Biến đổi khí hậu đang gây ra tình trạng khô hạn chưa từng thấy trên Trái đất và có thể ảnh hưởng đến năm tỷ người vào năm 2100, theo báo cáo của Công ước Liên Hợp Quốc về Chống sa mạc hóa (UNCCD) được công bố vào tháng 12/2024.
Báo cáo cho biết 77,6% diện tích đất liền trên Trái đất đã trở nên khô hạn hơn trong ba thập kỷ qua. Các nhà khoa học ước tính các vùng đất khô hạn đã mở rộng thêm khoảng 4,3 triệu km2, lớn hơn diện tích Ấn Độ. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu và các hoạt động chặt phá rừng.
Đất khô hạn không chỉ làm giảm năng suất nông nghiệp mà còn đe dọa an ninh lương thực và khiến nhiều người phải di cư do tình trạng thiếu nước. Các khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm phía Nam châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
UNCCD kêu gọi các quốc gia hợp tác chặt chẽ với nhau để đối phó với mối đe dọa toàn cầu này. Các giải pháp dài hạn bao gồm cải tạo đất, tiết kiệm nước, áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt và trồng cây chịu hạn.
Nguồn: Livescience.com
Tin đăng KH&PT số 1322 (số 50/2024)
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch