Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Với nhiều điểm, khoản mới, trong đó đáng chú ý nhất là việc bổ sung, sửa đổi một số quy định về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, Thông tư đã thu hút mối quan tâm của dư luận ngay sau khi được ban hành.
Thắt chặt điều kiện mở ngành đào tạo tiến sĩCụ thể, Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 của Điều 6 trong Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT về Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Theo đó, cơ sở đào tạo muốn mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phải có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau: a) Ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ thạc sĩ; hoặc b) Trong 05 năm gần nhất, số giảng viên quy định tại khoản 1 Điều này đã tham gia hướng dẫn 05 luận án tiến sĩ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác); đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Quy định mới đã thắt chặt hơn điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ so với Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT, vốn chỉ đòi hỏi số lượng giáo sư/phó giáo sư và tiến sĩ là giảng viên cơ hữu tối thiểu mà “thả nổi” chất lượng đội ngũ giảng viên này, hoặc chỉ quy định chung chung là “bảo đảm tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ GD&ĐT”. Sự lơi lỏng này tạo cơ hội cho một số cơ sở đào tạo lách luật bằng cách ký hợp đồng với các giảng viên đã về hưu, không còn hoạt động giảng dạy, nghiên cứu để đứng tên mở ngành đào tạo tiến sĩ hộ.
Trao đổi với
Báo KH&PT, nhà nghiên cứu giáo dục, TS. Phạm Hiệp hoan nghênh quy định mới và cho rằng nó sẽ đưa việc mở ngành và đào tạo tiến sĩ “vào đúng quỹ đạo”, buộc các trường đại học phải chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức hơn. Quy định mới cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng một số giảng viên sau khi đạt danh hiệu giáo sư, tiến sĩ thì dừng nghiên cứu và công bố quốc tế, TS. Phạm Hiệp nói.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 5/1/2025. Đối với các ngành đào tạo được mở và đang hoạt động trước ngày này, cơ sở đào tạo tiếp tục duy trì, cải tiến các điều kiện mở ngành theo các quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT, đồng thời phải bảo đảm tất cả các ngành tuyển sinh từ ngày 1/6/2026 đáp ứng đầy đủ điều kiện mở ngành theo quy định của Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT.
Cơ sở đào tạo có thể bị đình chỉ đào tạo, tuyển sinh những chương trình tiến sĩ không đáp ứng các quy định tại Thông tư này.
Trước một số ý kiến cho rằng các chương trình đào tạo tiến sĩ tại nhiều trường đại học tư thục có thể gặp rủi ro bởi các quy định mới, TS. Phạm Hiệp khẳng định vấn đề không nằm ở loại hình trường công lập hay tư thục, mà là trường đó có nghiêm túc trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học hay không.
Lượng hóa nghiên cứu – việc dễ làm trướcMột vấn đề được thảo luận sôi nổi xung quanh Thông tư này là con số 50 bài báo, báo cáo khoa học mà các giảng viên cơ hữu đứng ra mở ngành đào tạo tiến sĩ phải công bố trong năm năm gần nhất.
Trước đó, đã có những diễn giải chưa chính xác về quy định này, cho rằng tổng số giảng viên dạy một chương trình tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học. Để hiểu đúng, TS. Phạm Hiệp lưu ý, cần phân biệt rõ giữa giảng viên cơ hữu đứng ra mở ngành đào tạo tiến sĩ và giảng viên giảng dạy chương trình tiến sĩ. Theo Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT, cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, bên cạnh những giảng viên này còn có nhiều giảng viên khác dạy các môn chuyên đề hay hướng dẫn luận án, và tổng số giảng viên dạy một chương trình tiến sĩ có thể lên tới 15 - 20 người, TS. Phạm Hiệp phân tích.
Anh đánh giá, yêu cầu công bố 50 bài báo khoa học đối với đội ngũ giảng viên cơ hữu chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ “rất vừa phải, không có gì quá đáng”. Nếu chia 50 bài báo này cho bốn hoặc năm giảng viên đứng ra mở ngành thì trung bình mỗi người phải công bố khoảng 10 - 13 bài báo trong năm năm. Với các giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thì yêu cầu này thực chất không khó, theo TS. Phạm Hiệp. Hơn nữa, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học cũng đã quy định mỗi năm, giảng viên phải có hoạt động nghiên cứu khoa học tối thiểu tương đương với một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, một bài báo được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN, hoặc một báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học chuyên ngành.
“Giảng viên phải có nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao tri thức, nhưng bây giờ chuyển giao tri thức chưa được tiêu chuẩn hóa”, TS. Phạm Hiệp nói. “Nghiên cứu là thứ dễ lượng hóa hơn thì nên lượng hóa”. Anh chia sẻ mình nhìn chung ủng hộ quy định mới, cho rằng trong bối cảnh số lượng tiến sĩ ở Việt Nam còn khiêm tốn, việc tập trung nâng cao chất lượng tiến sĩ là một bước đi đúng đắn.
Việc đào tạo đội ngũ tiến sĩ đã góp phần trực tiếp tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học trên mọi lĩnh vực, thúc đẩy nền KH&CN Việt Nam hội nhập với chuẩn mực và trình độ quốc tế.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam mới khoảng 12.000 người. Tính tỷ lệ trên dân số, con số này chưa bằng 1/3 so với Malaysia và Thái Lan, bằng 1/2 so với Singapore và xấp xỉ 1/9 so với trung bình 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Cũng từ 2021 đến nay, cả nước mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 25 – 47% chỉ tiêu nghiên cứu sinh.
Theo Dự thảo Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khoá XV gửi đại biểu Quốc hội năm 2023, chi phí đào tạo một tiến sĩ ở Việt Nam tại các trường đại học công lập hiện nay trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm, thấp hơn rất nhiều so với chi phí đào tạo tiến sĩ ở một số nước trong khu vực và trên thế giới như Anh (khoảng 15-16.000 Bảng/năm), Úc (khoảng 22-40.000 AUD/năm), Hà Lan (khoảng 13-20.000 EUR/năm), Singapore (khoảng 20-25.000 SGD/năm), Mỹ (khoảng 28-40.000 USD/năm). Cơ cấu ngành trong tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ có sự mất cân đối, tập trung nhiều vào các khối ngành Kinh doanh và quản lý, Kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin. Các ngành đào tạo lĩnh vực nghệ thuật và một số ngành khoa học (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, nông lâm thủy sản…) gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, mặc dù đây là những ngành rất cần cho phát triển kinh tế - xã hội, theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội năm 2024. Việc thu hút nghiên cứu sinh quốc tế còn rất hạn chế - Báo cáo cho biết. Thời gian gần đây, cách tiếp cận của nhiều trường đại học Việt Nam đã dần chuyển từ “đào tạo tiến sĩ” sang “làm tiến sĩ”, trong đó nghiên cứu sinh sẽ nhận được đầu tư, tài trợ từ Quỹ KH&CN của trường, quỹ đầu tư công, chương trình hợp tác quốc tế hay quỹ tư nhân để có thể toàn tâm toàn ý cho công việc nghiên cứu. Một số cơ sở giáo dục như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), Trường Đại học Phenikaa v.v đã có chính sách miễn, giảm học phí cho nghiên cứu sinh và tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh làm trợ giảng, tham gia đề tài nghiên cứu và được trả lương. Từ năm 2019, Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng đã thực hiện trao học bổng thường niên cho học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ trong nước, trong đó học bổng tiến sĩ trị giá 150 triệu đồng/năm.
Nguồn tham khảo: |