Mới đây Bộ Giáo dục và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã thông báo chính sách mới nhằm cải cách hệ thống tính điểm khoa học quốc gia, nhằm chống lại sự “sùng bái quá mức” vào số lượng thay vì chất lượng của các công trình nghiên cứu, có thể dẫn tới các hành vi học thuật không lành mạnh..

“Công bố hay là chết” nhiều năm qua đã trở thành gần như một khẩu hiệu buộc các nhà khoa học Trung Quốc tìm mọi cách để có công bố quốc tế. Quy chế mới có thể sẽ thay đổi tình trạng này. Nguồn: SCMP.
“Công bố hay là chết” nhiều năm qua đã trở thành gần như một khẩu hiệu buộc các nhà khoa học Trung Quốc tìm mọi cách để có công bố quốc tế. Quy chế mới có thể sẽ thay đổi tình trạng này. Nguồn: SCMP.

Chính sách mới xoay quanh đề xuất rằng các công bố xuất bản tại các tạp chí quốc tế nằm trong danh sách trích dẫn của Science Citation Index (SCI) hay Social Sciences Citation Index (SSCI) và các tạp chí khác liên quan sẽ không được sử dụng để tính điểm nhà khoa học như hiện nay nữa. Điều này có nghĩa là khi tuyển dụng hoặc xét đề bạt chức vụ, xét duyệt ngân sách nghiên cứu hay bình xét giải thưởng khoa học, thì các viện trường nghiên cứu tại Trung Quốc sẽ không sử dụng các tiêu chí bài báo đã xuất bản, hay chỉ số trích dẫn làm căn cứ duy nhất nữa. Đề xuất này cũng được sự ủng hộ của Bộ Tài chính – cơ quan phụ trách ngân sách cho các đề tài khoa học cấp nhà nước.

Chính sách quốc gia

Việc dần tách khỏi hệ thống xuất bản khoa học quốc tế đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận trong một hội nghị về giáo dục tổ chức vào năm 2018. Tại đây, ông Tập nói rằng các tiêu chuẩn khoa học của các viện trường cao cấp không thể bị dẫn dắt bởi các giá trị và tiêu chuẩn từ phương Tây, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên tự xây dựng các tiêu chuẩn và giá trị riêng không phụ thuộc vào bên ngoài.

Phải mất đến hai năm để Bộ Giáo dục và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc có thể đưa đề nghị này thành một chính sách cụ thể. Công văn của hai bộ đã yêu cầu các trường đại học chuyên nghiên cứu phải lên chương trình và sửa đổi chính sách đánh giá của họ trước ngày 31 tháng 7.

Hiện nay tại Trung Quốc, việc đánh giá các nhà khoa học cũng như viện trường nghiên cứu đều sử dụng SSCI và SCI – một cơ sở dữ liệu các bài báo nghiên cứu và trích dẫn khoa học bao gồm 9000 tạp chí quốc tế. Nhờ vào hệ thống này mà từ năm 2009, số bài báo khoa học từ Trung Quốc đã liên tục tăng từ 120.000 bài/ năm đến 450.000 bài chỉ trong năm 2019. Nhiều trung tâm nghiên cứu thưởng rất nhiều tiền cho các nhà khoa học có công bố quốc tế thuộc SCI.

Tuy nhiên, chính sách này bị phê phán vì nó thúc đẩy các nhà khoa học tập trung công bố thật nhiều bài báo thay vì chú trọng vào chất lượng của nghiên cứu, theo GS. Xuan Jin, chuyên gia hóa kỹ thuật tại ĐH Loughborough (Anh). Các đánh giá cũng cho thấy việc tập trung vào chỉ số nghiên cứu cũng có thể dẫn tới hành vi sai trái như đạo văn hay cố tình tự trích dẫn nghiên cứu của mình và đồng nghiệp để tăng điểm trích dẫn.

Nghi ngờ về các công bố ngụy tạo của một số tác giả từ Trung Quốc đã trở thành điểm nóng trong mấy năm qua. Một số điều tra đã thu thập hàng trăm bài báo nghiên cứu và nhận thấy việc sử dụng nhiều lần hay đạo nhái các hình ảnh giống nhau. Nhóm điều tra cũng nghi ngờ rằng những bài báo này có thể được sản xuất nhằm mục đích đạt chỉ tiêu công bố. Các tạp chí chuyên ngành có liên quan trong điều tra đã phải tuyên bố sẽ xem xét lại các công bố trên.

Chính sách mới tuy vậy sẽ không có nghĩa là sẽ ngừng khuyến khích các nhà khoa học Trung Quốc công bố tại các tạp chí SCI – mà sẽ chỉ nhằm ngăn chặn hành vi sai trái trong xuất bản và trích dẫn mà thôi, theo ông Li Tang, chuyên gia chính sách khoa học tại ĐH Phục Đán, Thượng Hải (Trung Quốc). Tuy nhiên, cũng theo các công bố quốc tế SCI như vậy – kể cả trên các tạp chí lớn như Science, Nature hay Cell, từ nay sẽ không được đánh giá cho các đề tài nghiên cứu nhà nước nữa.

Nhưng cũng theo GS. Xuan thì chính sách mới sẽ theo sát các tuyên bố quốc tế, như Tuyên bố San Francisco về Đánh giá Nghiên cứu, vốn có mục đích nhằm từ bỏ sự phụ thuộc quá mức vào các chỉ số đánh giá và kiềm chế các hành vi sai trái về khoa học của một số nhà nghiên cứu.

Chưa rõ phương thức đánh giá mới

Là một phần của chính sách mới, việc đánh giá nhà khoa học sẽ sử dụng các chỉ số khác để tính chất lượng nghiên cứu, như là công trình có tính sáng tạo không, có đạt được tiến bộ khoa học quan trọng hay không, hay đóng góp của công trình trong việc giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng trong nước – hoặc các nghiên cứu “thoát khỏi khoa học dòng chính phương Tây”. Những đánh giá này sẽ dựa nhiều hơn vào ý kiến ​​chuyên môn của các chuyên gia trong ngành, cũng như tham khảo các nghiên cứu trên các tạp chí xuất bản trong nước, nhiều trong số đó vốn không được liệt kê trong danh sách SCI.

Đánh giá về thông báo này, GS. Huang Futao, ĐH Hiroshima (Nhật Bản), người đã có nhiều nghiên cứu về văn hóa khoa học của các nhà nghiên cứu trẻ tại Trung Quốc, cho rằng việc rời bỏ phương thức đánh giá bằng công bố quốc tế sẽ tạo ra thay đổi lớn với hệ thống khoa học Trung Quốc: “Đó là một bước ngoặt, một sự thay đổi vô cùng lớn,” ông trả lời University World News.

Tuy vậy, theo GS. Huang Futao, người ta vẫn chưa biết chính xác hệ thống đánh giá mới sẽ được xây dựng theo hướng nào – một phần do thông báo của hai Bộ không có các hướng dẫn cụ thể về các biện pháp thay thế hệ thống đang có.

GS. Huang cũng cho rằng các biện pháp mới có thể giúp làm giảm số lượng công bố ngụy tạo hay kém chất lượng, nhưng mặt khác cũng có thể gây ra sự sụt giảm số lượng công bố quốc tế của Trung Quốc vì các nhà nghiên cứu giờ cảm thấy ít áp lực hơn để xuất bản hòng đạt được học hàm học vị hay tài trợ.

GS. Xuan cũng nói rằng đề xuất đánh giá các nhà nghiên cứu trên các công bố của họ trên tạp chí nội địa đang gây ra tranh cãi bởi vì rất nhiều tạp chí trong số đó xuất bản bằng tiếng Trung mà lại không được biết đến bởi các nhà khoa học ngoài Trung Quốc. Trong một chừng mực nào đó, điều này sẽ cô lập các nhà khoa học Trung Quốc khỏi cộng đồng khoa học toàn cầu, ông nói.

Nhiều nhà khoa học khác cũng đưa ra quan ngại rằng phương pháp đánh giá mới sẽ phụ thuộc quá nhiều vào đánh giá ngang hàng (peer review) - về bản chất là rất chủ quan và có thể tạo ra xung đột lợi ích hay dựa quá nhiều vào quan hệ cá nhân các nhà nghiên cứu. “Nhiều nhà nghiên cứu trẻ cũng than phiền về chính sách mới nói rằng họ không có nhiều mạng lưới kết nối, nên hệ thống cũ [tính điểm công bố quốc tế] là phương pháp duy nhất và đáng tin cậy nhất để họ có thể cạnh tranh với các nhà khoa học lão thành, giáo sư kỳ cựu hay những người không giỏi [làm nghiên cứu],” GS. Huang giải thích, “Họ nói rằng [công bố quốc tế] là con đường duy nhất để họ có thể đạt được thăng tiến trong giới nghiên cứu.”

Do vậy, theo GS. Tang, nếu Trung Quốc không xây dựng được tiêu chí đánh giá minh bạch và nhất quán để đánh giá nhà nghiên cứu và phân bổ tài trợ đề tài, một rủi ro sẽ là các nhà nghiên cứu sẽ không được đánh giá dựa trên thành tích.

Các biện pháp mới sẽ áp dụng cho học viên sau đại học và các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu và bệnh viện nghiên cứu trên toàn Trung Quốc. Thời hạn 31 tháng 7 được xem là chính thức cho việc chuyển đổi. Các cơ quan nào sau thời hạn này vẫn tiếp tục khuyến khích chuyên gia xuất bản nghiên cứu trên các tạp chí SCI sẽ bị đình chỉ cấp kinh phí cho các đề tài và dự án đặc biệt.