Những hạn chế trong phân bổ tín dụng và thiếu dịch vụ hỗ trợ là 2 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa phát triển trong hệ sinh thái Việt Nam, theo báo cáo “Đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp” năm 2019 do công ty tư vấn Emerging Markets Consulting (EMC) thực hiện.

Khởi nghiệp Việt Nam | Ảnh: SiHUB
Khởi nghiệp Việt Nam | Ảnh: SiHUB

Báo cáo do quỹ đầu tư Dutch Good Growth Fund (DGGF) thuộc Bộ ngoại giao Hà Lan tài trợ, chỉ ra, một trong những đặc điểm khiến Việt Nam đang khác biệt với nhiều nước xung quanh là vai trò dẫn dắt của chính phủ trong những cam kết ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và startup. Đáng chú ý là tham vọng “Đề án 844” nhằm mục đích phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn quốc vào năm 2025, trong đó có quy định cho phép nhà nước sẽ có thể đầu tư trực tiếp vào công ty Startup trong tương lai. Cơ quan như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) thuộc Bộ KH&CN được lập ra với khả năng cung cấp khoản tài trợ và vay ưu đãi cho những hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Thách thức tiếp cận vốn

Bất chấp sự quan tâm đáng kể, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp SME vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam. Mặc dù có lĩnh vực tài chính đa dạng và sôi động nhất các nước Mekong được nghiên cứu, một số khu vực của hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn điểm yếu.

Việc thống trị của nhà nước trong hệ thống ngân hàng – đặc biệt thông qua các ngân hàng quốc doanh – đã hạn chế khả năng phân bổ tín dụng cho doanh nghiệp SME, thay vào đó ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn lớn. Hiện tượng này đặc biệt đúng trong lĩnh vực phi công nghệ.

Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDF – thành lập 2014) đến nay vẫn không giải quyết được khoảng trống tín dụng này: trong hơn một năm rưỡi qua, quỹ chỉ thực hiện trung bình một khoản cho vay mỗi tháng, với mức vay tầm 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng).

Hiện nay, nguồn tài trợ phổ biến cho khởi nghiệp vẫn là từ gia đình và bạn bè. Những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có thể tiếp cận thêm vốn hạt giống từ các tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Mặc dù luồng quan tâm đầu tư từ các quỹ mạo hiểm nước ngoài (VC và PE) khá đáng kể, nhưng số lượng quỹ đầu tư PE được quản lý trong nước vẫn còn hạn chế. Do các quỹ ở quy mô khu vực thường có xu hướng tìm những khoản đầu tư tầm 15 triệu USD trở lên nên nguồn cung cho các khoản đầu tư 5-15 triệu USD bị hạn chế. Điều này đặc biệt rõ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ “truyền thống” không thuộc lĩnh vực công nghệ, có được vốn chủ đầu tư dưới 5 triệu USD là cực kì khó khăn.

Trên cổng thông tin kết nối giữa startup và nhà đầu tư của Hà Nội (Startupcity.vn)- 1 trong 2 thành phố tập trung đông đảo doanh nghiệp khởi nghiệp nhất Việt Nam) có nêu ra 4 mạng lưới thiên thần và CLB đầu tư, cũng như 9 nhà đầu tư thiên thần cá nhân. Tuy nhiên, thông tin trên đó không đầy đủ về lí lịch và lịch sử đầu tư đủ cho doanh nghiệp tiếp cận. Người trong ngành mô tả mạng lưới thiên thần là "đang phân mảng”, trong khi những cá nhân giàu có [có tiềm năng đầu tư] vẫn tỏ ra ưa thích các loại tài sản truyền thống như chứng khoán, bất động sản hơn.

Ngược lại, từ góc độ của nhà đầu tư, các doanh nghiệp hiện nay vẫn có tiêu chuẩn quản trị thấp. Mặc dù doanh nghiệp SME luôn hào hứng muốn được đầu tư, nhưng trên thực tế số doanh nghiệp đáng được đầu tư ít hơn rất nhiều. Các dòng vốn được quản lý bởi quỹ VC, PE quan tâm nhiều đến các cơ hội thị trường trong nước, hướng tới giới trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, nhưng ít chú tâm tới khu vực kinh doanh B2B, hội nhập kinh tế quốc tế hay những ngành thâm dụng vốn.

Điều này đòi hỏi phải có các can thiệp thiết kế riêng cho những phân khúc đang không được coi trọng, chẳng hạn như tháo gỡ rào cản tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp SME, hoặc tạo thêm những cách tiếp cận vốn từ các tổ chức phi ngân hàng hoặc nền tảng thanh toán điện tử gọi vốn cộng đồng.

Khoảng trống với doanh nghiệp ngoài ngành công nghệ

Việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh đang phát triển rất nhanh với tốc độ khoảng 55% mỗi năm trong vòng 5 năm qua và vẫn tiếp tục mở rộng.

Trước đây, trong bức tranh hệ sinh thái có thể thấy rõ khoảng trống trong thị trường cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nhưng hơn 2 năm trở lại, đã có một loạt sáng kiến mới để giải quyết nhu cầu dịch vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (VMI) và Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) được đưa ra để cải thiện việc tư vấn, hỗ trợ cho các nữ doanh nhân, mặc dù chúng vẫn đang ở giai đoạn đầu và đòi hỏi mở thêm quy mô để bền vững. Một số tổ chức tăng tốc “tư nhân” đang hoạt động là Topica Founder Institute (TFI) và Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). Đang có khá nhiều chương trình mới được tuyên bố có dấu ấn của các tập đoàn và quỹ quốc tế như Lotte, Grab, Samsung…

Tuy nhiên, phần lớn những tổ chức này đều cung cấp dịch vụ chung chung và tương tự nhau, hơn nữa vẫn chủ yếu tập trung cho lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ. Có khả năng năng lực của chúng còn không đủ để đáp ứng nguyện vọng của các doanh nhân công nghệ trẻ. Báo cáo cũng cho rằng những chương trình hỗ trợ sẵn có của chính phủ hiện vẫn chưa phổ biến với các công ty khởi nghiệp nói chung.

Điều bắt buộc là hệ sinh thái không được bỏ quên những doanh nghiệp SME trong các lĩnh vực truyền thống hơn nhưng thành công. Hiện mới chỉ có 1/5 số doanh nghiệp SME ở Việt Nam tích hợp được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp định hướng xuất khẩu của nền kinh tế. Trong khi đó, sự phát triển của các startup công nghệ có khả năng biến đổi hoàn toàn bối cảnh của doanh nghiệp SME, bởi họ sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ để hiện đại hóa và đổi mới hàng loạt. Do vậy, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cần mở rộng thêm dịch vụ cho những đối tượng ngoài lĩnh vực công nghệ để giúp họ nâng cao năng lực.

Các dịch vụ hệ sinh thái cũng cần mở rộng ra nhiều địa phương hơn chứ không chỉ tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Chìa khóa thành công là kết hợp những nỗ lực của chính phủ về cơ sở hạ tầng và chính sách với việc xúc tác đầu tư từ khu vực tư nhân, cùng sự tham gia năng động của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và những người xây dựng hệ sinh thái.

_______________________________________________________