Theo công bố của Paradise Papers, nhiều người giàu châu Á đang trốn thuế, trong khi chính phủ nhiều nước châu Á khác thích duy trì mức thuế thấp.
Có thể nhắc đến hai ví dụ tiêu biểu là Singapore và Malaysia. Chính phủ hai nước này tin rằng thuế thấp là cần thiết để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và giúp đất nước chuyển mình thành cường quốc xuất khẩu.
Tuy nhiên, chính sách thuế thấp khi được duy trì trong quá lâu sẽ trở thành rào cản tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Việc tăng thuế có thể coi là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển. Nhà kinh tế học người Đức Alfred Wagner vào thế kỷ 19 khẳng định rằng đời sống kinh tế khá hơn sẽ dẫn tới đòi hỏi hệ thống dịch vụ công cộng tốt hơn, mà để đáp ứng điều này thì mức thuế cũng phải gia tăng. Do đó, phần lớn các nước khi phát triển đến một mức nhất định đều áp mức thuế cao hơn so với chính phủ những nước nghèo. Điều này cũng đúng ở một số quốc gia châu Á do nhu cầu của người dân tăng lên và nhân khẩu học thay đổi. Chính phủ Nhật, nước đầu tiên tại châu Á đạt được vị thế nền kinh tế phát triển, đã có nguồn thu thuế chiếm 34% GDP, theo tính toán của OECD. Hàn Quốc ở vị trí thứ hai với nguồn thu thuế tương đương 25% GDP.
Chắc chắn thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ phải điều chỉnh tăng thuế để có tiền chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội trong bối cảnh dân số già ngày một nhanh. Tỷ lệ nguồn thu thuế tính trong tổng GDP trong hai thập kỷ qua đã tăng gấp đôi và hiện ở mức tương đương khoảng 20% GDP. Tỷ lệ nguồn thu thuế/tổng GDP tại nhiều nước khác như Indonesia, Malaysia và Philippines hiện cũng ở mức thấp, khoảng từ 10 đến 15% GDP. Chắc chắn các tỷ lệ này sẽ tăng trong tương lai.
Có hai lý do người ta nên chấp nhận việc tăng thuế. Theo nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), khi bất bình đẳng xã hội tăng lên thì thuế cao giúp phân phối lại của cải chuyển từ người giàu sang cho người nghèo. Đồng thời, để giữ vững đà tăng trưởng, các quốc gia cần chú trọng đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao kỹ năng người lao động thay vì phát triển dựa vào lao động giá rẻ như trước đây; đầu tư đổi mới các cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ thông tin, và đầu tư toàn diện cho các nhóm, các cộng đồng trong xã hội. Tất cả những hoạt động đó đều đòi hỏi nguồn thu từ thuế cũng phải tăng lên.
Nhìn một cách rộng hơn, các quốc gia cần chú trọng đồng đều cả ba trụ cột: kinh tế, tài chính và chất lượng đời sống xã hội. Hiệu quả của một trụ cột sẽ giảm sút nếu hai trụ cột kia không theo kịp. Ngược lại, nếu hiệu quả của một trụ cột được nâng cao sẽ tác động tích cực đến hai trụ cột còn lại. Tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, không thể coi tăng trưởng là mục tiêu duy nhất của các quốc gia. Thực tiễn khu vực cho thấy, chúng ta không thể theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá mà không biết ai sẽ được hưởng lợi. Mặt khác, bản thân tăng trưởng sẽ không bền vững và không thể đạt ngưỡng tối đa nếu không bảo đảm tính cân bằng tổng thể, mà trước hết phải giải quyết được thách thức bất bình đẳng đang tồn tại.
Hệ số Gini được sử dụng để đo lường mức bất bình đẳng trong phân phối của cải tại một quốc gia, chủ yếu là thu nhập, hệ số này càng lớn đồng nghĩa với bất bình đẳng về thu nhập càng cao. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, hệ số Gini của toàn khu vực châu Á đã tăng từ 33,5 lên 37,5 trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2014. Nước có giá trị cao nhất trong khu vực là Malaysia, với giá trị là 46,26 và nước có giá trị thấp nhất trong khu vực là Azerbaijan, với giá trị là 16,64 với chênh lệch gần 30. Hệ số Gini của Việt Nam có xu hướng tăng, đến 2016 đạt 35,3. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa nhóm 20% dân số giàu nhất so với 20% dân số nhóm nghèo nhất châu Á những năm 1990 chỉ khoảng 4,4 lần thì đến năm 2016 đã tăng lên 10 lần, nhìn chung do khoảng cách thu nhập tại một số quốc gia “đầu tầu” kinh tế trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đang ngày một rộng them, theo một báo cáo của Liên Hợp quốc về Tình hình Kinh tế - Chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP). |
Nguyễn Lê Đình Quý