là người đầu tiên đã nhận ra và mô tả quá trình hình thành phôi nang ở người – một giai đoạn nền tảng cho công nghệ tế bào phôi. Trong hơn mười năm, hàng trăm phụ nữ đã tình nguyện hiến trứng cho mục đích nghiên cứu khoa học, và sau này là với hy vọng điều trị vô sinh khi thí nghiệm đã có bước tiến triển.

Vào ngày 25/7/1978, thế giới đón chào Louise Brown – em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Và kì tích khoa học này tiếp diễn vào tháng một năm sau, với bé trai Alastair MacDonald chào đời. Bất chấp những thành tích khó tin như vậy, NHS vẫn từ chối cung cấp dịch vụ. Nhóm nghiên cứu rất vất vả tìm kiếm tài trợ hòng mở một phòng khám tư nhân gần Cambridge để họ có thể làm việc cùng nhau. Cuối cùng, Jean đã tìm thấy một ngôi nhà trang viên đang rao bán – và nơi đây trở thành phòng khám IVF đầu tiên trên thế giới: Bourn Hall. Năm 1980, Jean giúp khởi động các dịch vụ hỗ trợ sinh sản tại đây với vai trò là Giám đốc Kỹ thuật. Từ đó, bà chứng kiến hơn 500 em bé được thụ thai sau khi thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Louise Brown ra đời vào ngày 25/7/1978. Bà là đứa trẻ ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên trên thế giới.
Louise Brown ra đời vào ngày 25/7/1978. Bà là đứa trẻ ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên trên thế giới.

Thật không may, khi sự nghiệp đang trên đà tiến triển, Jean đột ngột phát triển khối u ác tính và qua đời ở tuổi 39 vào năm 1985.

Jean là đồng tác giả của 26 bài báo học thuật về thụ tinh ống nghiệm trong giai đoạn 1970-1985 trên nhiều tạp chí danh tiếng như NatureThe Lancet. Đóng góp của bà tuy bị người đời bỏ qua, nhưng các đồng sự của bà không bao giờ quên lãng. Trong một bài giảng trước khán giả là các chuyên gia nhân kỷ niệm 20 năm IVF lâm sàng, Edwards tuyên bố, “Có ba người tiên phong ban đầu trong IVF chứ không chỉ có hai”.

Hai nhà khoa học Edwards và Steptoe đều coi nhà phôi học Jean Purdy là cộng sự có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Bác sĩ Edwards đã không ngừng nỗ lực để công sức của bà được công nhận.

“Tôi mạnh mẽ đề nghị tên của những người đã chung tay góp sức trong ca thụ thai Louise Brown được ghi rõ. Nhất là Jean Purdy, người đã cùng tôi đến Oldham trong 10 năm và đóng góp nhiều như tôi cho dự án này. Thực tế, tôi coi cô ấy là người đóng góp ngang bằng với Patrick Steptoe và tôi”, bác sĩ Edwards viết trong một lá thư gửi cho Cơ quan Y tế Oldham năm 1981, đồng thời nói thêm rằng bác sĩ Steptoe cũng ghi nhận vai trò của bà Purdy trong một cuốn sách do hai người xuất bản.

Edwards viết lá thư này khi các quan chức đang chuẩn bị lắp một tấm biển ở Oldham, nhằm đánh dấu sự ra đời vào năm 1978 của Louise Brown, đứa bé đầu tiên ra đời trong ống nghiệm. Lá thư này của bác sĩ Edwards, cùng nhiều tư liệu khác, cho thấy ông đã không ngừng tranh luận để đòi sự công nhận bình đẳng cho bà Purdy, nhưng hết thảy đều vô ích.

Trong thư phúc đáp từ người quản lý David Killion, họ cho biết tấm bảng sẽ có nội dung như sau: “Ca thụ tinh trong ống nghiệm và thụ thai thành công đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại bệnh viện này bởi ông Patrick Steptoe, bác sĩ Robert Edwards cùng đội ngũ hỗ trợ vào tháng 11/1977”.

Tên bà Purdy đã không xuất hiện trên tấm bảng, bất chấp lời yêu cầu từ chính bác sĩ Edwards. Mãi tới năm 2015, Hội Sinh học Hoàng gia mới dựng một tấm bảng vinh danh cả ba nhà nghiên cứu.

Madelin Evans, một người lưu trữ, cho biết những lá thư này không tiết lộ “lý do rõ ràng” tại sao tên của Purdy bị bỏ qua, nhưng “có lẽ có liên quan khá nhiều đến thực tế cô ấy là một y tá, một nhà phôi học và một người phụ nữ”. Evans giải thích rằng phụ nữ không được coi trọng trong thời kỳ đó, công việc y tá bị xem nhẹ so với công việc của bác sĩ và nhà khoa học, đồng thời lĩnh vực nghiên cứu của bà là phôi học lúc ấy vẫn chưa nhận được sự công nhận rộng rãi.

Đóng góp của nhà khoa học nữ bị bỏ qua không phải điều hiếm thấy trong chiều dài lịch sử. Chúng ta có thể kể tới những cái tên như Rosalind Franklin với dữ liệu tinh thể học tia X đã góp phần vào khám phá chuỗi xoắn kép DNA, nhưng người giành được giải Nobel năm 1962 cho khám phá này lại là đồng nghiệp của bà là Maurice Wilkins, cùng với James Watson và Francis Crick.

Nhà vật lý thiên văn Jocelyn Bell Burnell là người đầu tiên quan sát sao xung và là đồng tác giả của bài báo công bố khám phá này, nhưng Giải Nobel năm 1944 lại trao cho cố vấn khoa của bà là Antony Hewish.

Nguồn:

bournhall.co.uk, thetimes.com, nytimes.com

Bài đăng KH&PT số 1322 (số 50/2024)