Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Anusandhan (ANRF) mới được thành lập với mục tiêu tái định hướng các mục tiêu đổi mới sáng tạo của Ấn Độ. Tuy nhiên những vấn đề tồn tại về tài trợ khoa học và tư duy quản lý lạc hậu được dự báo sẽ là một rào cản trong quá trình này.

Phòng thí nghiệm trường Đại học Shiv Nadar.
Phòng thí nghiệm trường Đại học Shiv Nadar.

Vào tháng 8/2023, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo về việc thành lập ANRF - một trong số những cơ quan tài trợ chính cho khoa học của Ấn Độ, bên cạnh Hội đồng nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR), Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội Ấn Độ (ICSSR), Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO), Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (ICMR), Ban Khoa học và Nghiên cứu kỹ thuật (SERB)…

Khác với các cơ quan tài trợ cho khoa học đã có, ANRF được giao nhiệm vụ tái xác định nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ở một quốc gia mà thời gian qua dường như sa đà vào những vấn đề niềm tin tôn giáo và những điều thần bí.

Trong phiên họp đầu tiên của Ban điều hành ANRF, do chính thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, nhấn mạnh vào việc phải thực hiện nghiên cứu theo nhu cầu của xã hội. Điều đó đưa ra một thách thức cho giới nghiên cứu Ấn Độ, khi vừa phải giữ thế cân bằng với trình độ khoa học thế giới, vừa phải đáp ứng được các nhu cầu nội tại của xã hội. Thủ tướng Modi cũng cho rằng sẽ có hệ thống chính sách để khuyến khích các viện nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực quan trọng đề xuất những giải pháp môi trường, vật liệu pin cho xe điện, kim cương nhân tạo, nông nghiệp bền vững.

Cuộc họp bàn này đã đi đến kết luận là ANRF sẽ tài trợ theo mô hình “trục xoay và nan hoa” để kết nối các viện nghiên cứu hàng đầu với các trường đại học, tăng cường tài trợ cho các nhà nghiên cứu giai đoạn đầu sự nghiệp, đưa các nhà khoa học đã nghỉ hưu ở các viện hàng đầu như Viện Khoa học Ấn Độ, Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ, hay Hội đồng các Phòng thí nghiệm nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp… trở lại với môi trường nghiên cứu để góp phần vực dậy những viện nghiên cứu yếu kém. “Đây sẽ là một cơ hội cho các nhà khoa học giỏi đến hỗ trợ thành lập các nhóm nghiên cứu tại các nơi chưa có tên tuổi”, Ajay Sood, cố vấn khoa học chính của chính phủ và là thành viên của Ban điều hành ANRF, nhận xét.


ANRF sẽ tài trợ theo mô hình “trục xoay và nan hoa” để kết nối các viện nghiên cứu hàng đầu với các trường đại học, tăng cường tài trợ cho các nhà nghiên cứu giai đoạn đầu sự nghiệp, đưa các nhà khoa học đã nghỉ hưu ở các viện hàng đầu trở lại với môi trường nghiên cứu để góp phần vực dậy những viện nghiên cứu yếu kém.


Mô hình trục xoay và nan hoa cũng hướng đến giúp tạo dựng văn hóa nghiên cứu ở nhiều cơ sở nghiên cứu, và đưa nó thâm nhập vào các cơ sở giáo dục đại học để gắn kết hơn với nghiên cứu. “Chúng tôi hy vọng có khoảng từ 150 đến 200 trường đại học sẽ gắn kết với các viện nghiên cứu trong vòng năm năm tới”, theo Abhay Karandikar, Tổng thư ký Bộ KH&CN Ấn Độ và là thành viên của Ban quản lý ANRF.

Các quan chức Ấn Độ nói, các cơ quan chính phủ cũng sẽ được khuyến khích tạo dựng môi trường nghiên cứu, qua đó giúp các nhà khoa học có thêm thời gian cho nghiên cứu mà không phải đau đầu vì những thủ tục giấy tờ quan liêu. Một số chính sách khác sẽ xem xét lại tỉ lệ ngân sách đầu tư cho khoa học, cho phép các viện nghiên cứu linh hoạt hơn trong việc tuyển dụng, gia tăng một số chi phí quản lý cho các viện nghiên cứu có các nhà khoa học thực hiện dự án của chính phủ.

