TS Firdausi Qadri (Bangladesh) đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn với vaccine tả đường uống Shanchol, được phát triển đầu tiên ở Việt Nam dưới tên gọi mORCVAX, từ đó rút ra kết luận về lợi ích, hiệu quả và độ an toàn của loại vaccine có chi phí thấp này.

GS Nguyễn Thục Quyên (phải) trao giải thưởng VinFuture cho TS. Firdausi Qadri (trái). Ảnh: BTC
TS. Firdausi Qadri (trái) nhận giải thưởng “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” VinFuture 2024. Ảnh: BTC

Tại lễ trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn cầu VinFuture 2024 diễn ra vào tối 6/12 tại Hà Nội, bên cạnh một giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD trao cho các nhà khoa học có những đóng góp đột phá trong lĩnh vực Học sâu/AI, còn có ba giải đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nữ”, “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” và “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới”, mỗi giải thưởng trị giá 500.000 USD (~13 tỷ đồng).

Trong đó, giải “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” được trao cho TS Firdausi Qadri, Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tả Quốc tế, Bangladesh, vì “Sự đổi mới cải tiến vaccine dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển”.

TS Firdausi Qadri đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quy trình tiêm chủng phòng chống bệnh tả, bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hoá do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn.

Bệnh tả là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, thường được điều trị bằng cách bù nước và cần phải nhập viện khi có diễn biến nặng. Căn bệnh này đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước sạch.

Năm 1992, Bangladesh đối mặt với các đợt bùng phát dịch tả bất thường, lây lan từ Ấn Độ. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện chủng vi khuẩn tả mới mang tên O139, khác với chủng O1 lưu hành từ trước tới nay ở các quốc gia này.

Trong nhiều năm tiếp theo, Bangladesh phải đối mặt với sự hoành hành của bệnh tả. Theo ước tính của Viện Dịch tễ học, Kiểm soát và Nghiên cứu Dịch bệnh (IEDCR) và Tổng cục Y tế Bangladesh (DGHS), có khoảng 450.000 ca bệnh tả nhập viện trên toàn quốc. Ít nhất 4.500 ca tử vong xảy ra hằng năm. Đến năm 2008, Liên hợp quốc vẫn cảnh báo rằng toàn bộ dân số Bangladesh có nguy cơ mắc bệnh tả cao do lũ lụt thường xuyên và rộng khắp.

Trước tình hình này, TS Firdausi Qadri và các đồng nghiệp đã nỗ lực giới thiệu một loại vaccine dịch tả dạng uống giá rẻ mới có tên Shanchol để thay thế cho vaccine dạng uống Dukoral (chứa huyết thanh O1) đắt đỏ, không hiệu quả về chi phí khi sử dụng như một công cụ y tế công cộng.

Vaccine Shanchol chứa cả hai nhóm huyết thanh O1 và O139, được phát triển đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1997 dưới tên gọi mORCVAX bởi Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech). 20 triệu liều mORCVAX đã được Việt Nam sử dụng trong chương trình y tế công cộng trong thập kỷ tiếp theo.

Viện Vaccine Quốc tế (IVI), Hàn Quốc, sau đó đã cải tiến vaccine gốc mORCVAX để được sử dụng toàn cầu và cấp phép lại cho Ấn Độ sản xuất dưới tên gọi Shanchol vào năm 2009. Hiện nay, Shanchol là một trong ba loại vaccine bệnh tả được WHO công nhận quốc tế, và đã được sử dụng ở gần 20 quốc gia.

TS. Firdausi Qadri (giữa) trao đổi với các đồng nghiệp về các chủng bệnh. Ảnh: NHK  Japan/
TS Firdausi Qadri (giữa) trao đổi với đồng nghiệp về các chủng bệnh. Ảnh: NHK Japan

TS Firdausi Qadri đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn với Shanchol từ năm 2010, từ đó rút ra kết luận về lợi ích, hiệu quả và độ an toàn của loại vaccine có chi phí thấp này khi chỉ sử dụng một liều duy nhất. Shanchol có thể giúp tăng khả năng chống lại bệnh tả lên tới 65% trong hai năm đầu.

