Trong một thử nghiệm mới, Thừa Thiên Huế đã đề xuất một vài mô hình thúc đẩy doanh nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo và tin rằng chúng có thể áp dụng cho các tỉnh có đặc điểm tương đương.

Cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, 95% trong số hơn 7.000 doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế thuộc quy mô vừa và nhỏ. Phát triển thị trường luôn là một trong những bài toán khó nhất của các doanh nghiệp này, bên cạnh những thách thức như tìm kiếm nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm mới và quản lý mô hình kinh doanh.

Năm ngoái, Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế (HueIDS) đã phối hợp với quỹ hỗ trợ AAGF (thuộc Chương trình Aus4Skills) thực hiện một khảo sát cho thấy đa số các doanh nghiệp địa phương đều ý thức được điểm yếu của mình và sẵn sàng tham gia vào những chương trình hỗ trợ của chính quyền, nếu chúng được thiết kế mang tính thực tiễn.

Kết quả khảo sát là cơ sở để Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub) xây dựng một chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm nâng đỡ các bên tham gia.

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn sâu hơn 50 doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động trong các nhóm ngành: Nông nghiệp, ẩm thực và chế biến; Dịch vụ, du lịch; Sản xuất thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống; Giáo dục, phát triển kỹ năng nguồn nhân lực; Thương mại điện tử, truyền thông; và một số lĩnh vực khác.

Khảo sát cũng đặc biệt lưu ý đến các doanh nghiệp có hỗ trợ cho người yếu thế, người khuyết tật; doanh nghiệp xã hội; doanh nghiệp ở vùng khó khăn, vùng khó tiếp cận, và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ - bởi các doanh nghiệp này thường phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Trong bối cảnh COVID-19 gây nhiều thiệt hại to lớn cho nền kinh tế địa phương, Huế đã phản ứng theo cả hai cách: giúp doanh nghiệp sống sót trong ngắn hạn và đưa ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại lâu dài, bền vững trong tương lai. Cách tiếp cận thứ hai ít được nhắc đến hơn trên truyền thông, nhưng chúng đã giúp cho một số doanh nghiệp nhỏ tồn tại, thậm chí phát triển hơn cả giai đoạn trước COVID-19.

Hầu hết những ý tưởng hoặc giải pháp hỗ trợ đưa ra không chỉ áp dụng riêng cho thời kì khó khăn. Chúng có thể được triển khai liên tục và áp dụng cho những địa phương khác có đặc điểm tương đương.

Dưới đây là ba hoạt động đã triển khai ở Huế và bài học mà những người vận hành rút ra.

Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Cứ hai người chủ doanh nghiệp ở Huế thì có một người tin rằng các chương trình nâng cao năng lực tiếp cận thị trường là hữu ích nhất cho doanh nghiệp của họ. Nhiều doanh nghiệp đang lúng túng trong việc marketing, đưa sản phẩm ra thị trường, xây dựng kênh phân phối hoặc xúc tiến thương mại.

Chẳng hạn, dầu tràm Hoa Nén nói rằng họ đang phải đối mặt với những thủ tục xuất khẩu các sản phẩm thử nghiệm và chưa biết cách tiêu chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng đủ yêu cầu mà thị trường tiếp nhận đưa ra. Tranh Trúc Chỉ, một loại hình nghệ thuật giấy sử dụng áp lực nước trên nền giấy tre để tạo nên hình ảnh, mặc dù đã ra đời hơn 10 năm nhưng vẫn còn đang loay hoay trong việc xác định nhu cầu thị trường. Thậm chí nhiều người còn không biết "trúc chỉ" là gì, do vậy doanh nghiệp không dễ gì để mở rộng thị trường đã có.

Hiểu đúng vấn đề của doanh nghiệp là bước đầu cho một chương trình hỗ trợ tốt. Vì lắng nghe từ sớm nên Huế đã tìm ra bốn chủ đề mà doanh nghiệp quan tâm để đào tạo, đó là: tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, quản lý tài chính, và quản trị số trong doanh nghiệp.

