Xin ông cho biết, vì sao phải đặt vấn đề có chính sách sử dụng và trọng dụng đối với cán bộ KH&CN?
Mười năm trước, khi Ban soạn thảo dự án Luật KH&CN năm 2013 chúng tôi bắt tay vào dự thảo sửa đổi, ai cũng nhận thấy một điều bất cập tồn tại, đó là từ trước đến nay, cán bộ KH&CN của chúng ta vẫn được các cấp quản lý coi là viên chức sự nghiệp như các lĩnh vực khác. Và một khi là viên chức sự nghiệp thì chế độ đãi ngộ cũng áp dụng theo các chế độ hiện hành, thang bảng lương cũng như nhiều ngành nghề khác, thậm chí còn thiệt thòi hơn vì không có phụ cấp, cũng không có danh hiệu vinh dự nhà nước như các lĩnh vực khác (giáo dục, y tế, văn hóa…). Chúng ta đều thấy là nghề làm khoa học đòi hỏi sự lao động khác biệt so với nhiều ngành nghề khác, nhưng các nhà khoa học lại không được hưởng bất cứ ưu đãi nào, vậy thì làm sao những người làm khoa học có thể dành toàn tâm toàn ý cho công việc được?
Trong nghị quyết của Đảng đã ghi “giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu”. Vậy tại sao chúng ta không thể ưu đãi cho những người làm trong lĩnh vực quốc sách ấy? Đó là điều thúc đẩy chúng tôi triển khai việc xây dựng chính sách về cán bộ KH&CN và đưa vào dự thảo Luật KH&CN năm 2013.
Ý tưởng đổi mới chính sách đối với cán bộ KH&CN của chúng tôi nhận được rất nhiều đồng thuận từ lãnh đạo chính phủ và nhiều bộ ban ngành. Tuy nhiên, cũng có những phản ứng rất mạnh, bởi họ đặt ra nhiều câu hỏi là việc ưu đãi, trọng dụng những người làm nghề khoa học, bên cạnh những ngành nghề khác trong xã hội có tạo ra bất bình đẳng không? Làm sao có đủ nguồn kinh phí để ưu đãi mức cao cho các nhà khoa học trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn? Có lẽ, sự tồn tại của những câu hỏi như vậy là do còn có những người chưa hiểu được vai trò quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển của một đất nước.
Luật KH&CN 2013 đã có những quy định mới nào về phạm vi và đối tượng các nhà khoa học cần được hưởng chính sách ưu đãi?
Chúng tôi mong muốn tạo ra một chính sách khuyến khích, ưu đãi thật sự cho các cán bộ KH&CN để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Tuy nhiên, từ mong muốn đến thực tế là cả một quá trình thuyết phục mất rất nhiều công sức và chúng tôi hiểu là để những đổi mới nhận được sự đồng thuận, tức là để có được ưu đãi cho cộng đồng các nhà khoa học thì chúng tôi cũng cần phải “lùi” một chút, chấp nhận phạm vi đổi mới của mình nhỏ hơn so với dự kiến ban đầu. Do đó, chúng tôi chỉ đề xuất ưu đãi tập trung vào ba đối tượng - đó là những đối tượng thực sự có sản phẩm đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội rất rõ ràng:
Một là các nhà khoa học đầu ngành: họ sẽ là xuất phát điểm để sau này Việt Nam có được những nhà khoa học lớn, “tổng công trình sư”. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cần có người dẫn đầu, giỏi về chuyên môn, đủ uy tín tập hợp lực lượng khoa học trong và ngoài nước để xây dựng các tập thể nghiên cứu mạnh, các trường phái khoa học mạnh, các tổ chức KH&CN mạnh, đào tạo bồi dưỡng các thế hệ cán bộ khoa học trong lĩnh vực chuyên môn. Một người như vậy phải nhận được sự tín nhiệm của các nhà khoa học trong ngành thông qua sự giới thiệu của Ban chấp hành Hội chuyên ngành, và một khi có được sự tín nhiệm ấy thì nhà nước có thể ưu đãi họ theo giai đoạn mà họ cam kết sẽ đạt được mục tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực chuyên môn.
Hai là những nhà khoa học được nhà nước trao nhiệm vụ quan trọng cấp quốc gia. Đây là những nhiệm vụ KH&CN được nhà nước đặt hàng để tạo ra một công nghệ hoặc một sản phẩm thực tế cần thiết cho nền kinh tế và an ninh quốc phòng, ví dụ như dàn khoan dầu khí, vệ tinh viễn thông, tên lửa hành trình... Có thể coi nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ như là một “tổng công trình sư”, một chức danh rất phổ biến ở các nước công nghiệp, nhưng hầu như chưa được sử dụng ở Việt Nam.
Ba là nhà khoa học trẻ tài năng, tức là những người làm trong lĩnh vực KH&CN có tuổi đời còn rất trẻ, có thể chưa có học hàm, học vị hoặc chức vụ khoa học cao nhưng có năng lực làm ra những sản phẩm khoa học trình độ cao: công trình nghiên cứu cơ bản được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, hoặc những bằng sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ của Việt Nam và quốc tế, hoặc được giải thưởng khoa học lớn trong nước và quốc tế, hoặc có công nghệ chuyển giao ra nước ngoài…
Khi sửa đổi Luật KH&CN 2013, Ban soạn thảo cần đề xuất những chính sách có tính khả thi hơn, hấp dẫn hơn, để cộng đồng KH&CN Việt Nam có điều kiện sống và làm việc thuận lợi hơn, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ chất lượng cao, xứng đáng với sự tin tưởng của nhà nước và nhân dân, hoàn thành sứ mệnh của họ đối với Tổ quốc.
Trong phòng thí nghiệm của Đại học quốc tế, ĐHQG TP HCM. Nguồn:TTXVN.
Vậy những quy định cụ thể chính sách ưu đãi là gì?
Luật KH&CN 2013 đã quy định chính sách ưu đãi đối với ba đối tượng này và giao Chính phủ quy định cụ thể. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2014/NĐ-CP và liên bộ KH&CN, Tài chính, Nội vụ đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN nói chung và ba đối tượng quan trọng này nói riêng.
Cụ thể, đối với các nhà khoa học đầu ngành, thì chế độ ưu đãi về tiền lương cao hơn mặt bằng chung (thêm một lần lương cơ bản), bên cạnh đó hằng năm Nhà nước giao một khoản tiền ngân sách để họ tự chủ chi tiêu theo cơ chế quỹ thực hiện chức năng nhiệm vụ. Ở đây có một nguyên tắc là nhà khoa học được toàn quyền sử dụng khoản tiền từ ngân sách nhà nước để lo cho công việc chung. Ví dụ, để thuê nghiên cứu sinh làm việc, mời và trả lương cao cho các nhà khoa học giỏi trong nước, mời nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian ngắn để hợp tác nghiên cứu, để mua sắm thiết bị, tài liệu chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghiên cứu, chủ động tham dự các hội nghị quốc tế, hoặc để nộp các loại thuế phí liên quan đến sở hữu trí tuệ, công bố quốc tế, để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh…, nghĩa là tất cả các khoản liên quan đến nghiên cứu. Và cuối năm, nhà khoa học có trách nhiệm thanh quyết toán như các nhiệm vụ KH&CN thông thường theo phương thức khoán chi, với đầy đủ chứng từ, hợp đồng.
Để thực thi tốt chế độ ưu đãi nhà khoa học đầu ngành, tổ chức KH&CN nơi nhà khoa học đó làm việc có nhiệm vụ lập dự toán hằng năm, rồi tổng hợp vào dự toán ngân sách dành cho KH&CN của tổ chức mình rồi lập dự toán ngân sách trình Chính phủ và Quốc hội như một phần trong tổng chi thường xuyên của đơn vị.
Thứ hai, đối với nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ cấp quốc gia thì cũng được hưởng chế độ tương tự như nhà khoa học đầu ngành. Khi thực hiện nhiệm vụ của nhà nước giao, nhà khoa học đó được hưởng cơ chế khoán chi và nhà nước sẽ cấp kinh phí theo tiến độ yêu cầu của nhiệm vụ và theo cơ chế quỹ: nếu tiền chưa tiêu hết thì sẽ được tự động chuyển nguồn sang năm sau, quyết toán nhiệm vụ một lần khi kết thúc hợp đồng.
Đi kèm với một loạt ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học có thể tập trung vào hoàn thành dự án khoa học. Nhà nước sẽ giám sát, sau một thời gian nhất định nhà khoa học được hưởng ưu đãi sẽ phải có sản phẩm như cam kết ở dạng nào đó, ví dụ như tạo dựng được một nhóm nghiên cứu mạnh, có các bài báo ISI, có bằng sáng chế (ít nhất được chấp nhận đơn hợp lệ), có sản phẩm ứng dụng cho nền kinh tế hoặc an ninh quốc phòng. Khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ, nhà khoa học phải bàn giao cho nhà nước sản phẩm cuối cùng. Nếu không đáp ứng yêu cầu này, Nhà nước có thể xem xét dừng các chế độ ưu đãi, nhà khoa học có thể sẽ không được giao nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước trong một thời gian nhất định.
Thứ ba, các nhà khoa học trẻ tài năng sẽ được các quỹ phát triển KH&CN địa phương thanh toán mọi chi phí khi có bằng sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ hay có bài báo quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín, được ưu tiên giao nhiệm vụ KH&CN các cấp do quỹ KH&CN tài trợ, hoặc hỗ trợ kinh phí tham dự hội nghị khoa học trong nước và quốc tế…
Các chính sách này có tính đổi mới và kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học làm việc tốt hơn, song nhiều năm rồi có vẻ vẫn chưa vào được cuộc sống. Ông có bình luận gì về thực trạng này?
Mặc dù các văn bản pháp quy về chính sách ưu đãi đối với cán bộ KH&CN đã được ban hành tương đối đầy đủ, và mức độ ưu đãi cũng được quy định ở mức rất khiêm tốn, nhưng qua theo dõi gần 10 năm qua, các chính sách này vẫn chưa vào được cuộc sống. Hầu như chưa có nhà khoa học nào thuộc cả ba đối tượng chính nói trên được hưởng sự ưu đãi này của nhà nước, và cán bộ KH&CN vẫn tiếp tục là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi trong hệ thống cán bộ viên chức. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là: (i) các tổ chức KH&CN và các hội chuyên ngành không giới thiệu được các nhà khoa học đầu ngành do sự quan liêu của các đơn vị và một phần do sự đố kỵ ngay trong giới khoa học, thêm nữa thủ tục hành chính để được hưởng chính sách đãi ngộ còn phức tạp; (ii) cơ quan nhà nước chưa thực sự đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia cho các nhà khoa học và chưa có cơ chế giao quyền tự chủ cao nhất cho họ về tổ chức, biên chế, tài chính để họ có thể tập hợp được lực lượng mạnh, chủ động trong sử dụng nguồn lực, huy động được tài nguyên và nhân lực thực hiện nhiệm vụ; (iii) chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và tổ chức KH&CN trong việc hỗ trợ nhà khoa học hoàn thành dự án lớn theo chuỗi sản phẩm, từ nghiên cứu, triển khai, sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ, sản xuất lô số 0, cho đến thương mại hóa, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường, gọi vốn đầu tư, truyền thông sản phẩm…(iv) mức đãi ngộ còn khá khiêm tốn chưa đủ hấp dẫn các nhà khoa học giỏi, trong khi hoạt động ở các lĩnh vực khác họ có thu nhập tốt hơn và không chịu áp lực lớn của việc phải có sản phẩm cam kết với nhà nước. Cũng chưa quy định rõ quyền lợi nhà khoa học được hưởng khi sản phẩm được thương mại hóa, ngoài quyền tác giả thì quyền lợi vật chất phải được quan tâm.
Theo tôi, việc xây dựng các chính sách này đã trải qua quá trình nghiên cứu và giải trình rất công phu để được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, nếu được áp dụng sẽ có tác dụng đột phá, động viên được đội ngũ cán bộ KH&CN. Tuy nhiên do một số vướng mắc như nêu trên mà các chính sách ưu đãi này chưa thực hiện được, nhà khoa học mất đi cơ hội cống hiến trí tuệ cho đất nước, nhà nước cũng chưa có được các sản phẩm cần thiết phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước. Khi sửa đổi Luật KH&CN 2013, Ban soạn thảo có thể tiếp tục mạch tư duy này để tiếp tục có chính sách khả thi hơn, hấp dẫn hơn, để cộng đồng KH&CN Việt Nam có điều kiện sống và làm việc thuận lợi hơn, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ tốt hơn, xứng đáng với sự tin tưởng của nhà nước và nhân dân, hoàn thành sứ mệnh của họ đối với Tổ quốc.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thanh Nhàn - Thu Quỳnh thực hiện