Các trường đại học, viện nghiên cứu chưa thật sự quan tâm, đầu tư về nhân lực, vật lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT); định hướng kết quả nghiên cứu khoa học chủ yếu còn tập trung vào sản phẩm bài báo; chưa thực hiện đúng luật SHTT-…
Đây là những hạn chế về hoạt động SHTT của các viện nghiên cứu, trường đại học hiện nay được PGS.TS Huỳnh Quyền – Phó Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM nêu ra tại Hội thảo “Tổ chức và quản lý hoạt động SHTT trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp – Thực trạng và giải pháp” do Cục SHTT tổ chức ngày 26/12 tại TPHCM.
Ông Quyền cho rằng, thực tế hiện nay, trong các trường đại học cũng như viện nghiên cứu đã có tổ chức, bộ phận quản trị, thực thi Luật SHTT nhưng chưa hoàn thiện. Trong khi, các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy, sinh viên chưa nắm được luật SHTT, tham gia ít hoặc không tham gia về thực thi Luật SHTT trong đào tạo, nghiên cứu nên hạn chế về tính sáng tạo và khả năng phát huy hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
"Tại ĐH Quốc gia TPHCM, từ năm 2011 đến nay, ĐH Quốc gia đã tổ chức trên 30 buổi hội thảo nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về SHTT cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, nhưng số lượng tham gia còn ít" - TS Quyền minh chứng. Chính vì vây, hiện đã có những tranh chấp về bản quyền, mất ý tưởng nghiên cứu trong quá trình đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Dương Hoàng Sơn – Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long cũng cho rằng, hiện cán bộ nghiên cứu của Viện chưa có nhận thức cao về bảo vệ quyền SHTT.
Trong khi đó, doanh nghiệp kể cả tư nhân và nhà nước lại chưa có ý thức thực thi quyền SHTT, việc tranh chấp quyền SHTT chưa được đẩy mạnh do hệ thống xử lý đơn còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, hầu hết các chủ SHTT không tham gia tranh chấp nên một số doanh nghiệp vẫn hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu của cán bộ trong Viện – theo TS. Sơn.
Vì vậy, ông Quyền đề xuất, cần phải tăng cường hệ thống quản lý và triển khai các hoạt động SHTT trong công tác đào tạo, nghiên cứu, kể cả về nhân lực, tài lực, hệ thống chế tài. Đồng thời, cải thiện chính sách các quy định với mục tiêu hướng đến tăng cường quyền lợi của các nhà khoa học khi tham gia xác lập quyền SHTT từ hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Việc nâng cao nhận thức về SHTT cho nhà khoa học, giảng viên cần được triển khai mạnh hơn nữa – TS. Quyền nhấn mạnh.
Ông Sơn thì cho rằng, cần thực hiện tốt việc liên kết 4 nhà trong việc bảo hộ quyền SHTT mới đảm bảo được quyền lợi hài hòa giữa nghiên cứu - doanh nghiệp – nhà nông và nhà quản lý. Bên cạnh đó, cần có hệ thống thanh quyết toán công khai minh bạch đối với các doanh nghiệp để hạn chế việc không thực thi việc chi trả quyền tác giả cho SHTT. Ngoài ra, cần phải nâng cao tính tự giác, ý thức của chủ doanh nghiệp về bảo vệ quyền đối với việc sử dụng sản phẩm của các nhà nghiên cứu - Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Châu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Vĩ Long chia sẻ, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải tạo lập tài sản trí tuệ (TSTT) cho mình nếu muốn tồn tại. Doanh nghiệp có thể tạo lập bằng cách chủ động đầu tư trên các lĩnh vực mình hoạt động và hình thành tập TSTT phát sinh từ quá trình vận hành của doanh nghiệp. Theo bà Châu, đây là vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Bởi các hoạt động diễn ra hàng ngày sẽ phát sinh một chuỗi TSTT trong nội bộ doanh nghiệp. "Đây là kho ý tưởng sáng tạo của người lao động có thể khai thác thương mại" – bà Châu nhấn mạnh.
Để khích lệ các ý tưởng sáng tạo này, doanh nghiệp cần xây dựng quy chế quản trị TSTT nội bộ, có thù lao cho người sáng tạo. Đồng thời, doanh nghiệp phải phân loại được TSTT và đánh giá xem cái gì khai khai thác được nhiều tiền thi đầu tư vào trước. Việc đánh giá này dựa vào chi phí tạo ra và khai thác sáng kiến. Tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi doanh nghiệp để chọn cách khai thác TSTT khác nhau – bà Châu chia sẻ.