Để hướng đến việc tạo tác động lớn trong xã hội, Ban điều hành ANRF đã thông qua một sáng kiến tăng tốc nghiên cứu trong những hướng chiến lược và lĩnh vực mới nổi mang tên Sứ mệnh Tiên tiến trong những lĩnh vực tác động lớn (MAHA). Hai lĩnh vực ưu tiên trong chương trình của MAHA sẽ là công nghệ xe điện và vật liệu tiên tiến. “Trong lĩnh vực xe điện, trọng tâm là phải phát triển được những công nghệ nội địa”, Karandikar nói.

Ngân sách ban đầu của ANRF trong giai đoạn 2023-2028 là 50.000 R, trong đó 36.000 R phải được huy động từ các nguồn tư nhân, chủ yếu là công nghiệp và đóng góp của những nhà tỉ phú hảo tâm.

Cách tiếp cận này dựa trên thành công của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), tổ chức gợi mở cho Ấn Độ việc xây dựng ANRF. Tuy nhiên với Ấn Độ, nhiều người cho rằng để cách làm này có hiệu quả thì cần một bước nhảy vọt về niềm tin do ngành công nghiệp nước này có tiếng là không mặn mà lắm với nghiên cứu.

Nhiều người cho rằng, chính phủ thường đưa ra những ý tưởng kêu gọi là chính trong khi không quan tâm xây dựng môi trường khoa học tương xứng với những lời kêu gọi “sáng tạo, sáng chế, sản xuất, thịnh vượng”. Nhiều chính sách của chính phủ thường làm suy yếu sự tự chủ và ngân sách cấp cho các tổ chức nghiên cứu. Nền tảng đó khiến người ta lo ngại ANRF có thể nhận được sự ủng hộ thật sự để thực hiện vai trò về khoa học và đổi mới sáng tạo.

Cần rất nhiều chính sách mới đi kèm để ANRF phát huy được vai trò của mình nhưng khi các chính sách mới còn chưa xuất hiện một cách đồng loại thì thêm một số thách thức khác. Một trong số đó là sự thiếu vắng của đại diện ngành công nghiệp Ấn Độ trong Ban điều hành ANRF. Theo thông tin từ thông cáo báo chí của Bộ KH&CN thì dường như không có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận của Ấn Độ về việc điều hành tổ chức khoa học mới này: danh sách những người tham gia chỉ là các quan chức chính phủ, các bộ trưởng; không có đại diện ngành công nghiệp hay các trường đại học, các viện nghiên cứu mà chính phủ ấn định là sẽ được hưởng lợi từ cơ quan mới này.

Dĩ nhiên không phải là không có hy vọng khi cũng có một số nhà khoa học Ấn Độ ở nước ngoài tham gia, trong đó có Subra Suresh, người từng là Giám đốc Quỹ Khoa học Mỹ. Nếu có hy vọng mới nào mà ANRF có thì đó là Suresh, một nhà khoa học xuất sắc. Chương trình I-Corps do ông thiết kế, xây dựng và thiết lập năm 2012 khi dẫn dắt NSF được coi là “một trong những sáng kiến có tác động bậc nhất trong việc chuyển những phát kiến khoa học tới thực hành thương mại”. Ông cũng được tạp chí Nature ca ngợi như một nhà khoa học xuất sắc mang khoa học xã hội vào “cải cách trường đại học, hướng đến sự tương tác giữa các ngành”, đồng thời tạo ra Hội đồng nghiên cứu toàn cầu ở NSF vào năm 2012 để tạo dựng khung quản lý phù hợp hơn với khoa học.

Tuy nhiên nhiều nhà khoa học Ấn Độ lo ngại sự khác biệt về tầm nhìn và cách tiếp cận của Ấn Độ so với tầm nhìn của Suresh, cộng với những tồn tại về mặt lịch sử và bức tường quan liêu vẫn đè nặng trong khoa học sẽ làm giảm hiệu quả của ANRF, khiến quỹ này khó có thể thành công như NSF.

Nguồn: newindianexpress.com, hindustantimes.com

Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)