Báo cáo “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam” vừa công bố tại Techfest 2022 cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở của Việt Nam vẫn còn rất sơ khởi và rời rạc.

Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022
Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022

Báo cáo được công bố lần đầu này nằm trong một dự án ba năm của BambuUp, dưới sự tài trợ của NATEC và NSSC. Năm đầu tiên, các nhà nghiên cứu xem xét thực trạng và đánh giá sơ bộ mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái ĐMST mở ở Việt Nam. Năm 2023, báo cáo sẽ đề xuất ra những trụ cột của hệ sinh thái ĐMST mở và tính điểm từng trụ cột ở cấp độ tỉnh, thành. Và năm cuối cùng 2024, báo cáo sẽ hoàn thành khung đánh giá mức độ ĐMST mở và xếp hạng hệ sinh thái mở của các tỉnh, thành.

Báo cáo tập trung vào khảo sát các công ty khởi nghiệp, bên cạnh các doanh nghiệp truyền thống (doanh nghiệp lớn, SME), chuyên gia hỗ trợ hệ sinh thái và cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh thành. Theo các chuyên gia, trọng tâm của hệ sinh thái ĐMST mở tại tỉnh thành sẽ tạo ra mối liên kết hợp tác để giải quyết bất kỳ vấn đề thách thức mang tính phức tạp nào mà một chủ thể không đủ nội lực để giải quyết và cần phải tìm đến nguồn lực từ bên ngoài.

Trong một hệ sinh thái mở, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đóng vai trò đưa ra bài toán và hỗ trợ quá trình giải quyết bài toán đó. Nhà nước cũng đóng vai trò này thông qua việc đặt hàng, sử dụng sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Mở” ra bài toán là bước đầu tiên kích thích sự hứng khởi tham gia của những chủ thể khác, bên cạnh những bước tiến mang tính lâu dài hơn như cấp vốn, hỗ trợ kĩ thuật và tạo những hành lang di chuyển thông thoáng.

Năm ngoái, Thừa Thiên Huế đã triển khai một sáng kiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của người dân sau một thời gian dài người dân và doanh nghiệp không quá mặn mà. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ĐMST, chính quyền Thừa Thiên Huế đã bắt tay với trung tâm phục vụ hành chính công Thừa Thiên Huế, trung tâm công nghệ thông tin HueCIT, phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo Accelerator Lab Việt Nam (UNDP) và trường Đại học Fulbright để tìm kiếm những cách tiếp cận hiệu quả nhất.

Họ thấy rằng, nếu khiến dịch vụ công trực tuyến dễ dàng tiếp cận với những nhóm yếu thế nhất (những người khiếm thị, những người ít học, người có tiếng nói xã hội thấp nhất,..) thì chúng sẽ trở nên dễ dàng với tất cả mọi người. Sau nhiều cuộc tham vấn và thử nghiệm, cuối cùng Thừa Thiên Huế đã ban hành một quy trình mới cho bốn nhóm thủ tục hành chính và thay đổi giao diện cổng dịch vụ công để việc điều hướng trên đó trở nên thân thiện hơn. Năm 2021, Thừa Thiên Huế đã đạt được điểm số cao nhất (khoảng 48 điểm trên thang 100) trong xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI.

Rõ ràng, hệ sinh thái ĐMST mở có tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại chỉ là những trường hợp đơn lẻ, thay vì tạo thành một xu hướng phổ quát.

Báo cáo của BambuUp chỉ ra rằng hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đánh giá cao vai trò của ĐMST mở, nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa mức độ hiểu biết về ĐMST giữa đội ngũ lãnh đạo và nhân viên. Tới 53% cán bộ lãnh đạo (cấp trưởng phòng/phó phòng trở lên) hoàn toàn không hiểu gì về khái niệm mới này, và con số này ở nhân viên là 73%. Điều này càng được thể hiện rõ rệt ở các doanh nghiệp thuộc hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chưa thật sự tự tin về tầm quan trọng của mình trong hệ sinh thái ĐMST mở (30-40% đánh giá thấp), trong khi đây là lực lượng chiếm số lượng đông đảo nhất và cũng là những người ra nhiều đề bài quan trọng trong hệ sinh thái.

Chính vì nhận thức như vậy mà sự chuẩn bị tham gia vào hệ sinh thái ĐMST mở của các doanh nghiệp cũng bị hạn chế. Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn dựa vào những nguồn thông tin và tri thức ĐMST truyền thống – như thông tin từ phía chính nội bộ doanh nghiệp và ý kiến phản hồi của khách hàng/người sử dụng – để tạo nên ý tưởng cho những hoạt động mới và lờ đi các thông tin đến từ trường đại học, viện nghiên cứu, hội thảo chuyên ngành và những người nắm giữ sáng chế. Các cấp quản lý doanh nghiệp đã dần cởi mở hơn trong việc tiếp nhận ý kiến, đóng góp từ bên ngoài; tuy nhiên tỷ lệ hoàn toàn cởi mở vẫn đang ở con số khá khiêm tốn 28%.

Thêm vào đó, để hợp tác hiệu quả trong một hệ sinh thái mở, các doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư thích đáng cho những cơ sở vật chất chuyên biệt về ĐMST mở – như trung tâm ĐMST mở nơi mà các ý tưởng có thể tập hợp và thử nghiệm, vườn ươm ĐMST mở để ươm tạo những startup từ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, phòng lab mở để cộng tác nghiên cứu với nhiều bên, hoặc các nền tảng giới thiệu những đề bài thách thức của doanh nghiệp. Trên thực tế, chỉ gần 50% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã đầu tư hoặc góp sức để thiếp lập nên những cơ sở vật chất như vậy.

Doanh nghiệp Việt Nam ưa thích nhất việc hợp tác cùng phát triển ý tưởng và ngại ngùng nhất việc mua lại/mua cổ phần các startup hoặc đầu tư khôi phục những tổ chức khác để tận dụng ưu thế chuyên biệt của họ. Họ bày tỏ, có rất nhiều mảng ĐMST mở mà họ muốn thực hiện như R&D, quản lý nội bộ, marketing, bán hàng, sản xuất, logistics, tài chính kế toán. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều cơ hội trong tương lai để hợp tác với các bên.

Tín hiệu tích cực là ở chiều ngược lại, những bên chuyên cung cấp giải pháp cho các bài toán mà doanh nghiệp và nhà nước đặt ra, bao gồm các startup và khu vực viện, trường lại có mức độ cởi mở cao và sẵn sàng tham gia vào hệ sinh thái ĐMST mở. 100% startup ở TP.HCM hiểu về ĐMST mở, tỷ lệ này thấp hơn một chút ở Hà Nội. Phần lớn startup đã từng hợp tác với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên thành tố cuối cùng (cơ quan quản lý nhà nước) là đối tượng mà họ ít có cơ hội tiếp cận nhất. Tới 50% startup cho biết họ hoàn toàn không có bất kỳ cơ hội nào để hợp tác và nhận đặt hàng từ khu vực công.

Khu vực công còn dè dặt

Trên thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước hiện là một trong những bên dè dặt nhất trong việc đáp ứng các yêu cầu của một hệ sinh thái ĐMST mở. Một so sánh đơn giản từ số liệu của báo cáo BambuUp cho thấy chỉ 20% cơ quan quản lý nhà nước đã phản hồi lại khảo sát của họ, trong khi nhận được số lượng phản hồi vượt mong đợi từ các đối tượng khác.

Đối với các tỉnh thành, mức độ hiểu biết về ĐMST mở không đồng đều: nền tảng tri thức, hoạt động hệ sinh thái và nguồn lực đã đạt đến mức độ có thể thúc đẩy giai đoạn tăng tốc và ứng dụng cho hệ sinh thái ĐMST mở nhưng mức độ hiểu biết của lãnh đạo chỉ mới chủ yếu đạt được ở mức ba (mức hiểu biết một phần), còn nhân viên ở các phòng ban, bao gồm cả phòng ban chuyên trách, mới chỉ đạt ở mức hai (mức hiểu biết thấp). Tình trạng này còn tệ hơn ở những tỉnh kém năng động, quy mô thị trường nhỏ hơn. Một số nơi thậm chí còn cho là ĐMST mở sẽ ít đem lại lợi ích cho sự phát triển của tỉnh/thành của mình.

Một trong những hiểu lầm lớn nhất là các cơ quan quản lý chỉ coi mình là người hỗ trợ cho sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST mở thông qua các công cụ chính sách, và hoàn toàn không cho rằng mình có thể đưa ra các bài toán/đầu bài/thách thức để kêu gọi cộng đồng giải quyết.

Xem báo cáo đầy đủ tại đây./.