Các nhà khoa học sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần đưa ra những tư vấn về chính sách và công nghệ để ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam. Tuy nhiên để làm tốt việc này, họ cần sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương.

GS. TS Phạm Hùng Việt (trái) – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (CETASD, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) trong phòng thí nghiệm. Ảnh: PV
GS. TS Phạm Hùng Việt (trái) – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (CETASD, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) trong phòng thí nghiệm. Ảnh: PV

Rác thải nhựa đại dương đang là chủ đề “nóng” ở Việt Nam, không chỉ ở các cuộc hội thảo và những cuộc phát động do các cơ quan nhà nước và quốc tế tổ chức mà còn ở những phong trào tự phát qua mạng xã hội. Những ngày này, “Thách thức dọn rác”, #ChallengeforChange… đã lan tỏa trên nhiều tỉnh thành Việt Nam; từ Bắc vào Nam, đâu đâu người ta cũng thấy những người trẻ cùng nhau dọn dẹp và thu gom rác thải. Dường như đã bắt đầu có những thay đổi về nhận thức trong giới trẻ Việt Nam, điều mà các nhà quản lý cho rằng rất quan trọng với việc giảm thiểu rác thải nhựa. Trong hội thảo quốc tế về tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương diễn ra vào tháng 12/2018, ông Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cho rằng, một trong những mục tiêu của kế hoạch hành động này của Việt Nam là nâng cao nhận thức, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải.

Đây mới chỉ là một phần trong công việc mà Việt Nam cần làm để ngăn ngừa và hạn chế chất thải nhựa đại dương. Để có một phương thức quản lý bền vững và hiệu quả, cần có sự tham gia của các nhà khoa học dưới nhiều góc độ, từ nghiên cứu ảnh hưởng của rác thải nhựa đại dương, vi nhựa đến môi trường sinh thái, sức khỏe của con người đến những vấn đề công nghệ xử lý. Đây cũng là cách thức mà các nhà nghiên cứu Việt Nam đã áp dụng đối với những vấn đề ô nhiễm kim loại, chất bảo vệ thực vật, chất thải công nghiệp… trong môi trường trước đây.

Tìm giải pháp thông qua nghiên cứu

GS. TS Phạm Hùng Việt – giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững (CETASD, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) và là một trong những nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm về ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, cho rằng, chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương vẫn tương đối mới trong lĩnh vực môi trường, “các công trình nghiên cứu bây giờ cũng bắt đầu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế”. Do đó đây là một trong số ít những cơ hội mà các nhà môi trường Việt Nam có thể cùng thực hiện nghiên cứu song song với họ. “Đây cũng là thách thức với các nhà khoa học Việt Nam vì thông thường, mình cũng phải cần thời gian để thu thập, học hỏi được kinh nghiệm từ các đồng nghiệp quốc tế. Nếu rút được kinh nghiệm nhiều hơn thì mình mới có thể ‘đi’ nhanh hơn”, ông giải thích.

Thông thường, với những chủ đề được dư luận quan tâm, các nhà nghiên cứu sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ kinh phí nghiên cứu và mở rộng hợp tác quốc tế. Đây cũng là hi vọng của các nhà nghiên cứu CETASD. Điều đó dường như đã bắt đầu ở Việt Nam với hội nghị lần thứ 6 của Quỹ môi trường toàn cầu GEF (tháng 5/2018) và hội thảo tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề nghiên cứu khoa học với việc quan trắc, đánh giá tác động của rác thải nhựa với tài nguyên và môi trường biển. “Chúng tôi mới đề xuất một đề tài nghiên cứu về bản chất phân bố, tính chất vật lý, hóa học của vi nhựa và sự hấp thụ/phơi nhiễm các chất POPs trên bề mặt vi nhựa trong môi trường biển ven bờ ở Việt Nam nhằm xác định nguồn gốc của vi nhựa, đánh giá ảnh hưởng của vi nhựa lên hệ sinh thái nước, xác định các chất hữu cơ độc hại trên vi nhựa…, dự kiến thực hiện trong vòng 3 năm. Bây giờ chỉ cần họ ‘bật đèn xanh’ thôi”, GS. TS Phạm Hùng Việt nói.

Mục tiêu của một nghiên cứu về môi trường không dừng ở một vài bài báo khoa học mà còn hướng tới một cái đích thiết thực hơn, đó là tư vấn về chính sách cho các nhà quản lý. Đó cũng là quan điểm của GS. TS Phạm Hùng Việt và đồng nghiệp nhiều năm qua. Vì vậy, sau khi thực hiện xong nghiên cứu này, ông sẽ có cơ sở để đề xuất với các nhà quản lý ở Bộ KH&CN, Bộ TN&MT những giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa ra môi trường biển.

