Xét theo cả kinh nghiệm và nguồn lực, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub) mới ở những bước đầu trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Nhưng tổ chức này đang tích cực giúp các startup bản địa nắm bắt những ưu điểm độc đáo và không ngừng chuyển mình để vươn xa.

Thoạt nhìn từ ngoài vào, tòa nhà hai tầng của Hue Innovation Hub không khác gì bất kì cơ quan, đơn vị công lập nào. Nhưng điều đó chỉ đúng một nửa. Cách các trường đại học hàng đầu của Huế chỉ vài trăm mét, đây là nơi gặp gỡ của một trong những cộng đồng khởi nghiệp đông đúc nhất khu vực miền Trung.

Hue Innovation Hub tập trung vào hỗ trợ các startup từ giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed) đến trước vòng series A. Đây là thời kỳ mà giới khởi nghiệp gọi là “thung lũng chết” bởi khi đó, các doanh nghiệp phải gánh rất nhiều chi phí về R&D, nhân sự, thương mại hóa, phát triển thị trường nhưng chưa thể tạo ra được dòng doanh thu đủ vững chãi để tồn tại hoặc tiến đến các vòng gọi vốn tiếp theo.

Để tạo ra một không gian hữu ích cho các startup đang ở giai đoạn nhạy cảm này, Hue Innovation Hub tự trang bị cho mình một loạt khu vực chức năng để cung cấp miễn phí cho các startup. Chúng bao gồm một Co-working space – cung cấp chỗ làm việc cho các startup mới thành lập hoặc chưa thể thương mại hóa sản phẩm; Exhibition space – hệ thống kệ trưng bày nhỏ hình tổ ong rải khắp Trung tâm nhằm giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp nổi bật của địa phương; Studio lab - phòng ghi hình với các loại camera và trường quay đơn giản để startup có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông theo ý muốn; Digital factory - không gian sáng tạo công nghệ, và Meeting rooms - tức các phòng hội thảo lớn để tổ chức những buổi gặp mặt, tập huấn, hoặc những phòng họp nhỏ hơn dành cho các cuộc đối thoại riêng tư, thường là giữa mentor với startup. Đôi khi, sân vườn của Hue Innovation Hub cũng được tận dụng để tổ chức các sự kiện nhằm đem lại cơ hội quảng bá cho doanh nghiệp.

Một số startup của Hue Innovation Hub kết nối với các nhà đầu tư trong chương trình của UNDP.

Các startup gặp rắc rối với một vấn đề nào đó có thể đăng ký trên website và đội ngũ quản lý Hue Innovation Hub (gồm những người từng được đào tạo bài bản trong chương trình IPP hoặc có kinh nghiệm khởi nghiệp) sẽ kết nối họ đến với những đối tác phù hợp. Hằng tháng, ở đây lại tổ chức một buổi Open Talk với các chuyên gia để chia sẻ và thảo luận về những xu hướng trong ngành.

Cũng như rất nhiều vườn ươm công lập, Hue Innovation Hub không có nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho các startup. Bù lại, họ tổ chức những chương trình gọi vốn Hue Pitching đều đặn một năm hai lần để tạo cơ hội cho startup kết nối với các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, quỹ đầu tư phát triển tỉnh, quỹ hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế và các nhà đầu tư cá nhân. Chưa có các quỹ mạo hiểm tham gia vào những vòng gọi vốn này. Mỗi đợt, sẽ có ít nhất 2-3 doanh nghiệp gọi được vốn với số tiền rải rác từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng/dự án. Con số này tương đối ổn định đối với một hệ sinh thái đang bắt đầu.

TẠO RA BẢN SẮC RIÊNG

Hue Innovation Hub có thể không lớn, nhưng nó nhanh chóng được công nhận bởi bối cảnh khởi nghiệp độc đáo của mình. Dĩ nhiên, Trung tâm này đón nhận startup từ mọi lĩnh vực nhưng nổi bật nhất vẫn là những startup theo định hướng kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy các sản phẩm truyền thống địa phương.

Anh Cao Quốc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm kể lại rằng, cách đây hai năm, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã đến gặp họ và bàn rất nhiều về đổi mới sáng tạo. Sau khi xem xét đặc trưng của các startup tại Huế, mọi người đều nhất trí với nhau rằng trong bối cảnh bây giờ, những doanh nghiệp sử dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh góp phần thực hiện những cam kết về giảm rác thải nhựa, ít tiêu tốn tài nguyên và tạo giá trị xã hội sẽ càng có cơ hội vươn mình ra thị trường quốc tế và chiếm lĩnh được lòng tin của thế hệ người tiêu dùng mới. Anh nhanh chóng nhận ra “kinh tế tuần hoàn” có thể là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để dẫn dắt các startup Huế kết nối lại với nhau và hưởng lợi dưới một tán ô chung.

Nhưng vào thời điểm đó, bản thân những người vận hành Hue Innovation Hub cũng không có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về kinh tế tuần hoàn. Nhờ có sự giúp đỡ của UNDP và các chuyên gia quốc tế, họ đã từng bước được đào tạo về mô hình này và dần dần có thêm hiểu biết, kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực.

Bước ngoặt của Trung tâm là khi những người thực chiến ở Hue Innovation Hub quyết định áp dụng những gì mình vừa khám phá để tham gia tổ chức chương trình Huấn luyện chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn (CE Bootcamp 2022) mà UNDP triển khai cho tất cả doanh nghiệp trên toàn quốc. Họ đã kêu gọi được 34 doanh nghiệp quan tâm đến kinh tế tuần hoàn từ các tỉnh miền Trung, bao gồm Huế, Vinh, Nghệ An, Đà Nẵng... Mọi người đều tỏ ra hào hứng và rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng dấn thân vào lĩnh vực chưa từng có này.

Sau Bootcamp, hai đối tác địa phương ở miền Bắc và miền Nam đều tuyển chọn cho mình 3-4 dự án nổi bật để tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, riêng Hue Innovation Hub “hào phóng” hỗ trợ tới 10 dự án. “Chúng tôi biết rằng kinh tế tuần hoàn là khái niệm rất mới và nhiều doanh nghiệp thực sự cần được giúp đỡ tỉ mỉ để có thể đi tiếp. Đặc biệt, các sản phẩm càng truyền thống thì càng cần kiên trì để vừa có thể giữ gìn bản sắc lại vừa có thể tạo ra những giá trị mới nâng cao thế mạnh của mình. Do vậy, chúng tôi không ngại đồng hành với họ”, anh Hải nói.

Bản thân Hue Innovation Hub không đi một mình. Họ nhanh chóng xây cho mình một Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Huế (HueCE) để kết nối startup tới những chuyên gia tư vấn mô hình và chuyên gia giải pháp kỹ thuật tốt nhất. Những người này đã giúp các startup tối ưu hóa quy trình kinh tế tuần hoàn mà họ muốn triển khai tại doanh nghiệp. Hue Innovation Hub cũng không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để dẫn dắt các startup tiếp cận với các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư quan tâm đến môi trường để huy động nguồn tài chính cho các dự án.

Nhờ vậy, một loạt sản phẩm độc đáo về kinh tế tuần hoàn đã hoặc đang chuẩn bị xuất hiện ở Huế. Chẳng hạn, Trà Đình Viên của anh Lê Hồng Thủy đang tiến tới zero-plastic cho những viên trà thảo mộc hòa tan bằng cách đổi mới hai dây chuyền sản xuất bao bì thường thành bao bì phân hủy sinh học. Anh Thủy dự kiến sẽ đưa sản phẩm của mình vào trong những giỏ quà Việt để tiêu thụ tại các khu du lịch thu hút đông đảo khách quốc tế.

Trang trại M.A.I Organics của chị Hoàng Thanh Mai và Nguyễn Đặng Quỳnh Anh sắp chuyển sang một giai đoạn mới nhờ việc triển khai hệ thống quản lý tiết kiệm nước tưới tiêu cũng như thay thế màng phủ nilon thành màng phủ thân thiện môi trường. Thương hiệu Marie’s - Cỏ Bàng Xứ Huế của chị Hồ Thị Sương Lan quyết định sẽ đầu tư cho những giải pháp sửa chữa và tân trang nhằm kéo dài vòng đời của những chiếc túi xách làm từ cỏ bàng. Còn dự án sản xuất gạch ngói từ rác thải nhựa HueCO cũng đã thu hút được sự chú ý từ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh để mở rộng dây chuyền sản xuất.

THÚC ĐẨY SẢN PHẨM TRUYỀN THỐNG

Nhưng không phải dự án nào của Hue Innovation Hub cũng liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Một nhánh khác không kém phần quan trọng mà Trung tâm đang theo đuổi là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống địa phương như nón lá, trầm hương, dầu tràm, nước mắm, chiếu cói, trà, thảo dược, đan lát, đúc đồng, điêu khắc…

Theo nghệ nhân pháp lam Đỗ Hữu Triết, các sản phẩm truyền thống ở Thừa Thiên Huế hiện nay đều chưa đa dạng, công nghệ lạc hậu nên chưa thể sản xuất hàng loạt. Thứ nữa, những người nắm giữ nghề gia truyền dù có sản phẩm tốt nhưng vì chậm thay đổi mẫu mã, kiểu dáng nên vẫn đang lúng túng trong việc tiêu thụ sản phẩm và gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm công nghiệp hoặc sản phẩm từ những tỉnh khác.

Trong bối cảnh mà rất nhiều làng nghề đang mai một, chỉ có những bên chấp nhận thay đổi mới có thể bứt phá. Để giúp cho con đường này trở nên dễ dàng hơn, Hue Innovation Hub đã mở ra một chương trình mới nhằm cung cấp một loạt kỹ năng về kinh doanh, công cụ số và năng lực thiết kế sáng tạo cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống.

Mỗi doanh nghiệp cũng được cung cấp một cố vấn đồng hành trong suốt sáu tháng để gỡ giải những nút thắt mà họ gặp phải. Hơn thế nữa, họ còn được tiếp cận với những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong cả lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và công nghiệp sáng tạo để đảm bảo những nét đẹp truyền thống vẫn hiện hữu trong những thiết kế sản phẩm hiện đại.

Nếu tiềm năng, Hue Innovation Hub sẽ chọn ra một vài doanh nghiệp để kết nối tới các đối tác thương mại, vườn ươm hoặc quỹ đầu tư uy tín khác. Chương trình này nằm trong khuôn khổ Đề án 844, mở đơn trong quý I và sẽ triển khai các hoạt động cụ thể đến hết quý IV năm nay.

Thực ra, cách thức làm việc của Hue Innovation Hub không hề giống với những hoạt động nhắm vào các làng nghề và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống của địa phương từ trước đến nay. Anh Cao Quốc Hải nói rằng, việc trải qua các khóa hỗ trợ tăng tốc như thế này sẽ giúp các đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng đáp ứng thị trường. Nói cách khác, họ sẽ có một “cần câu cá” tốt hơn và những mối quan hệ đối tác bền chặt hơn để tự mình đi tiếp.

Bên cạnh đó, việc đem nhiều doanh nghiệp có cùng khó khăn lại với nhau sẽ thúc đẩy mọi người trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các giải pháp mới. Đồng thời nó cũng giúp ích cho Hue Innovation Hub trong việc điều chỉnh các chương trình hỗ trợ tương lai sao cho phù hợp nhất với các doanh nghiệp bản địa.

Mới thành lập chỉ có hai năm, xét theo cả kinh nghiệm và nguồn lực, Hue Innovation Hub mới ở những bước khởi đầu trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Khó có thể đánh giá được hết hiệu quả của nó nhưng ít nhất Trung tâm này đang giúp việc khởi nghiệp ở Huế trở nên dễ dàng hơn. Hue Innovation Hub sẽ còn nhiều điều phải học hỏi trước khi đạt được mục tiêu trở thành chỗ dựa tin cậy cho đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung hoặc quốc gia, nhưng hành trình vạn dặm luôn bắt đầu bằng một bước chân.