Trước thực trạng nguồn lợi cá biển đang dần cạn kiệt, dẫn tới việc cả sản lượng khai thác lẫn giá trị xuất khẩu thủy sản đều đang có xu thế giảm rõ rệt, trong khi hoạt động nuôi trồng nhỏ lẻ, tự phát gần bờ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ gây ô nhiễm, dịch bệnh, Việt Nam cần sớm tính đến xây dựng chiến lược nuôi biển bền vững.
Tại hội nghị chuyên đề: “Phát triển nuôi biển bền vững năm 2018” do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 25/12/2018, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch VSA, trong bài tham luận của mình, ông đã cho biết. Hiện tại, hoạt động nuôi trồng đang cung cấp gần 52% sản lượng thủy sản toàn cầu vào theo dự đoán sẽ tăng lên đến 62% vào năm 2030. Do đó, không chỉ riêng Việt Nam, các nước có vùng đặc quyền kinh tế biển cần nghiêm túc xem xét nuôi biển như lĩnh vực phát triển đột phá cho tương lai, nhưng theo phương châm của cựu sĩ quan Hải quân Pháp Jacques Cousteau (1910 – 1987): “Cần phải đối xử với đại dương như người nông dân thay vì thợ săn. Cần văn minh canh tác thay vì săn bắt.”
Sau vụ tôm hùm chết hàng loạt (vì ô nhiễm nguồn nước) mới đây ở tỉnh Khánh Hòa, khiến người dân lao đao vì mất trắng tiền tỷ, Việt Nam nên nghiên cứu kỹ những xu hướng chuyển dịch của lĩnh vực nuôi biển trên thế giới, bao gồm một số điểm chính như sau: 1) Chuyển từ các trại nuôi quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại; 2) Chuyển từ vùng nước ven bờ, nơi có hệ sinh thái nhạy cảm và dễ chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác ra vùng biển xa bờ và tiến dần ra nuôi ngoài đại dương; 3) Chuyển từ mô hình hộ gia đình sang doanh nghiệp nuôi biển, nhờ các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư có vai trò của nhà nước; 4) Thiết lập quy hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, tăng cường công cụ quản lý nhà nước và cơ chế đồng quản lý theo mô hình hợp tác công tư (PPP); 5) Xây dựng hệ thống cảnh báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh nuôi biển; 6) Thiết lập và phát triển chuỗi giá trị, liên kết trại nuôi với hệ thống mạng lưới cung cấp thức ăn, con giống, các cơ sở chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, bên cạnh phương pháp nuôi quy mô lớn trên bờ, trong các hệ thống tuần hoàn khép kín (Recirculating Aquaculture System (RAS)), tại một số nước công nghiệp có nghề cá phát triển như NaUy, Đan Mạch, … hay mới đây là Trung Quốc, người ta đã bắt đầu lên ý tưởng và hiện thực hóa mô hình nuôi biển thế hệ mới – chẳng hạn Trung Quốc đang cho đóng các lồng lớn có kích thước bằng cả sân bóng đá (đường kính hơn 100 m, sâu hơn 60 m, dự kiến cho thu hoạch đến hơn 10.000 tấn cá/vụ nuôi) mà họ sao chép từ công nghệ của NaUy sau khi đóng vài đơn đặt hàng cho nước này để sắp tới mang thả vào khu vực tranh chấp trên biển Đông.
Theo số liệu do Tổng cục Thủy sản cung cấp, mặc dù cả sản lượng nuôi trồng thủy sản (giai đoạn 1995 – 2016) và giá trị xuất khẩu của Việt Nam (giai đoạn 1993 – 2016) đều tăng, nhưng với biên độ theo tính toán lại đang có chiều hướng giảm dần và chắc chắn không thể tăng trưởng mạnh mẽ như trước đây.
Vì thế, để đạt được một số chỉ tiêu quan trọng, mang tính đột phá như nâng sản lượng nuôi biển lên mức 4,1 triệu tấn cùng giá trị xuất khẩu 20 – 25 tỷ USD vào năm 2030, so với mục tiêu 1,6 triệu tấn và 12 – 13 tỷ USD (khả năng sẽ không đạt được) vào năm 2020, thì có rất nhiều việc mà Việt Nam cần phải làm để điều chỉnh và định hướng lại chiến lược nuôi biển, theo hướng bền vững, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ: 1) Phát triển nuôi công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến, dựa trên quy hoạch chặt chẽ và phương thức quản lý hiện đại nhằm đưa Việt Nam trở thành cường quốc nuôi biển nói riêng và kinh tế biển nói chung; 2) Chuyển dần nuôi biển ra xa bờ, vươn khơi, bên cạnh nuôi công nghiệp trên bờ nhằm phát huy đa dạng sinh học của vùng biển nhiệt đới; 3) Đảm bảo các hệ thống nuôi phải có công nghệ thân thiện với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái và đáp ứng được tiêu chí phát triển bền vững; 4) Huy động thêm nhiều nguồn lực kinh tế, kỹ thuật thông qua kết hợp với ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí, chế tạo máy, viễn thông, điều khiển học, kỹ thuật môi trường, nuôi trồng và chế biến thủy sản … ; 5) Thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; 6) Tận dụng đòn bẩy hợp tác quốc tế như là một phương thức chính nhằm thu hút thêm nhiều công nghệ tiên tiến, vốn và mở ra các thị trường mới; 7) Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân chuyên nghiệp, có tri thức, kỹ năng và được trang bị tốt.
Trước những đòi hỏi cấp bách này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, VSA đang phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản Việt Nam để xây dựng chiến lược phát triển nuôi biển bền vững đến năm 2030 – tầm nhìn 2045, và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ nay cho tới lúc đi vào hiệu lực và đem lại tác động ở tầm chính sách, có những việc mà theo ông, chúng ta cần phải chuẩn bị ngay, bao gồm: 1) Tổ chức điều tra thực trạng nuôi biển trên cả nước, nhất là tại các tỉnh duyên hải để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, và xa hơn là xây dựng Cơ sở dữ liệu nuôi biển chung của Việt Nam; 2) Xây dựng và ban hành chính nghị định về chính sách phát triển nuôi biển bền vững, nhất là các điều khoản liên quan đến việc giao quyền sử dụng mặt nước, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, ngư dân, bên cạnh tăng cường hoạt động giám sát, cảnh báo và quản lý môi trường biển; 3) Đề xuất gói tín dụng hỗ trợ phát triển nuôi biển giúp chuyển đổi 2 – 5 % số hộ nuôi hiện tại sang hình thức doanh nghiệp nuôi biển thông qua các khoản vay tín dụng như: gói 0,5 triệu USD cho mô hình nhỏ với sản lượng kỳ vọng 300 tấn/năm, hay 1 triệu USD và 600 tấn/năm cho mô hình lớn; bên cạnh chủ trương xây dựng các hệ thống nuôi đa canh, nuôi thâm canh theo mô hình RAS và trại sản xuất giống quy mô công nghiệp.
Được biết, VSA đang nỗ lực xây dựng đề án giúp công nghiệp nuôi biển Việt Nam tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các tổ chức tài chính khác nhằm đạt được mục tiêu đạt sản lượng cá nuôi 600 ngàn tấn vào năm 2030, với các ưu đãi về mặt lãi suất và thời gian vay tương tự như trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, sáng kiến này rất cần sự chấp thuận, tham gia và ủng hộ mạnh mẽ của nhà nước để thật sự thành công và mang lại đột phá trong tư duy vươn khơi mà Việt Nam đang chủ trương.