Báo cáo mới tiết lộ các ngân hàng toàn cầu đã đầu tư 2,7 nghìn tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch từ sau Hiệp định khí hậu Paris, với số tiền tài trợ tăng lên hàng năm.
Ngày 18/3, các tổ chứcRainforest Action Network, Bank Track, Indigenous Environmental Network,
Oil Change International, Reclaim Finance và Sierra Club đã công bố báo cáo Banking on Climate Change 2020 (Lĩnh vực ngân hàng với biến đổi khí hậu năm 2020), được công nhận bởi hơn 240 tổ chức từ khắp nơi trên thế giới.
Công nhân mỏ than giám sát một máy nghiền than tại một mỏ than ở Pawlowice, Ba Lan. Ảnh: Bloomberg.
Theo Báo cáo, 35 ngân hàng toàn cầu đã cung cấp hơn 2,7 nghìn tỷ USD cho ngành nhiên liệu hóa thạch trong bốn năm kể từ khi Thoả thuận Paris được thông qua vào tháng 12/2015, với số tiền tài trợ tăng lên mỗi năm.
Báo cáo cho thấy việc cung cấp tài chính cho nhiên liệu hóa thạch tiếp tục bị chi phối bởi các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ như: JPMorgan Chase, Wells Fargo, Citi và Bank of America. Bốn ngân hàng này chiếm 30% trong tổng số tiền tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch của 35 ngân hàng lớn trên toàn cầu kể từ sau Thỏa thuận Paris.
Trong đó, JPMorgan Chase chiếm 10%, tương đương 269 tỷ USD, trở thành ngân hàng đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch số 1 trên thế giới, nhiều hơn 36% so với số tiền tài trợ của ngân hàng đứng thứ hai là Wells Fargo.
JPMorgan Chase cũng dẫn đầu về tài trợ để mở rộng ngành nhiên liệu hoá thạch, khai thác dầu khí tại Bắc Cực, khai thác dầu khí ngoài khơi và dầu khí đá phiến.
Ở châu Âu, Barclays là ngân hàng tài trợ nhiều nhất cho nhiên liệu hoá thạch với số tiền tài trợ lớn hơn 36% so với các ngân hàng châu Âu khác. Barclays đã rót 118 tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch từ năm 2016 đến 2019. Mặc dù vậy, BNP Paribas đã vượt lên để trở thành nhà tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch lớn nhất châu Âu vào năm 2019. Hơn nữa, BNP Paribas là ngân hàng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch lớn nhất ở Pháp trong bốn năm kể từ Hiệp định Paris, cao hơn số tiền tài trợ từ các ngân hàng khác ở nước này đến 56%.
Trong giai đoạn này, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) - ngân hàng tài trợ nhiều nhất cho nhiên liệu hóa thạch ở Nhật Bản - đã cung cấp khoản tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch trị giá 119 tỷ USD.
Bank of China – nhà tài cho nhiên liệu hóa thạch lớn nhất Trung Quốc - đã đầu tư 84 tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch nói chung và là một nhà tài trợ chính của điện than nói riêng.
Tháng trước, JPMorgan Chase tuyên bố sẽ chấm dứt tài trợ cho tất cả hoạt động khoan dầu khí mới ở Bắc Cực.
Theo Báo cáo, về tổng thể có sự suy giảm trong cung cấp tài chính cho lĩnh vực khai thác than và điện than, tuy nhiên, cần giảm mạnh hơn nữa để loại bỏ hoàn toàn tài trợ cho những lĩnh vực này.
Báo cáo còn chỉ ra các ngân hàng không hề tính đến bảo vệ quyền con người trong các khoản tài trợ cho các dự án, điển hình là dự án đường ống Line 3 ở Bắc Mỹ đã vấp sự phản đối của người bản địa hay dự án dầu khí đá phiến ở bể Vaca Muerta của Argentina đến dự án mở rộng mỏ than ở Ba Lan.
"Báo cáo Lĩnh vực ngân hàng với biến đổi khí hậu năm 2020 cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về cách thức mà các ngân hàng lớn, đứng đầu là JP Morgan Chase, đang đưa chúng ta đến thảm hoạ về khí hậu," theoAlison Kirsch, nhà nghiên cứu về khí hậu và năng lượng thuộc mạng lưới Rainforest Action Network. "Khi số người thiệt mạng và sự tàn phá của các thảm hoạ chưa từng có như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão tăng lên, thật đáng trách khi các ngân hàng chấp nhận các khoản vay mới và tăng tài trợ cho các công ty hăng hái nhất trong việc làm tăng phát thải carbon.”
Nguồn:
Media Climate Net,Rainforest Action Network