“Dữ liệu của bạn thực sự rất có giá trị và nó phải thuộc về bạn.”

Người dân California có thể sẽ sớm được bù đắp một khoản tiền khi những gã khổng lồ công nghệ như Facebook bán dữ liệu cá nhân của họ.

Theo trang Gizmodo, trong thông điệp tiểu bang vào hôm 12/2/2019, thống đốc California, ông Gavin Newsom tuyên bố ủng hộ sáng kiến trên – một động thái có thể vĩnh viễn làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực giữa các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới với người dùng của họ.

Thống đốc California muốn bắt các công ty công nghệ phải trả tiền cho dữ liệu thu thập từ người dùng. Ảnh: Forbes.

Thống đốc CaliforniaGavin Newsommuốn buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho dữ liệu thu thập từ người dân. Ảnh: Forbes.

“Các công ty đang tạo ra hàng tỷ đô la mỗi năm nhờ thu thập, quản lý và bán dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng, vì thế chúng ta cần thiết phải có nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu đó”, thống đốc Newsom phát biểu. Ông nhấn mạnh, “người tiêu dùng nên có quyền được biết và kiểm soát xem dữ liệu của họ đang được sử dụng như thế nào”

Mặc dù đề xuất của Newsom hiện vẫn còn thiếu rất nhiều chi tiết, và thực tế thì nó đang giống với một ý tưởng (concept) nhiều hơn, nhưng ông này đã thể hiện lập trường chống lại chính sách khai thác, lợi dụng dữ liệu người dùng của các tập đoàn công nghệ lớn – trong đó khá nhiều tên tuổi đang đặt trụ sở tại tiểu bang của ông.

“Tôi rất tin tưởng vào động thái lập pháp này khi California chính là tiểu bang đầu tiên trên khắp nước Mỹ thông qua Luật bảo vệ quyền riêng tư kỹ thuật số vào năm ngoái”, Newsom nói. Tuy nhiên, “người dùng ở California có lẽ cũng cần được chia sẻ sự giàu có tạo ra từ dữ liệu của họ. Vì thế, tôi đã yêu cầu nhóm làm việc của mình xây dựng một đề xuất mới về việc trả cổ tức cho dữ liệu của người dân California. Ở đây, chúng tôi nhận thức được rằng dữ liệu của bạn rất có giá trị và nó cần phải thuộc về bạn.”

Hiện tại, Newsom đang rất mong đợi các phản hồi mang tính xây dựng – theo tuyên bố gửi tới CBS từ văn phòng của ông. Có lẽ, những đóng góp như vậy sẽ giúp bản đề xuất tránh được những rủi ro không mong đợi, bởi chính sách buộc các công ty công nghệ phải trả một phần lợi nhận cho người dùng thậm chí sẽ còn bị phản tác dụng. Chẳng hạn, một số ông lớn có thể trả đũa bằng cách bắt người dùng phải đăng ký có trả tiền (subscribe) đối với các dịch vụ vốn miễn phí trước đây – điều này cũng tương tự như cách mà Uber từng đe dọa tăng giá cước nếu New York áp đặt quy định về mức lương tối thiểu cho tài xế.

Đề xuất mà Newsom đang cổ vũ hoàn toàn có thể mang lại hiệu ứng ngược khi không ít người dùng, vì chỉ muốn đổi lấy một vài đô-la, sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân của họ – Jeffrey Chester, Giám đốc điều hành Center for Digital Democracy (Trung tâm Dân chủ kỹ thuật số), cảnh báo CBS. “Chúng ta không nên bị dụ đánh đổi sự riêng tư của mình chỉ vì một chút lợi ích nhỏ” - Chester nói. “Vài dollar chẳng thể giúp giải quyết được vấn đề, thậm chí sẽ càng khiến cho tình hình trở nên tồi tệ.”