Nối mạch cuốn sách bán chạy hàng đầu năm 2014 Tư bản trong Thế kỷ XXI (Capital in the Twenty-First Century), trong cuốn Capital and Ideology (Tư bản và ý thức hệ, 9/2019), nhà kinh tế học nổi tiếng Thomas Piketty tiếp tục phân tích bất bình đẳng kinh tế và những cách đã được dùng để điều chỉnh chúng trên khắp các châu lục trong mấy thế kỷ qua.
Có điều lần này thảo luận về giáo dục đại học lại là một trong những nội dung chính.
Mặc dù bản thân Piketty đặc biệt hài lòng với các chương đầu phân tích về xã hội Proto-Ấn-Âu [thế giới quan gồm các linh mục, chiến binh và thương nhân trong thần thoại và truyền thuyết của các ngôn ngữ Ấn, Âu] và xã hội ba đẳng cấp [Tăng lữ, Quý tộc, và Đẳng cấp thứ ba gồm những người còn lại], hầu hết độc giả chắc chắn sẽ quan tâm nhiều hơn đến những chương khám phá thành công và thất bại của “thời kỳ hoàng kim của dân chủ xã hội”, từ khoảng năm 1950 đến năm 1980 - thời kỳ chứng kiến “quốc hữu hóa, giáo dục công cộng, cải cách y tế và lương hưu, đánh thuế lũy tiến đối với các thu nhập cao nhất và các tài sản lớn nhất”. Hay một chương khác bàn về kỷ nguyên của “siêu tư bản”, trong đó bất bình đẳng đã tăng rõ rệt ở hầu hết mọi nơi và “không có sự biện giải rõ ràng nào”, chỉ biết rằng “nó trùng với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng”.
Ở những chương này, cuốn sách nói về chính trị và bầu cử, nhưng trong đó giáo dục đại học lại trở thành trung tâm của tranh luận. Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ hầu như đã trở thành “đảng của những người có giáo dục ở một đất nước nơi hệ thống đại học có tính phân tầng và bất bình đẳng cao”. Tương tự như vậy, sự nổi lên của Đảng Lao động Anh vào năm 1997 và Đảng Xã hội Pháp vào năm 1988 và 1997 “trùng hợp với tỉ lệ bỏ phiếu của các tầng lớp ít lợi thế hơn sụt giảm mạnh”.
“Vào những năm 1950, 1960 và 1970,” Piketty nói với Times Higher Education, “các đảng dân chủ xã hội chủ yếu thu hút cử tri từ các nhóm xã hội ít được ăn học hơn - đó là một mẫu hình có hệ thống. Những năm 1990 ở Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh và Hoa Kỳ, v.v... ngược lại hoàn toàn, các đảng như vậy ngày càng trở thành đảng của những người chiến thắng trong trò chơi giáo dục, và ngày càng được nhìn nhận như vậy.”
Piketty nghi ngờ đây là một phần lý do “từ mấy thập niên nay, các đảng dân chủ xã hội thiếu tham vọng trong việc phân phối lại”, không riêng gì với đầu tư cho giáo dục. Tổng đầu tư công cho giáo dục đã tăng lên trong thế kỷ 20 cho đến những năm 1980, rồi ổn định ở mức 5 đến 6% chi tiêu quốc gia, mặc dù “tỷ lệ dân số vào đại học vẫn tăng lên”. Piketty tin rằng tăng đầu tư công nhiều hơn không chỉ dẫn đến bình đẳng, sự giải phóng cá nhân và quyền tiếp cận văn hóa cao hơn, mà đồng thời “giúp cải thiện nền kinh tế”.
“Cải cách thuế tài sản [Pháp] vào buổi đầu của chính quyền Macron chủ yếu mang lại lợi ích cho người rất già cũng như người rất giàu,” Piketty nói, và đã tước đi quyền chi tiêu “một khoản tương đương 40% ngân sách cho giáo dục đại học ở Pháp”. Piketty tin rằng số tiền này lẽ ra có thể chi tiêu hiệu quả hơn.
Là một phần nghiên cứu của ông nhằm phục vụ cuốn sách, Piketty đã tìm hiểu lợi tức đầu tư quyên trợ cho 800 trường đại học Hoa Kỳ từ những năm 1980. Dữ liệu tiết lộ rằng “các khoản tài trợ lớn hơn có hiệu quả hơn nhiều, do đó, khoảng cách [về sự giàu có giữa các trường đại học] càng tăng lên. Các trường đại học khác [bên ngoài nhóm tinh hoa] cần nhiều tiền tài trợ hơn, và chúng ta cần phân phối lại các khoản tài trợ - không thể để thị trường tài chính quyết định. Chúng ta cần phân phối lại các nguồn lực một cách có tổ chức và công khai, tôi không thấy bất kỳ giải pháp nào khác.”
Piketty cũng mô tả hệ thống của Pháp là “rất bất bình đẳng” và “rất đạo đức giả” trong cơ chế tài trợ cho các đại học dựa trên năng lực, do sự tồn tại của các trường lớn (grande école) có tính chọn lọc cao so với hệ thống đại học đại chúng.
Bản thân ông là giám đốc nghiên cứu tại École des Hautes Etudes en Science Sociales (Trường Nghiên cứu xuất sắc về KHXH - EHESS) và giáo sư tại Trường Kinh tế Paris (PSE). PSE được tạo ra vào năm 2006 bởi sự hợp tác giữa EHESS với École des Ponts ParisTech và École Normale Superiéure, mà Piketty mô tả là “thuộc các grande école lâu đời nhất ... vì vậy PSE là một phần của tầng lớp tinh hoa trong hệ thống giáo dục đại học Pháp”.
Mặc dù coi PSE là một nơi tuyệt vời để làm việc, Piketty thừa nhận “ở những nơi khác có rất nhiều sinh viên và học giả bị tụt lại phía sau, vì đầu tư cho mỗi sinh viên đã giảm rất đáng kể, đặc biệt trong 10 năm qua”. Tuy nhiên giải pháp Piketty đề xuất không phải là “rút bớt nguồn lực ra khỏi các tổ chức ưu tú mà là tăng thêm nguồn lực cho phần còn lại của hệ thống”.
Nhưng chẳng phải tất cả các trường đại học luôn là những nơi tạo ra một mức độ bất bình đẳng xã hội nhất định, vì không phải ai cũng đi học? Theo Piketty, trước đây, công bằng giáo dục là khái niệm tương đối rõ ràng: các chính trị gia tiến bộ đặt mục tiêu tất cả trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học và sau đó là trung học. “Nhưng không thể nói rằng chúng ta muốn một thế hệ 100% hoàn thành tiến sĩ! Người học có nhiều lựa chọn về chương trình giảng dạy và các hướng đào tạo khác nhau trong giáo dục bậc cao, điều này khiến cho khái niệm về công bằng giáo dục trở nên khó định nghĩa. Chúng ta phải tìm cách định lượng mục tiêu của công bằng giáo dục, các nhóm khác nhau hưởng lợi thế nào từ các khoản đầu tư. Đây là những câu hỏi khó và không có quốc gia nào có câu trả lời hoàn hảo, nhưng chúng ta cần tìm cách giải quyết.”