Úc là quốc gia mới nhất áp dụng các biện pháp hạn chế trẻ em sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội, nhưng bằng chứng khoa học cho thấy biện pháp này chưa chắc hiệu quả.

Từ năm sau, trẻ em dưới 16 tuổi tại Úc sẽ bị cấm sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội - mức giới hạn độ tuổi cao nhất thế giới. Một số quốc gia và khu vực khác cũng đã đưa ra các giới hạn tương tự, hoặc đang xem xét thực hiện, do phụ huynh lo ngại trẻ em có thể bị bắt nạt, bị lừa đảo và tiếp cận nội dung người lớn trên mạng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy các lệnh cấm này sẽ giúp trẻ em an toàn hơn trên môi trường trực tuyến.

Hình minh họa. Nguồn: dpa via Alamy

Chính phủ Úc cho rằng mạng xã hội đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ em. Họ chưa nêu rõ nền tảng nào sẽ bị cấm theo luật mới, nhưng các nền tảng cho phép người dùng đăng tải nội dung và tương tác với hai hoặc nhiều người khác, như Snapchat, TikTok và X (tên cũ là Twitter), dự kiến sẽ bị ảnh hưởng. Các công ty mạng xã hội có thể bị phạt đến 49,5 triệu AUD (32 triệu USD) nếu không thực hiện “các bước hợp lý” để ngăn chặn trẻ em dưới độ tuổi tối thiểu đăng ký tài khoản.

Nhiều phụ huynh đã hoan nghênh biện pháp cứng rắn này, nhưng các nhà nghiên cứu lại nghi ngờ việc cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội có thể giải quyết các vấn đề như chính sách mong muốn. Vào tháng 10, hàng chục nhà nghiên cứu đã gửi thư đến chính phủ Úc, cho rằng một lệnh cấm toàn diện là quá cứng nhắc và việc giải quyết rủi ro trực tuyến cần có tiếp cận tinh tế, dựa trên bằng chứng.

Theo Andrew Przybylski - nhà tâm lý học tại Đại học Oxford, Anh, không có nhiều bằng chứng cho thấy lệnh cấm sẽ hiệu quả.

Vậy nghiên cứu cho thấy điều gì? Một báo cáo năm 2023 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ chỉ ra mạng xã hội có tiềm năng gây hại cho sức khỏe thanh thiếu niên, nhưng không đủ bằng chứng để khẳng định nó gây ra tác động tiêu cực ở mức độ dân số. Thay vì áp dụng lệnh cấm toàn diện và giới hạn độ tuổi, báo cáo khuyến nghị các công ty mạng xã hội áp dụng các tiêu chuẩn mới để cải thiện tính minh bạch của nền tảng, cũng như các hệ thống báo cáo tốt hơn để xử lý lạm dụng trực tuyến.

Úc không phải là quốc gia duy nhất cố gắng áp đặt hạn chế mạng xã hội đối với trẻ em. Năm 2023, Pháp đã ban hành luật yêu cầu trẻ em dưới 15 tuổi phải có sự đồng ý của phụ huynh khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, dù luật này chưa được thực thi. Bang Florida, Mỹ, cũng đã ký một dự luật vào tháng Ba nhằm cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội, nhưng động thái này đang bị thách thức tại tòa án do lo ngại về quyền tự do ngôn luận. Tháng 10 mới đây, Na Uy thông báo kế hoạch tăng độ tuổi tối thiểu sử dụng mạng xã hội từ 13 lên 15 tuổi.

Các nghiên cứu cho thấy trẻ em vẫn tìm cách vượt qua các giới hạn độ tuổi. Một báo cáo năm 2022 của Văn phòng Truyền thông Chính phủ Anh cho thấy 60% trẻ từ 8 đến 11 tuổi sử dụng mạng xã hội có tài khoản riêng, dù các nền tảng này yêu cầu người dùng phải từ 13 tuổi trở lên. Ngoài ra, trẻ em có thể duyệt nội dung trên một số nền tảng mà không cần tài khoản, như TikTok, hoặc sử dụng tài khoản của phụ huynh để truy cập nội dung trên các trang web hạn chế hơn, theo Stephanie Wescott - nhà nghiên cứu tại Đại học Monash, Úc.

Dù có những rủi ro, mạng xã hội cũng mang lại lợi ích cho trẻ em. Một cuộc khảo sát năm 2022 tại Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy khoảng 80% thanh thiếu niên từ 13–17 tuổi cảm thấy mạng xã hội giúp họ kết nối tốt hơn với cuộc sống của bạn bè. Trong số 32% người được khảo sát cho rằng mạng xã hội có tác động tích cực, gần một nửa nêu lý do chính là sự kết nối và tương tác. Gần 60% cho rằng mạng xã hội có tác động trung lập, trong khi chỉ 9% thấy tác động chủ yếu là tiêu cực.

Đối với một số trẻ em, đặc biệt là những em thuộc nhóm thiểu số hoặc sống ở khu vực hẻo lánh, mạng xã hội là “phao cứu sinh”, giúp các em tiếp cận cộng đồng và hệ thống hỗ trợ mà các em không có ở nhà hoặc ở trường, theo Lisa Given - nhà khoa học thông tin tại Đại học RMIT, Úc. Bà lo ngại rằng các hạn chế mạng xã hội nghiêm ngặt tại Úc có thể khiến những trẻ này bị cô lập. “Chúng ta sẽ cần nhiều biện pháp can thiệp để hỗ trợ các em bị cấm sử dụng các nền tảng này,” bà nói.

Przybylski cũng lo ngại rằng cách tiếp cận cứng nhắc của chính phủ Úc sẽ đẩy trẻ em dễ bị tổn thương đến những góc khuất trên Internet, nơi chúng có thể gặp phải những nguy hiểm lớn hơn, như các phòng trò chuyện không được kiểm duyệt.

Ttheo Wescott, các chính phủ nên tập trung vào việc giáo dục trẻ từ sớm về những nguy cơ của mạng xã hội và cách điều hướng môi trường trực tuyến một cách thông minh hơn.

Nguồn: