Từ bài học “xương máu” của Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã rút được nhiều kinh nghiệm để đưa ra lời khuyến nghị cho các quốc gia thành viên về cách thức đương đầu với COVID–19.
Trước hết, phải đảm bảo đủ nguồn lực cho hệ thống y tế. Trong những tháng ngày cao điểm của dịch, Trung Quốc đã điều động hơn 40.000 y, bác sĩ đến tỉnh Hồ Bắc. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tuyên bố hỗ trợ 12 tỷ USD, còn Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) là 50 tỷ USD cho các nước đối phó COVID – 19. Quỹ The Global Fund cũng đồng ý để các quốc gia nhận tài trợ chuyển đổi một phần tiền vốn được dùng để chống bệnh sốt rét, lao, … cho mục đích kiểm soát đại dịch trước mắt. Tại Mỹ, dù đang sở hữu cơ sở hạ tầng và nền y tế tiên tiến bậc nhất thế giới, Quốc hội nước này vẫn phê chuẩn phân bổ thêm 8,3 tỷ USD để đương đầu COVID – 19 do lo ngại thiếu hụt và phân tán nguồn lực.
Một vấn đề nữa nằm ở chính sách trợ cấp đau ốm, bởi không ít người sẽ lâm vào cảnh khó khăn trong việc duy trì cuộc sống nếu nghỉ làm. Tại Mỹ, khoảng ¼ số người làm công đã không được hưởng loại trợ cấp này, và thực ra cũng chỉ một số tiểu bang, thành phố nằm rải rác là có chính sách như vậy. Còn những người làm nghề tự do hoặc tự kinh doanh (như tại Ý, hiện đang chiếm tới 1/5 lực lượng lao động) thì sẽ không đủ điều kiện. Trong khi hiệu quả của loại trợ cấp này thường rất tích cực, chẳng hạn giúp làm giảm sự lây lan của bệnh cúm mùa ở Mỹ đến 40% – theo kết quả của một nghiên cứu.
Ngoài ra, trợ cấp đau ốm cũng góp phần xoa dịu bớt cú sốc đánh vào hệ thống cung cầu cùng bầu không khí hoảng loạn chung trên thị trường, thứ đang tàn phá các nền kinh tế. Như tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 2/2020, kể từ cuộc khảo sát lần đầu được thực hiện với các nhà quản lý (năm 2004). Theo dự báo của OECD, tăng trưởng toàn cầu năm 2020 cũng sẽ giảm mạnh, thấp nhất kể từ 2009. Một mô hình tính toán do các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) xây dựng còn chỉ ra: GDP của Mỹ và châu Âu sẽ thấp hơn khoảng 2% so với nếu không có dịch, hay thậm chí 8% nếu tỷ lệ tử vong vượt xa dự kiến. Tâm lý sợ hãi khiến thị trường tài chính toàn cầu phải trả giá nặng nề. Chỉ số S&P 500 đã sụt giảm hơn 8% so với phiên giao dịch đỉnh ngày 19/2. Nhiều vụ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại phố Wall đã phải tạm hoãn. Sau một thập niên, nước Mỹ lần đầu tiên đã hạ lãi suất trái phiếu kho bạc xuống dưới 1%.
Những nỗ lực kinh tế tại các nước giàu, phần lớn lại thường được định hướng để điều tiết thị trường tài chính. Ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm lãi suất tới 0,5%, khoảng hai tuần trước khi một cuộc họp bất thường về chính sách tiền tệ được tổ chức. Các ngân hàng trung ương Úc, Canada và Indonesia đã có động thái tương tự. Trong khi Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đang xem xét nới lỏng chính sách.
Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng lần này có vẻ lại không hề giống với những ví dụ kinh điển trong sách giáo khoa kinh tế học. Việc hạ lãi suất sẽ giúp giảm bớt chi phí vay nợ, níu kéo và củng cố một chút niềm tin, song không một khoản tín dụng với áp lực tương đối dễ thở nào có thể ngăn người ta lâm vào rủi ro. Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng cũng là chưa đủ để sửa chữa những đứt gãy, xáo trộn trong chuỗi cung ứng, và khích lệ các nhà đầu mạo hiểm xuất tiền trong tâm trạng lo âu. Những hạn chế rõ ràng này đã góp phần lý giải tại sao giá nhiều cổ phiếu vẫn chưa thể hồi sinh sau quyết định hạ lãi suất của FED.
Cách tốt hơn là hãy cung cấp những hỗ trợ kịp thời và trực tiếp cho nền kinh tế, như giúp đỡ người bị ảnh hưởng và doanh nghiệp thanh toán hóa đơn, hoặc vay tiền nếu họ cần. Đối với các cá nhân, ưu tiên của họ thường là chi trả chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp đau ốm. Tại Mỹ, chính quyền Trump đang xem xét thanh toán một số hóa đơn viện phí cho người nhiễm COVID–19. Nhật Bản cũng cam kết trả lương cho phụ huynh phải ở nhà chăm con hoặc thân nhân nhiễm bệnh. Singapore thì cân nhắc hỗ trợ các tài xế taxi và chủ thuê lao động có nhân viên bị chẩn đoán dương tính …
Đối với doanh nghiệp, thách thức lớn nhất có lẽ là vấn đề thanh khoản. Các công ty hứng chịu sụt giảm doanh số vẫn sẽ phải thanh toán hóa đơn, trả lương, lãi vay ngân hàng và đóng thuế. Nếu dịch kéo dài, việc làm nhẹ bớt những gánh nặng này có thể giúp nền kinh tế tránh được nhiều vụ phá sản không cần thiết, kéo theo tình trạng thất nghiệp leo thang. Ở đây, một vài đề xuất rất nên được xem xét như giảm thuế, trợ cấp quỹ lương tạm thời, hay khuyến khích người lao động tự rút ngắn số giờ làm (thay vì phải sa thải một bộ phận nhân công) …
Thứ nữa, nhà nước có thể bảo lãnh để ngân hàng cho các công ty đang gặp khó khăn vay – cách làm vẫn hay được áp dụng trong nhiều cuộc suy thoái tài chính. Trung Quốc cũng đang làm như vậy khi yêu cầu hệ thống ngân hàng nới lỏng quy định với những người vay quá hạn. Đối với các chính phủ phương Tây vốn coi trọng nguyên tắc không can thiệp vào thị trường, điều này có thể sẽ khó khăn đôi chút, tuy nhiên sự kiên nhẫn của người cho vay trên khắp thế giới ở vào thời khắc khó khăn này cũng chính là vì lợi ích của họ. Năm 2018 – 2019, nhiều ngân hàng Mỹ đã áp dụng chính sách tương tự trong thời gian chính phủ đóng cửa vì bất đồng tại Quốc hội về ngân sách.
Sau cùng, nếu chính sách y tế trong thời dịch bệnh hướng đến giải phóng bệnh viện khỏi đỉnh của dịch thông qua kiểm soát và hạn chế tác động khi diễn biến kéo dài, thì chính sách kinh tế, ngược lại thường nhằm giảm thiểu thời gian đóng cửa nhà máy và nhân viên nghỉ việc. Vì thế, các chính phủ sẽ cần tìm cách để đạt được sự cân bằng. Nhưng dường như họ đã quá thụ động để phải chạy theo sau virus, đến mức chỉ còn biết ưu tiên làm chậm sự lây lan của nó.