Việc công bố này nhằm chia sẻ rộng rãi kết quả nghiên cứu KH&CN đển cộng đồng khoa học, xã hội và thúc đẩy nhanh việc ứng dụng vào thực tiễn.
Ngày 6/12, tại TPHCM, Văn phòng phía Nam Văn phòng Bộ KH&CN phối hợp với Trung tâm Phát triển Dịch vụ và Khai thác hạ tầng Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiệu quả thực tiễn các phương pháp xét chọn, kiểm tra, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia ngoài chương trình đối với viện nghiên cứu, trường đại học”.
Nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia ngoài chương trình là những nhiệm vụ KH&CN không thuộc các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia. Những nhiệm vụ này được giao trực tiếp hoặc đặt hàng bởi cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các vấn đề quan trọng hoặc ưu tiên về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh,…
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được công bố qua báo chí, cổng thông tin điện tử, hệ thống trực tuyến chuyên ngành,... Các cơ quan như Bộ KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học cũng có trang web riêng để công khai thông tin nhiệm vụ KH&CN và kết quả. Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu không được công khai, hoặc chỉ công bố hạn chế, đặc biệt với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Một số nghiên cứu chưa được công bố đầy đủ, do lo ngại về tính bảo mật hoặc quyền sở hữu trí tuệ.
TS Phạm Ngọc Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững, cho rằng việc thông báo tuyển chọn và kết quả của nhiệm vụ phải được công bố công khai trên hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN quốc gia (fds.vn), Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN, hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác. “Điều này giúp việc tuyển chọn bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan. Các kết quả nghiên cứu được nhiều tổ chức biết đến, có thể chuyển giao ứng dụng rộng rãi phục vụ cho sản xuất và đời sống”, theo TS Minh.
Bên cạnh đó, để gắn kết các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với yêu cầu thực tiễn, nhằm phục vụ thiết thực và có hiệu quả cho phát triển KT – XH của vùng, địa phương, thì khâu đề xuất đặt hàng, xác định các nhiệm vụ KH&CN là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Do đó, cần lấy ý kiến của các ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan, trước khi tổng hợp thành Danh mục các nhiệm vụ KH&CN hằng năm để thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, việc đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, đã có khung chương trình KH&CN quốc gia do Bộ KH&CN xây dựng, bao gồm mục tiêu tổng quát, định hướng nghiên cứu, các lĩnh vực ưu tiên, phương thức tổ chức thực hiện. Các cơ quan (bộ, ngành, địa phương, tổ chức KH&CN,…) dựa vào nội dung khung chương trình để xây dựng danh mục nhiệm vụ chi tiết. Tuy nhiên, hiện nay, khi đề xuất, mỗi nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp khác nhau, có thể còn manh mún, nhỏ lẻ.
“Trước các vấn đề nghiên cứu còn manh mún, nhỏ lẻ, cần có một đơn vị trung gian đánh giá sự phù hợp của các giải pháp công nghệ. Các công nghệ cần đáp ứng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch mang tính định lượng, cụ thể”, TS Thành đề xuất và nhấn mạnh, kết quả của các nhiệm vụ KH&CN cần được công bố rộng rãi theo từng giai đoạn (giữa kỳ, cuối kỳ) để người dân, nhà quản lý cũng như doanh nghiệp biết để ứng dụng vào thực tiễn, đồng thời giám sát kết quả quá trình thực hiện nhiệm vụ.
PGS.TS Phạm Đức Chính, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các sản phẩm đặt hàng còn chú trọng báo cáo chuyên đề, chứ chưa chú trọng các đơn vị khoa học trong nghiên cứu (công bố, sách chuyên khảo, đào tạo sau đại học gắn với kết quả nghiên cứu...). Các báo cáo chuyên đề còn mang nặng tính hành chính, chính trị, cho nên sản phẩm nghiệm thu xong không có người quan tâm.
Vì vậy, theo TS Chính, việc đặt hàng nhiệm vụ và nghiệm thu sản phẩm phải dựa trên những đơn vị khoa học, đo lường được. Cần đặt hàng các nhiệm vụ để giải quyết các vấn đề cụ thể, chứ không đặt các sản phẩm giải quyết những vấn đế chung chung. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cần có địa chỉ ứng dụng rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, thành viên Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ phải là các chuyên gia được công nhận, có tên trên cổng thông tin KH&CN quốc gia. Những người phản biện phải là người đã có công bố cùng lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ.
Tin đăng KH&PT số 1322 (số 50/2024)