Chị Nguyễn Thị Hương Liên, Phó tổng giám đốc, đồng sáng lập công ty Sao Thái Dương, thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN chia sẻ rằng để thuyết phục các doanh nghiệp tham gia đăng ký là doanh nghiệp khoa học công nghệ không phải là điều đơn giản.

Sao Thái Dương mới được công nhận là doanh nghiệp KHCN từ năm 2016. Trước đó 11 năm, họ đã nhận được ưu đãi đầu tư vào Khu công nghiệp Đồng Văn I, Hà Nam nên bây giờ, nếu áp dụng ưu đãi của nghị định 80 về DN KHCN, họ chỉ nhận ưu đãi thuế 10% trong 4 năm nữa, trong đó 2 năm đầu là giảm 50% thuế. Ảnh: Bảo Như
Sao Thái Dương mới được công nhận là doanh nghiệp KHCN từ năm 2016. Trước đó 11 năm, họ đã nhận được ưu đãi đầu tư vào Khu công nghiệp Đồng Văn I, Hà Nam nên bây giờ, nếu áp dụng ưu đãi của nghị định 80 về DN KHCN, họ chỉ nhận ưu đãi thuế 10% trong 4 năm nữa, trong đó 2 năm đầu là giảm 50% thuế. Ảnh: Bảo Như

Chị kể, có doanh nghiệp từng được nhận giải thưởng Bông Lúa Vàng Việt Nam nói rằng có lẽ chỉ “tham gia cho vui” vì “bên nông nghiệp còn ưu đãi nhiều hơn”; có doanh nghiệp “thở một cái rõ là dài” vì “không biết có mất thời gian không”.

Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, trên cả nước hiện nay có 3000 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về doanh nghiệp KHCN nhưng mới chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp đã đăng ký là doanh nghiệp KHCN. Trong khi đó, theo kì vọng của Chính phủ trong Chiến lược Phát triển KH&CN từ 2011-2020, cần có 5000 doanh nghiệp KH&CN.

Muốn thúc đẩy doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp KH&CN thì chính sách ưu đãi cho họ phải thực sự khác biệt so với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác, đặc biệt là ưu đãi về thuế. Nhưng trên thực tế, những ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CN không có gì đặc biệt (miễn thuế bốn năm đầu, giảm 50% thuế chín năm sau), gần tương tự hoặc thậm chí ít hơn chính sách dành cho doanh nghiệp bất kì nào có dự án đầu tư mới vào nghiên cứu phát triển, công nghệ cao; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâu vùng xa khó khăn về kinh tế; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phần mềm…Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp chỉ được lựa chọn một ưu đãi về thuế có lợi nhất cho mình và nếu trước đó đã được ưu đãi của các chương trình khác rồi thì khi nhận ưu đãi mới sẽ phải trừ đi số thời gian của chương trình cũ.

Đó còn chưa kể, để nhận các ưu đãi thuộc về doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp cần phải trải qua một quy trình chuẩn bị hồ sơ đăng kí mất rất nhiều thời gian nếu như từ trước đến giờ họ chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm mà chưa hề đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích hay ghi chép và đánh giá quy trình và kết quả nghiên cứu của mình. Ngay cả như Sao Thái Dương, mặc dù đã có hơn 10 sáng chế (mà thời gian đăng ký, theo lời chị Liên, mất nhiều năm - “khi mình quên nó đi rồi thì nó mới được công nhận”), khi bắt tay vào đăng ký doanh nghiệp KHCN, họ vẫn mất gần một năm để trình bày những nghiên cứu mà họ chưa đăng ký, tái lập quá trình nghiên cứu, thuê một bên thứ ba độc lập đánh giá kết quả…trước khi gửi Bộ KH&CN lập hội đồng thẩm định và thừa nhận, để chứng minh doanh thu của họ chủ yếu đến từ các kết quả nghiên cứu KH&CN.