Vaccine Shanchol cũng giúp việc vận chuyển, lưu trữ và sử dụng dễ dàng hơn, đặc biệt là ở các vùng xa xôi, do không cần bảo quản lạnh. Quan trọng hơn, tại Bangladesh, vaccine Shanchol có giá rất phải chăng, từ 4-9 USD/liều, bằng 1/5 so với vaccine Dukoral trên thị trường.

Trong nhiều thập kỷ qua, đội ngũ của TS Firdausi Qadri đã làm việc không ngừng để đưa vaccine Shanchol thành một biện pháp can thiệp y tế công cộng ở Bangladesh. Năm 2017, khi người tị nạn Rohingya từ Myanmar tới Dhaka, trại tập trung của họ nằm ở khu vực có tỷ lệ mắc bệnh tả thuộc hàng cao nhất trong thành phố. Tiến sĩ Qadri dẫn đầu một nhóm chuyên gia trong suốt chương trình cấp phát vaccine nhằm ngăn chặn bùng phát bệnh tả. Đây là một phần trong nỗ lực chủng ngừa cho 1,2 triệu người có nguy cơ cao ở Dhaka.

Gần đây, TS Firdausi Qadri cùng với các đối tác công tư đang trong quá trình phát triển Cholvax, một loại vaccine dạng uống toàn tế bào, bất hoạt. Kết quả thử nghiệm lâm sàng năm 2016-2017 cho thấy tính sinh miễn dịch và an toàn của nó tương đương với vaccine Shanchol.

Vaccine Cholvax hiện có sẵn trên thị trường, nhưng chưa được WHO sơ tuyển, vì vậy không thể được mua hoặc khuyến nghị cho các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt của các quốc gia. Tuy nhiên, chúng mở ra cơ hội cho việc đa dạng hóa các dạng vaccine bệnh tả có hiệu quả cho tương lai.

Nói chung, các nỗ lực nghiên cứu hỗ trợ y tế công cộng và phổ biến vacicne của những nhà khoa học như TS Firdausi Qadri có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước đang phát triển. Việc dự phòng sớm để kiểm soát dịch tả có thể giúp tăng cường an ninh y tế và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, giảm số người tử vong. Tới năm 2018, số ca mắc bệnh tả ở Bangladesh đã giảm xuống rõ rệt, còn khoảng 100.000 ca mắc mỗi năm, theo ước tính của DGHS.

Trao đổi tại hội thảo bên lề giải thưởng VinFuture, TS Firdausi Qadri cho biết bà muốn tăng cường nhận thức của mọi người về các loại bệnh, đặc biệt là tập trung vào hai đối tượng phụ nữ và trẻ em.

"Phụ nữ hiện có nguy cơ mắc rất nhiều loại bệnh, ví dụ như ung thư vú, ung thư buồng trứng v.v. Hiện nay nhiều quốc gia chưa có sẵn dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Do đó, tôi muốn tập trung nghiên cứu lĩnh vực này để cải thiện sức khỏe của trẻ em nhỏ và phụ nữ nói chung", bà nói.

Với tư cách là một nhà khoa học nữ, TS Firdausi Qadri cũng mong muốn ngày càng có nhiều phụ nữ được đào tạo và tham gia vào lĩnh vực khoa học, dù công việc này mất rất nhiều thời gian.

"Thường phụ nữ sẽ ngần ngại khi có gia đình. Bản thân tôi có ba con nhưng vẫn có thể làm khoa học, vẫn có thể đạt được những thành công nhất định", bà nói, "[...] Tôi muốn trở thành một hình mẫu để cổ vũ cho những người phụ nữ theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học."