Huế đã xây dựng các module tập huấn kết hợp giữa nền tảng lý thuyết của các chuyên gia (là những người có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp hoặc có nghiên cứu chuyên môn) với việc đi tham quan, khảo sát và làm việc tại doanh nghiệp. Cứ mỗi chủ đề lại có một hoạt động thực địa tại một doanh nghiệp, kéo dài 1-2 ngày.

Có thể nói, tham gia thực địa là hoạt động được đánh giá cao trong chương trình, và tất cả doanh nghiệp đều đồng ý rằng cần có hoạt động tương tự trong những chương trình hỗ trợ tiếp theo của địa phương.

Đưa doanh nghiệp đi thực địa tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: HIH
Đưa doanh nghiệp đi thực địa tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: HIH

Các doanh nghiệp cũng được phân nhóm thảo luận để đưa ra những đề xuất, mô hình của riêng mình, từ đó cùng chuyên gia phân tích tính khả thi và áp dụng thử cho doanh nghiệp. Vì mỗi chương trình hỗ trợ thường kéo dài từ 3-6 tháng nên một số doanh nghiệp đã kịp có phản hồi về những thay đổi của mình.

Chẳng hạn, trang trại Mai’s Oganics đã áp dụng mô hình phát triển xanh và tiếp cận được quỹ hỗ trợ của WWF để xin khoản tài trợ trị giá 200 triệu đồng. Công ty Liên Minh Xanh cũng xây dựng được một sản phẩm OCOP và được WWF chọn là đơn vị điển hình cho mô hình Refil. Myy Nature, một thương hiệu mỹ phẩm tự nhiên, vừa mở được thêm đại lý ở một số địa điểm ngoài Huế như Phú Quốc, Hà Nội. Ngay cả những hộ kinh doanh cá thể như bánh ép Miss Bo cũng cho biết họ đã hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh của mình và bắt đầu áp dụng các công cụ số để hoạt động thị trường.

Các doanh nghiệp trong chương trình còn chủ động hợp tác với nhau trong một số hoạt động liên quan để giảm chi phí và cung cấp dịch vụ qua lại. Họ cùng nhau sử dụng các hệ thống logistic hoặc đưa sản phẩm lên các không gian trưng bày của đối tác. Điển hình là các sản phẩm thân thiện với môi trường của Liên minh xanh đã được đặt trên kệ sách của cửa hàng Da:me Café để tăng thêm tương tác với những người tiêu dùng trẻ.

Cố vấn 1:1

Các chủ doanh nghiệp ở Huế thừa nhận việc tìm nhân sự kỹ thuật chuyên ngành cho công ty của mình không hề dễ dàng, đặc biệt là trong các loại hình công nghệ mới, chuyên gia đổi mới. Những loại chuyên gia này thường có mặt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Do đó, hầu hết các công ty cần được giới thiệu để kết nối với các chuyên gia kỹ thuật và cố vấn chuyên ngành.

Huế đã đưa ra chương trình cố vấn 1:1 cho các chủ doanh nghiệp. Tại đó, các chủ doanh nghiệp (mentee) sẽ gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với một nhà cố vấn (mentor). Các mentor được tuyển chọn từ những chuyên gia hoặc chủ doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn ở Huế và một số địa phương khác.

Mentor có lúc là người dẫn đường, kể cho mentee những trải nghiệm của mình và đưa ra những lời khuyên nho nhỏ. Cũng có lúc, họ giúp mentee kết nối tới các nguồn lực mới hoặc hỗ trợ chuyên môn. Mentor là một người bạn và hơn thế nữa, họ quan tâm đến sự phát triển cá nhân của mentee.

Bắt đầu từ tháng Bảy năm ngoái, đã có 10 cặp mentor/mentee được lựa chọn chính thức và 2 cặp khác thực hiện theo hướng hỗ trợ tư vấn. Các cặp mentor/mentee được tổ chức gặp mặt trực tiếp mỗi tháng và có thể trao đổi qua các kênh online.

Đến tháng Chín, chương trình còn lại 8 cặp tiếp tục hoạt động hiệu quả và 2 cặp khác sau khi làm việc sơ bộ với nhau, các mentee đã nắm các thông tin cơ bản và điều chỉnh mô hình kinh doanh, chỉ nhờ mentor hỗ trợ khi cần thiết. Đến tháng 12, còn lại 7 cặp hoạt động và 1 cặp đã rút lui do mentee nhận thấy chưa thể kịp điều chỉnh định hướng kinh doanh phù hợp nên cần khung thời gian rộng hơn.

