Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp không nên là cuộc đua rời rạc của các tỉnh mà cần liên kết thành các cụm vùng tập trung.

Kết nối vùng | Ảnh minh họa
Kết nối vùng | Ảnh minh họa

Hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp độ địa phương là môi trường quan trọng cho startup phát triển. Tại đây các hoạt động khởi nghiệp có khả năng gắn chặt với nhu cầu và giá trị bản địa, đồng thời dễ tiếp cận với những hỗ trợ đặc thù.

Nhưng không phải địa phương nào cũng có nguồn lực để phát triển một HST đầy đủ như TPHCM hay Hà Nội. Một số tỉnh thành muốn xây dựng HST của riêng mình nhưng lại thiếu một vài yếu tố quan trọng, chẳng hạn trường đại học có tính đổi mới sáng tạo, ngành công nghiệp, đội ngũ cố vấn hoặc quỹ tài chính mạo hiểm. Sự hạn chế này đòi hỏi các địa phương phải liên kết với nhau để bổ trợ và điều phối các tài nguyên.

Bản thân kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng những nơi mệnh danh là miền đất hứa cho khởi nghiệp đều xuất hiện sự liên kết vùng, ví dụ thung lũng Silicon nổi tiếng ở Mỹ được xây dựng trên nền tảng hợp tác của nhiều thành phố lân cận như San Jose, Santa Clara, Palo Alto, Menlo Park, Redwood City, Cupertino, Mountain View, và Sunnyvale.

Đồng tư duy mới có thể đồng lòng

Liên kết vùng không hẳn chỉ là những chồng gạch đặt cạnh nhau và tự nhiên hình thành. Chẳng hạn, Việt Nam đã có chiến lược phát triển 7 vùng kinh tế nhưng trên thực tế các địa phương chưa thực sự ngồi lại với nhau để tự bàn nên quy hoạch tổng thể. Điều này dẫn đến các địa phương cạnh tranh trong ban hành chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; xây dựng các khu công nghiệp trùng lặp; hoặc thiếu sự trao đổi thông tin, công nghệ và thị trường. Nhiều tỉnh phải “độc hành”, cố gắng tận dụng các nguồn tài nguyên hạn chế của mình để sản xuất tại chỗ với quy mô nhỏ, làm cho sản phẩm công nghiệp của vùng sản xuất ra có năng suất thấp và giá thành cao.

Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc các địa phương chưa có cùng chiến lược. Dẫn chứng thú vị, ở miền Nam có 2 tỉnh gần nhau là Cần Thơ và Vĩnh Long cùng chung dòng sông Hậu. Nhưng Cần Thơ quy hoạch ven sông làm khu đô thị sinh sống và tạo cảnh quan cho thành phố, còn Vĩnh Long lại quy hoạch thành khu công nghiệp có không ít ngành về hóa chất và chế biến thủy sản. Mặc dù cùng dùng chung tài nguyên nước nhưng hai hướng phát triển không bổ trợ có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho vùng.

Câu chuyện xây dựng HST địa phương cũng có những rào cản tương tự. Mặc dù từ năm 2016 đến nay, với sự ra đời của Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái quốc gia do Bộ KH&CN chủ trì, đã có không ít hoạt động triển khai ở cấp địa phương, phần nào tạo ra tác động tích cực tới tinh thần khởi nghiệp.

Gần 45/63 tỉnh đã phê duyệt Đề án 844 cho địa phương, tuy nhiên vấn đề ở chỗ “phần lớn chưa đặt hỗ trợ khởi nghiệp là câu chuyện nghiêm túc”. Chúng ta đang nói về một vấn đề rất mới không chỉ với các địa phương mà còn với cả Việt Nam là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi tư duy hoàn toàn khác trước - chấp nhận rủi ro thay vì an toàn tăng trưởng, coi trọng nhân lực tài năng hơn toàn bộ cơ sở hạ tầng; thâm dụng công nghệ và tài sản trí tuệ thay vì lao động; hợp tác thay vì cạnh tranh; hỗ trợ thay vì chỉ đạo. Không phải địa phương nào cũng nhanh chóng bắt kịp những thay đổi về chất này. Trong thời đại số, biên giới của sự phát triển không phải ở khoảng cách địa lý mà là sự giới hạn về góc nhìn.

Vì đặc thù kinh tế-xã hội và tổ chức hành chính, các HST địa phương ở Việt Nam gắn nhiều với khu vực công và phần lớn bắt đầu từ trên xuống. Đại diện Văn phòng Đề án 844, một trong những đơn vị tư vấn tích cực cho các địa phương xây dựng HST, chia sẻ bài học khi làm việc với các tỉnh vài năm qua: “Nơi nào có sự vào cuộc của người lãnh đạo đứng đầu, nơi đó thường ‘vào guồng’ rất nhanh. Sự thay đổi tư duy của người lãnh đạo truyền cảm hứng xuống cộng đồng và tạo hiệu ứng lan tỏa khiến mọi người có một nền tảng nhận thức chung, từ đó địa phương tự xây nên mô hình hợp lý của mình và dễ dàng ngồi lại cùng chia sẻ, hợp tác với các bên khác”.

Nhưng chưa nhiều nơi làm được như vậy. Mặc dù thông tin về khởi nghiệp ĐMST rất nhiều nhưng mỗi tỉnh đang hiểu theo các cách khác nhau, khiến thông tin đưa xuống chủ thể HST cũng có sự khác biệt nhất định. Nhiều chương trình ở cấp Trung ương xuống đến địa phương đã gây “bối rối” không biết đi theo bên nào và xảy ra tình trạng mỗi sở, hội tự đi riêng lẻ, tạo nhiều đầu mối và phân tán nguồn lực. Chẳng hạn, nhiều hội thảo, hội nghị, sự kiện được tổ chức hàng năm có nội dung gần như nhau, gây lãng phí nguồn chuyên gia và thời gian của các đối tượng tham gia nhưng lại chưa đáp ứng được những đòi hỏi sâu hơn của doanh nghiệp, tạo ra ấn tượng “khởi nghiệp như một phong trào”.

Vài nơi đã có hoạt động chung về khởi nghiệp nhưng phần lớn vẫn đang ở mức ‘bề nổi’ tham gia sự kiện, học hỏi kinh nghiệm. Hiện vẫn còn hiếm các hoạt động hợp tác vùng theo chiều sâu ở tầm chiến lược, thảo luận kế hoạch phân công vùng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kêu gọi đầu tư chung, đào tạo nhân lực cốt cán hay xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp.

Vấn đề là nếu không có sự thống nhất cách hiểu và chia sẻ thông tin trong nội bộ địa phương, thì những đơn vị hỗ trợ hệ sinh thái tại đó rất khó có đủ nguồn lực để đưa ra những tham vấn chính sách hiệu quả và bao trùm cho lãnh đạo tỉnh. Điều này, theo sau, cũng cản trở việc hình thành kết nối giữa các địa phương trong vùng với nhau”, đại diện Văn phòng Đề án 844 nói.