Trong một thời đại khi thị trường tràn ngập các sách khuyến khích con người phải thành công, đưa ra các bí quyết hướng đến thành công..., cuốn sách của Costica Bradatan có cái tên thật nghịch lý - "Ngợi ca sự thất bại".
Tuy nhiên, tựa đề này lại dễ khiến người ta liên tưởng đến những tựa đề cũng khá quen thuộc khác, chẳng hạn “Dám thất bại”. Vậy “Ngợi ca sự thất bại” có phải là cuốn sách self-help như cái tên của nó gợi ra không? Cuốn sách thực sự nói về điều gì? Vì sao sự thất bại đáng ngợi ca? Điều đặc biệt gì ở cuốn sách này khiến cho nó quan yếu đối với con người và xã hội Việt Nam đương đại?
“Ngợi ca sự thất bại” thực chất là cuốn sách triết học đặt thất bại vào địa hạt của suy tư, dành cho nó một vị trí với tư cách là phần được cài đặt sẵn trong trải nghiệm làm người.
Từ góc nhìn của tác giả, thành công chỉ là phần bổ trợ và hầu như không mang lại điều gì cho trải nghiệm sống của con người với tư cách một cá nhân. Trái lại, thất bại đem đến điều mà thành công không thể. Cho nên, người ta có thể sống cả đời mà không thành công, nhưng họ không thể sống được nếu không học cách đối mặt với thất bại. Vì sao? Vì thất bại khiến cá nhân nhận ra khoảng cách giữa mình và thế giới, giữa bản thân với tha nhân, từ đó cảm nghiệm được rằng mình tuy sống trong thế giới này song không thuộc về thế giới này. Do đó, thất bại đem đến cho con người khoảnh khắc bừng ngộ, thấy được ánh sáng giữa hư vô, để rồi càng suy nghĩ sâu sắc hơn về việc mình là ai, ý nghĩa đời sống của mình là gì, mình có thể quyết định câu chuyện nào sẽ được kể khi đời sống của mình hoàn tất hay không...
Vậy một suy tư triết học về thất bại khác với cách các sách self-help nói về thất bại như thế nào? Những cuốn sách self-help thường nói về thất bại như một bước đệm để đi đến thành công, do đó, về bản chất vẫn hướng đến thành công, khuyên người ta chấp nhận thất bại để thành công. Ngược lại, một suy tư triết học về thất bại, chẳng hạn như cuốn sách này, nhìn thất bại trong tính bản thể của nó, từ đó chất vấn truyền thống của triết học phương Tây từ một góc nhìn khác.
Quan niệm về cái “tôi tư duy” duy lý của Descartes trong câu châm ngôn nổi tiếng “Tôi tư duy nên tôi tồn tại” đã bị các nhà nữ quyền chất vấn từ nhiều phương diện khác nhau. Bằng cách dùng cái “tôi tư duy” phủ định cái “tôi thể xác”, Descartes đã góp phần củng cố truyền thống nhị nguyên đặt tinh thần lên trên thể xác, văn hóa trên tự nhiên, nam giới trên phụ nữ... Trong cuốn sách này, tác giả chỉ ra, khi thất bại, con người có khả năng học được bài học về lòng khiêm hạ (humility), hiểu được trạng thái “phi hiện hữu” (non-existence), biết rằng mình chẳng là ai và rời bỏ được việc lấy cái tôi, lấy bản ngã làm trung tâm. Từ đó, con người không còn như con bò tót trên sàn đấu, chờ cho đến khi bị kiệt sức để rồi ngã xuống, mà có thể lựa chọn tan biến đi, từ chối lao vào cuộc đấu đẫm máu và vô nghĩa được sắp đặt cho mình. Nhìn từ góc độ đó, chỉ thất bại mới khiến con người thực sự người hơn.
Thất bại vốn được cài đặt sẵn trong bản thể của ta. Vậy thất bại có những chiều kích nào?
Trong phần “Mở đầu”, tác giả nói về bốn chiều kích (dimension) hay bốn vòng (ring) của thất bại, bao gồm chiều kích vật chất (physical) gắn với cơ thể; chiều kích chính trị (political) gắn với lý tưởng về công bằng, bình đẳng; chiều kích xã hội (social) gắn với sự tương tác; và chiều kích sinh học (biological) gắn với cái chết như một điều không thể tránh khỏi của con người hữu tử. Các chiều kích đi theo thứ tự từ vòng xa nhất đến gần gũi, mật thiết nhất về độ rộng và sâu. Sự rộng và sâu này không phải được đo theo thước đo của không gian, mà là khoảng cách đến suy tư. Từ đó, ông triển khai các chiều kích, theo thứ tự, thành bốn chương sách, mỗi chương đề cập đến một nhà tư tưởng chính, xoay quanh cuộc đời, và nhất là cách họ nhìn nhận, sống với thất bại tất yếu của đời mình. Đó là Simone Weil, nữ triết gia, nhà thần bí có cơ thể vụng về, yếu ớt, luôn gặp khó khăn trong vận động song đã trở nên nổi tiếng với các văn bản kinh điển được đọc rộng rãi; là Mohandas Gandhi, người đấu tranh cho tự do và thống nhất của Ấn Độ, nhưng đã tràn đầy thất vọng và vắng mặt trong ngày độc lập vì không thấy lý tưởng của mình được hiện thực hóa và cái giá phải trả cho cuộc đấu tranh là quá đắt; là Emil Cioran, nhà tư tưởng Pháp gốc Romania, người “sinh ra đã là kẻ thất bại” nhưng cũng là “tác giả của hơn 20 cuốn sách mang vẻ đẹp man dại đến khổ tâm” (tr. 206); là Yukio Mishima, nhà văn Nhật Bản xuất sắc, người đã biến “sự thất bại cuối cùng” – cái chết của mình – thành một màn trình diễn hoàn hảo theo nghi thức seppuku1, để rồi lại gặp khó khăn trong màn kết thúc do sự vụng về, lúng túng của người được gửi gắm.
