Nghiên cứu sơ bộ cho thấy có mối liên hệ giữa thời tiết nóng kéo dài với các dấu hiệu lão hóa phân tử.
Hình minh họa. Nguồn: AFP/Getty
Chúng ta đã biết rằng, thời tiết nóng gây căng thẳng cho tim và thận, và làm chậm nhận thức. Nhưng thời tiết nóng cũng có thể gây ra những tác động vô hình, "không lập tức biểu hiện thành các vấn đề sức khỏe có thể thấy được, mà có thể tác động lên cơ thể ở cấp độ tế bào và phân tử,” đồng tác giả Eun Young Choi - nhà lão khoa tại Đại học Nam California, Los Angeles, cho biết.
Choi và các đồng nghiệp đã nghiên cứu "đồng hồ biểu sinh", một tập hợp các biến đổi hóa học ở DNA và thay đổi theo độ tuổi. Mặc dù vẫn còn tranh cãi về mức độ chính xác của nhữngthước đo như thế này trong việc đại diện cho quá trình lão hóa, các nghiên cứu trước đây đã liên kết những biến đổi hoá học ở DNA với căng thẳng môi trường và xã hội, cũng như mang thai và một số tình trạng sức khỏe khác.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu năm 2016–2017 về các dấu hiệu như vậy trên khoảng 3.800 người từ 56 tuổi trở lên. Sau đó, họ đối chiếu dữ liệu với bản đồ nhiệt độ của Mỹ và tìm mối tương quan giữa tình trạng của các dấu hiệu phân tử và số ngày trong các khoảng thời gian khác nhau mà chỉ số nhiệt - một thước đo nhiệt độ theo cảm nhận thực tế, có tính đến cả nhiệt độ và độ ẩm - vượt quá 26,7°C hoặc 32,2°C tại nơi ở của người tham gia.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các yếu tố khác như chủng tộc và dân tộc, tình trạng hút thuốc, nơi sinh sống và thu nhập. Họ phát hiện rằng những người sống ở các khu vực có nhiều ngày nóng hơn dường như "già" hơn so với những người sống ở vùng mát mẻ hơn, dựa trên các dấu hiệu phân tử.
Khi số ngày nóng tăng thêm 10% thì tuổi của phân tử ở người tham gia lại già thêm 1,44 tháng. Phân tích một tập hợp dấu hiệu phân tử khác cho thấy những người sống ở vùng nóng có tốc độ lão hóa nhanh hơn tới 0,6%. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với thời tiết nóngtrong thời gian ngắn, vài ngày hoặc vài tháng, không cho thấy mối tương quan.
Nghiên cứu không xem xét liệu người tham gia có sử dụng điều hòa không khí hay không, hoặc họ ở ngoài trời bao lâu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng không theo dõi phản ứng cá nhân với thời tiết nóng - điều mà Choi hy vọng sẽ thực hiện khi có quyền truy cập dữ liệu từ các mẫu máu được lấy vào năm 2022.
Dù vậy, sẽ rất khó để xác định liệu thời tiết nóngcó trực tiếp gây ra lão hóa nhanh hay không, hay còn yếu tố nào khác, Linda Enroth - chuyên gia nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và lão khoa tại Đại học Tampere, Phần Lan, lưu ý. “Đây là một cách tiếp cận mới mẻ và cần thiết. Điều quan trọng là phải hiểu thời tiết nóngđang ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.”
Nguồn: