Phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) đang là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của đất nước.

Mối liên hệ giữa “Chính phủ điện tử” và “Chính phủ số”. Ảnh: http://cchc.mard.gov.vn
Mối liên hệ giữa “Chính phủ điện tử” và “Chính phủ số”. Ảnh: http://cchc.mard.gov.vn

Tuy nhiên hiện nay hầu hết các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong CPĐT ở nước ta mới chỉ đóng vai trò như là công cụ hỗ trợ hoạt động. Nhưng trong bối cảnh của sự phát triển khoa học công nghệ hướng tới nền kinh tế số và hạ tầng công nghiệp 4.0, CNTT phải được xem như là nền tảng có thể làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động, vận hành của Chính phủ.

Chuyển đổi số trong chính phủ điện tử sẽ là bước đi để đổi mới toàn bộ các quy trình dựa trên tư duy áp dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả của các dịch vụ và quản trị công. Chính phủ số phải sử dụng dữ liệu điện tử như là nền tảng để vận hành toàn bộ hệ thống. Khi đó quá trình ban hành văn bản điện tử sẽ phải tối ưu, hiệu quả hơn so với khi dùng quy trình ban hành văn bản giấy như hiện nay. Chính phủ số cũng có thể gọi là Chính phủ “xanh” bởi toàn bộ hoạt động sẽ là không giấy, người dùng chỉ khai thác các loại dữ liệu điện tử.

Khác với cách tiếp cận xây dựng hệ thống hướng ứng dụng của chính phủ điện tử hiện nay, chính phủ số sẽ được xây dựng hướng tới nền tảng, nhằm khắc phục được hạn chế gặp phải của các hệ thống xây dựng theo mô hình đơn lập (silo) như hiện nay, khiến việc chia sẻ khai thác dữ liệu giữa các ứng dùng này thường gặp nhiều khó khăn.

Các mô hình xây dựng Chính phủ như là một nền tảng

Có nhiều mô hình tiếp cận để xây dựng nền tảng của chính phủ số. Mỗi mô hình xây dựng sẽ có những ưu nhược điểm riêng và cần phải được lựa chọn phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng quốc gia. Mô hình đầu tiên là xây dựng một nền tảng tập trung cho toàn bộ chính phủ. Mô hình này có thể triển khai khi chính phủ đã quy định rõ ràng một đầu mối chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình chuyển đổi số ở cấp độ quốc gia. Kiểu nền tảng này cung cấp một điểm truy cập tập trung (một cửa) cho tất cả các thông tin và dịch vụ của chính phủ. Mô hình xây dựng một nền tảng toàn chính phủ sẽ thích hợp đối với các quốc gia có quy mô dân số và địa lý nhỏ tương đương với một bang hoặc một thành phố lớn trên thế giới. Ưu điểm chính của mô hình này là có tốc độ triển khai nhanh, tính đồng bộ cao. Tuy nhiên nó cũng đòi hỏi phải xây dựng một bộ máy chuyên trách, đủ năng lực và đủ quyền lực làm thay đổi cơ chế vận hành của chính phủ.

Mô hình thứ hai dựa trên nguyên lý xây dựng ngang hàng. Nền tảng của chính phủ được xây dựng trên cơ sở tích hợp các dịch vụ được xây dựng hướng theo các nghiệp vụ chuyên ngành. Mô hình này đòi hỏi sự tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng nghiệp vụ khác nhau trong chính phủ. Kiểu xây dựng nền tảng ngang hàng phù hợp với những quốc gia thiếu một nền tảng dùng chung cho dịch vụ công. Nó thường hướng tới việc tập trung vào cải thiện từng hệ thống nghiệp vụ dùng cho các cơ quan ngành dọc ở tất cả các cấp độ từ trung ương tới địa phương.

Mô hình thứ ba là xây dựng nền tảng hệ sinh thái. Đây là cách tiếp cận mà chính phủ đóng vai trò chính là nhà kết nối trong một nền tảng mở và hướng tới kết quả. Chính phủ thực hiện hợp tác và cung cấp dịch vụ công cùng với các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức phi chính phủ. Quá trình xã hội hóa dịch vụ công làm thúc đẩy các quan hệ đối tác và khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo ra các giá trị mới. Các nhà quản lý tin rằng chính phủ số là nơi ươm mầm cho các nền tảng xây dựng dựa trên mô hình kinh doanh để hình thành hệ sinh thái của nhiều đối tác. Kiểu xây dựng nền tảng hệ sinh thái là cách tiếp cận phù hợp nhất để thực thi các chính sách có mối quan hệ phức tạp mà rất khó để quản lý bởi chỉ một nhà cung cấp dịch vụ (vd., lĩnh vực quản lý đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên). Nền tảng xây dựng theo mô hình hệ sinh thái phải có tính mở hoàn toàn để khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên vào việc thiết kế, cung cấp các dịch vụ gia tăng.

Mô hình thứ tư là xây dựng nền tảng dùng nguồn lực số đông. Nếu như mô hình hệ sinh thái chỉ là mở rộng xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công cho các đối tác bên ngoài, mô hình này mở rộng để khai thác nguồn lực của số đông người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong việc cùng giải quyết một vấn đề mới của xã hội. Kiểu nền tảng này giống như một mạng xã hội, nơi tất cả mọi người đều có thể tham gia đóng góp như nhau. Các ý kiến, thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp được thu thập thông qua mạng xã hội và được sử dụng như là một nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để cải thiện các hoạt động của chính phủ.

Phát triển chính phủ như là một nền tảng ở Việt Nam

Quá trình xây dựng chính phủ điện tử ở nước ta đã được khởi động từ rất sớm bắt đầu bằng đề án IT 2000. Tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự xây dựng được một hệ thống chính phủ điện tử có tính tổng thể. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn rất rời rạc, hiệu quả thực tiễn mang lại còn rất nhỏ. Trong khi đó lúc này trên thế giới xuất hiện làn sóng chuyển dịch số ở tất cả các quốc gia phát triển. Đây chính là thời cơ để chúng ta cùng thay đổi, xây dựng một nền tảng hiện đại cho chính phủ số mà không phải bỏ chi phí để xây dựng hệ thống với các công nghệ cũ. Mặc dù là nước đứng đầu về chỉ số sẵn sàng chính phủ số, Singapore cũng mới ban hành sách trắng về chiến lược chính phủ số trong năm 2018. Do vậy nếu bắt đầu ngay từ bây giờ thì Việt Nam cũng sẽ không đi sau quá muộn so với thế giới.

Không giống các nước nhỏ như Singapore, việc xây dựng một nền tảng tập trung toàn chính phủ rất khó khả thi tại Việt Nam. Xây dựng nền tảng theo mô hình ngang hàng sẽ phù hợp hơn với phương thức tổ chức quản lý chuyên môn theo ngành dọc của các bộ ngành. Tuy nhiên cần tránh việc chia nhỏ nền tảng theo chiều ngang như cách tiếp cận làm ứng dụng hiện nay tại các địa phương. Lý thuyết đã chỉ ra không tồn tại mô hình xây dựng nền tảng theo chiều ngang. Với mỗi lĩnh vực chuyên ngành, ví dụ như quản lý hộ tịch, quản lý đăng kí doanh nghiệp,.... thì chỉ cần thiết lập một cổng dịch vụ công duy nhất là nơi người dân truy cập thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trong phạm vi cả nước. Không nên thiết lập các dịch vụ công trực tuyến tại địa phương vì rất thiếu hiệu quả. Tại đây chỉ cần đưa vào vận hành hệ thống một cửa điện tử, là ứng dụng dùng để tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người làm thủ tục. Hệ thống một cửa điện tử của các địa phương bắt buộc phải sử dụng dịch vụ của các nền tảng nghiệp vụ chuyên ngành trong quá trình thiết lập và xử lý hồ sơ.

Bên cạnh xây dựng các nền tảng ngang hàng, chúng ta cũng cần nghiên cứu lựa chọn các lĩnh vực có tính chất phù hợp hơn để xây dựng nền tảng hệ sinh thái hoặc nền tảng dùng nguồn lực số đông. Ví dụ như các lĩnh vực quản lý lao động-việc làm-bảo hiểm, quản lý du lịch có đặc thù là cần sự tham gia của rất nhiều đối tác để hình thành hệ sinh thái. Do vậy đối với các lĩnh vực quản lý có nhiều bên thì nên ưu tiên đi theo cách tiếp cận mô hình hệ sinh thái.

Vai trò xây dựng nền tảng có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Chúng ta đã bắt đầu tiến hành xây dựng các ứng dụng quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trong các cơ quan nhà nước từ những năm 2000. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa hoàn thành xong việc kết nối liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên toàn quốc. Việc xây dựng một trục liên thông văn bản quốc gia chỉ là một giải pháp kĩ thuật, công nghệ dùng để kết nối, trao đổi gửi nhận dữ liệu trong cách tiếp cận hướng ứng dụng truyền thống. Trong chính phủ số, chúng ta cần có một nền tảng quản lý tài liệu điện tử quốc gia. Nó là nền tảng duy nhất thực thi đầy đủ các chính sách và nghiệp vụ về văn thư lưu trữ, ban hành văn bản trong các cơ quan nhà nước. Tất cả các văn bản điện tử tạo ra (dù có dùng bất kì ứng dụng nào) được quy định phải sử dụng dịch vụ lưu trữ điện tử trên nền tảng đám mây của chính phủ. Từ đó nền tảng tạo ra sẽ giải quyết được triệt để các bài toán nghiệp vụ về trao đổi văn bản giữa các cơ quan nhà nước, lưu trữ tìm kiếm thống tin văn bản trong CSDL quốc gia. Khi đưa vào vận hành nền tảng quản lý tài liệu điện tử quốc gia này, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí bỏ ra để xây dựng và tích hợp nhiều ứng dụng riêng biệt như quản lý văn bản, công báo điện tử, thư viện số,...

Rõ ràng, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ. Nó là quá trình tạo ra chính phủ số dựa trên một hệ sinh thái bao gồm các tác nhân liên quan đến Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân. Chính phủ số khai thác công nghệ như là một nền tảng để thúc đẩy sự tạo ra và truy cập các dữ liệu, dịch vụ và nội dung từ các bên thông qua sự tương tác với đầu mối quản lý chính là các cơ quan nhà nước.

Chính phủ như là một nền tảng (GaaP)

GaaP (Goverment as a Platform) là khái niệm thể hiện cho triết lí mới được áp dụng để thực hiện chuyển đổi số của chính phủ điện tử. Một bản chiến lược chính phủ số cần được xây dựng trước tiên như là cơ sở của toàn bộ kiến trúc hệ thống. Sau đó một nền tảng tích hợp bao gồm chính sách, nghiệp vụ và công nghệ cùng được thiết kế để mang lại sự đổi mới trong hoạt động của chính phủ. Nền tảng này sẽ được dùng để phát triển các loại hình ứng dụng khác nhau của chính phủ điện tử bao gồm G2C (dành cho công dân), G2B (dành cho doanh nghiệp), G2E (dành cho cán bộ công chức) và G2G (dành cho khối chính phủ).

Trong chính phủ như là một nền tảng, công nghệ thông tin không chỉ được xem ở khía cạnh thuần ứng dụng, mà còn có vai trò tác động tích cực tới sự thay đổi của các chính sách và nghiệp vụ.

Khung kiến trúc xây dựng chính phủ như là một nền tảng
Khung kiến trúc xây dựng chính phủ như là một nền tảng