Tác giả tập trung vào các nhà tư tưởng chính này, đồng thời cũng đặt họ trong quan hệ với các nhà văn, nhà tư tưởng khác, tạo nên một mạng lưới của những trải nghiệm nhân sinh.
Điều sâu sắc nhất người ta có thể trải nghiệm thông qua thất bại đó là bài học về lòng khiêm hạ. Costica Bradatan chỉ ra rằng, khuynh hướng “đặt mình vào trung tâm của mọi thứ để tự huyễn hoặc bản thân rằng ta quan trọng hơn nhiều so với thực chất” (tr. 77) là một bệnh lý tinh thần của con người. Hậu quả của điều này là “Với sự tham lam hoặc xuẩn ngốc hoặc cả hai, chúng ta đã đối xử với thế giới tự nhiên bằng sự tàn bạo, khiến nó bị hủy hoại không thể cứu vãn. Như một kẻ cai trị lãnh cảm với nỗi đau của những tồn tại khác, chúng ta không thể kết nối ý nghĩa với chúng.” (tr. 78) Trái lại, “thất bại làm chúng ta khiêm tốn hơn và sự chữa lành có thể xuất phát từ đó.
Từ ‘khiêm hạ’ có nét nghĩa về đạo đức nhưng hơn cả một phẩm hạnh hiểu theo nghĩa hẹp, nó gợi liên tưởng về trạng thái hiện sinh của chúng ta như là một sự chèn vào thế giới này.” (tr. 79) Như vậy, khiêm hạ không chỉ mang nghĩa là một thái độ hay phẩm chất cá nhân. Nó hướng đến sự hòa hợp với thế giới thay vì dùng cái tôi cá nhân có tính chất phá hủy thế giới.
Nhìn từ góc độ này, đây có thể xem là một cuốn sách có ý nghĩa cho giới trẻ trong thời điểm hiện tại. Chúng ta đang sống trong một thời đại mở rộng giao lưu với văn hóa phương Tây, khi áp lực về thành công đè nặng lên tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, kể cả những em nhỏ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Một cuốn sách suy tư về thất bại và lòng khiêm hạ, xem thất bại như một điều tất yếu con người phải đối mặt, và suy tư về những cách thế đối mặt với thất bại phần nào xui khiến ta sống chậm lại, bình thản hơn, và suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa cuộc sống của mình, trước khi lao lên như một con bò tót trên sàn đấu.
Mặc dù là một cuốn sách suy tư về thất bại, nhưng Robert Zaretsky
2 nói rằng khi đọc cuốn sách, ông nhiều lúc bật cười, vì nó chứa đựng rất nhiều chi tiết hài hước, gây cười chính trong tính chất bi kịch và thê thiết. Chẳng hạn chi tiết Simone Weil vì vụng về nên đã giẫm vào nồi nước sôi và bị bỏng nặng, vì thế, bà không thể ra trận. Cũng vì thế mà bà còn sống, bởi tất cả đồng đội của bà, những người không vụng về, đều đã chết trong cuộc chiến mà bà không có cơ hội tham gia. Nhìn từ phương diện rất hài hước này, chính thất bại đôi khi lại mang đến cho chúng ta cơ hội sống, và sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn. Cuốn sách, do đó, là lời mời gọi mỗi cá nhân suy tư về ý nghĩa đời sống của mình, trong thất bại và lòng khiêm hạ.
Costica Bradatan là giáo sư ngành nghiên cứu nhân văn tại Đại học Công nghệ Texas, Mỹ, và tham gia giảng dạy ở nhiều đại học lớn trên các khắp các châu lục. Các tác phẩm của ông đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Trước Ngợi ca sự thất bại, một cuốn sách khác của ông, Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia, cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt cùng bởi dịch giả Trần Ngọc Hiếu.
|
(1) Seppuku (切腹), còn gọi là hara-kiri (腹切り), là một nghi thức tự sát truyền thống của samurai trong văn hóa Nhật Bản, có nguồn gốc từ thời phong kiến. Đây là một hành động mang tính danh dự, được thực hiện để chuộc lỗi, lấy lại danh dự bị mất hoặc tránh bị bắt làm tù binh trong chiến trận.
(2) Robert Zaretsky (sinh năm 1955) là giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học Houston, Hoa Kỳ. Có thể truy cập cuộc nói chuyện giữa giáo sư Zaretsky và giáo sư Bradatan tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=tC7EJqo_hW8.
Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)