Chị Nguyễn Thị Hương Liên, Phó tổng giám đốc, đồng sáng lập công ty Sao Thái Dương. Ảnh: Bảo Như
Chị Nguyễn Thị Hương Liên, Phó tổng giám đốc, đồng sáng lập công ty Sao Thái Dương. Ảnh: Bảo Như

Một chính sách khác mà doanh nghiệp rất kì vọng đó là ưu đãi cho vay tín dụng của Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (Natif) hoặc Quỹ phát triển KH&CN của các bộ ngành, tỉnh, thành phố… với lãi suất chỉ bằng 50% so với ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức này có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án R&D khả thi. Tuy nhiên, đây cũng là điều khó có thể kì vọng trong tương lai gần. Có rất ít các quỹ sử dụng tiền ngân sách “dám” cho vay hoặc bảo lãnh cho vay những dự án nghiên cứu, có đặc tính là rủi ro cao để rồi đối mặt với Bộ Luật hình sự nếu dự án đấy thất bại, “không bảo toàn vốn nhà nước”.

Nghị định 13 về doanh nghiệp KHCN (có hiệu lực vào ngày 20/2) ra đời nhằm thay thế Nghị định 80 trước đó với kì vọng có thể đem lại nhiều ưu đãi hơn cho doanh nghiệp có năng lực R&D, từ đó thu hút nhiều hơn đầu tư R&D đến từ khối ngoài nhà nước, nhưng chính sách nào liên quan đến các ưu đãi tài chính thì đều khó khả thi hoặc bộc lộ hạn chế khi đi vào thực tế vì vướng phải Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai. Những người soạn thảo đứng sau nghị định này chỉ có thể giải thích rằng: “một số mong muốn của doanh nghiệp sẽ bổ sung trong quá trình hoàn thiện các văn bản pháp luật, phải có lộ trình…”

Không phải chờ đến Nghị định 13, những hạn chế trong cách thức thu hút đầu tư KHCN từ khối tư nhân mới bộc lộ. Chẳng hạn như chính sách cho phép doanh nghiệp trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế hằng năm để thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Trong khi, “mức trần” 10% là quá ít đến mức phi thực tế với khối tư nhân. “Doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, doanh thu mươi tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế chắc khoảng hơn 1 - 2 tỉ đồng. 10% số đó chắc chỉ đủ để liên hoàn thôi” - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, phát biểu trong Hội thảo về định hướng phát triển hai viện nghiên cứu tư nhận Prati và Tias do Ấn phẩm Tia Sáng, Báo KH&PT tổ chức.

Các chương trình Nhà nước đồng tài trợ cho dự án R&D của doanh nghiệp cũng đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng doanh nghiệp phải “cực nhọc lắm để có nó” – theo lời ông Nguyễn Thanh Mỹ, nguyên là chủ tịch Mylan Group. Bản thân chị Hương Liên, vừa thực hiện một đề tài sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước thuộc quản lý của Văn phòng Các chương trình KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN cũng “cảm thấy tổn hao nguồn lực, hao mòn trí tuệ…” khi đối đầu với những chứng từ liên quan đến đề tài này. Chị cho biết sẽ cân nhắc nguồn lực khi đăng kí những đề tài nhà nước bởi nếu trị giá của đề tài là 1 tỉ đồng và phần tài trợ của nhà nước là 300 triệu đồng, thì “không đủ để chi cho đội ngũ của mình”.

Chị Liên cho rằng, chính sách hấp dẫn hơn trong việc thu hút doanh nghiệp làm R&D đó là cứ để doanh nghiệp “chi thật” cho công việc này và sau đó có một quỹ đủ lớn để khen thưởng cho ai làm tốt. Ý tưởng của chị Liên cũng không quá mới mẻ với các nước trên thế giới như Anh, Canada, Singapore. Các nước này phần lớn “khen thưởng” bằng việc trả lại hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, bằng hoặc nhiều hơn so với số tiền doanh nghiệp đã bỏ ra cho R&D mà không cần chứng nhận doanh nghiệp đó có phải là doanh nghiệp KHCN hay không.