Cuối cùng, đến tháng Ba năm nay, có 6 cặp tiếp tục duy trì hoạt động, 1 cặp rút lui do cảm nhận và mong muốn ban đầu của mentee khác hơn sau khi đã tham gia quá trình đào tạo và trải nghiệm.

Doanh nghiệp chia sẻ về những khó khăn của mình. Ảnh: HIH
Doanh nghiệp chia sẻ về những khó khăn của mình. Ảnh: HIH

Các mentee “chung cuộc” cho biết họ đã được kết nối mở rộng thị trường, nâng cao năng lực quản trị và tạo ra được quan hệ hợp tác với một vài doanh nghiệp khác. Trong đó, có một cặp mentor/mentee đã tham gia vòng loại Shark Tank 6 tại miền Trung để gọi vốn đầu tư.

Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp đánh giá tích cực chương trình cố vấn 1:1 và cũng xem đây là điểm mới trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ở Huế. Trong quá trình triển khai, vẫn còn một số ý kiến chưa hài lòng về hiệu quả cố vấn. Kinh nghiệm này cho thấy cố vấn là một chương trình khó và cần đầu tư, lựa chọn mentor kỹ càng. Việc hỗ trợ, huấn luyện cho mentor cũng là vấn đề quan trọng để đạt hiệu quả cao.

Mở rộng kết nối trong hệ sinh thái

Hệ sinh thái Huế đã trải qua giai đoạn kiến tạo nhận thức về khởi nghiệp và đang bước sang giai đoạn kết nối các thành phần trong hệ sinh thái. Vun đắp những kết nối như vậy sẽ giúp các bên trong hệ sinh thái không đứng rời rạc mà có thể bắt tay nhau để tạo ra giá trị mới. Những người quản lý vườn ươm Huế cảm thấy rất kỳ diệu khi họ có thể đem đến cơ hội đầu tư cho một chủ doanh nghiệp nhỏ chỉ bằng cách giới thiệu đúng họ tới một đối tác, hoặc đem đến cơ hội hợp tác khi kết nối một startup tới người quan tâm đến công nghệ của họ.

Có thể nói, khi kết nối của một hệ sinh thái ngày càng mở rộng thì các doanh nghiệp trong đó càng dễ tìm được “đầu mối” để giải quyết vấn đề của mình với chi phí phải chăng hơn. Để làm được như vậy, Huế đã ra mắt hai câu lạc bộ: Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo với tên gọi “Câu lạc bộ Kinh doanh thực chiến” do chị Hồ Nhật Phương (Founder Công ty TNHH SBC Hoàng Gia) chủ nhiệm; và “Câu lạc bộ Cố vấn khởi nghiệp” do anh Phan Quốc Vinh (Doanh nghiệp xã hội Ơ kìa Nước Mỹ) và chị Lê Thị Kim Hằng (Founder Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco) đồng chủ nhiệm.

Hai câu lạc bộ này đều được Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế đồng hành và kết nối với các chương trình nâng cao năng lực tại cấp độ địa phương hoặc quốc gia để góp phần giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Huế vững vàng hơn.

Nhóm tác giả:

TS. Cung Trọng Cường, Viện nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
TS. Lê Thị Hồng Minh, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
ThS. Châu Vân Anh, Trường Đại học Phú Xuân.
CN. Cao Quốc Hải, Trung tâm khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế.

Tài liệu tham khảo:

[1] Experimenting to increase SME resilience through innovation in Thua Thien – Hue, Mr. Nguyen Hoa Cuong, Dr. Nguyen Hong Thuy, Dr. Cung Trong Cuong, 2021

[2] Báo cáo khảo sát đánh giá tình hình hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và giải pháp phát triển làng nghề sau đại dịch COVID-19. HueIDS, 2022.

[3] Quyết định 1938/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Cố đô khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, 2020

[4] Báo cáo hoạt động của trung tâm Khởi ghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế năm 2022, 2022.