Do hướng nghiên cứu về vi nhựa còn mới và có nhiều nét phức tạp nên theo quan sát của ông, ở Việt Nam chỉ có rất ít phòng thí nghiệm mới có năng lực thực hiện được, như Trung tâm CETASD hay Phòng thí nghiệm Dioxin (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT), những nơi có khá đầy đủ kỹ thuật xử lý và trang thiết bị chuyên dụng qua những dự án nghiên cứu trước đây về các hợp chất POPs – các hợp chất hữu cơ khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người như hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia PCB trong chất cách điện, chất độc da cam dioxin, chất PBDPP, PBDE chống cháy trên vỏ điện thoại, tivi, máy vi tính… Theo kinh nghiệm mà GS. TS Phạm Hùng Việt có được trong quá trình 20 năm nghiên cứu về POPs thì để có đủ năng lực nghiên cứu về những vấn đề phức tạp và nóng của Việt Nam cũng như thế giới, các nhà nghiên cứu cần trang bị cho mình những năng lực cần thiết, ví dụ như các công nghệ phân tích mới. “Bây giờ chương trình nghiên cứu cũng có rất nhiều, ngoài Quỹ NAFOSTED (Bộ KH&CN) còn có các chương trình KH&CN cấp quốc gia, chương trình nghị định thư của các bộ, ngành… mà chúng ta có thể nộp đề xuất. Chỉ có thông qua nghiên cứu, chúng ta mới có thể chuẩn bị sẵn cho mình năng lực giải quyết những vấn đề như vậy’, ông nói.

Mới ở giai đoạn khai phá

Tuy nhiên, những vấn đề nghiên cứu về vi nhựa cũng như chất thải nhựa đại dương mới ở giai đoạn bắt đầu và đề xuất nghiên cứu của Trung tâm CETASD mới chỉ là một trong số nhiều hướng tiếp cận vấn đề vi nhựa và rác thải nhựa đại dương. Để có được nhiều hướng tiếp cận như vậy, cần có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thông qua các chương trình lớn của các tổ chức trong nước và quốc tế. Hiện bắt đầu có một chương trình như vậy nhưng mới chỉ ở giai đoạn manh nha, đó là dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa đại dương ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý” do Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo) thực hiện với sự phối hợp của một số tổ chức như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, các Sở TN&MT địa phương nhằm tìm hiểu thực trạng rác thải nhựa trên đất liền, trôi nổi trên biển và tầng đáy, qua đó đưa ra đánh giá ảnh hưởng của rác thải nhựa đại dương tới môi trường, hệ sinh thái và kinh tế biển. Dự kiến với tổng kinh phí 41 tỷ đồng, dự án sẽ được triển khai trên 35 thành phố trực thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước: Bắc Bộ (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương), miền Trung (Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi), phía Nam (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu) và ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau). Đây là những nơi tập trung nhiều dân cư và các khu công nghiệp, vốn được coi là có nhiều hoạt động dẫn đến rác thải nhựa đại dương, đồng thời có những cửa sông lớn mà theo ông Tạ Đình Thi thì “do Việt Nam có 112 cửa sông đổ ra biển nên đây cũng là nguồn vận chuyển chính rác thải nhựa ra biển”.

Đây là cách làm khá bài bản bởi theo kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu môi trường, việc đưa ra các giải pháp quản lý bao giờ cũng xuất phát từ việc đánh giá được hiện trạng. Trong một cuộc trao đổi về quá trình tác động của nghiên cứu với chính sách quản lý về các hợp chất POPs năm 2017, PGS. TS Dương Hồng Anh (Trung tâm CETASD) cho biết, công việc này “bao giờ cũng bắt đầu bằng những nghiên cứu để khẳng định chất POPs đó có ở Việt Nam hay không, mức độ thế nào để ‘báo động’ cho cơ quan quản lý tiến hành kiểm kê, đánh giá mức độ tồn tại và khả năng ảnh hưởng tới con ngươi, tới môi trường, [qua đó] ra tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn và lên kế hoạch quản lý, xử lý”.

Các nhà khoa học rất chờ đợi vào kết quả của dự án này, mặc dù cho rằng “họ mới đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương về mặt vật lý thôi, như ở trên bờ, dưới biển, tầng nổi, tầng đáy thì số lượng là bao nhiêu, ở đâu nhiều, ở đâu ít”, GS. TS Phạm Hùng Việt nhận xét. Ông hy vọng từ kết quả điều tra, các nhà khoa học sẽ có được gợi ý để thực hiện những nghiên cứu tiếp theo, ví dụ như “sẽ có mẫu để mình làm nghiên cứu về các chất hữu cơ: đánh giá thành phần, những cái vi nhựa đấy thuộc cao phân tử nào, sau đó xem các chất hữu cơ được hấp thụ trong vi nhựa ở mức độ nào”.

Dẫu sao thì đây cũng là “bước khởi đầu ở tầm quốc gia” trong nỗ lực kiểm soát và ngăn ngừa rác thải nhựa, bởi theo thừa nhận của ông Tạ Đình Thi tại hội nghị tháng 12/2018, các quốc gia trên thế giới đã tiến hành đánh giá hiện trạng và tác động của loại rác thải nhựa đại dương và bắt đầu triển khai một số kế hoạch hành động, thậm chí cả Indonesia, trong khi Việt Nam vẫn chưa làm được những điều đó.

Giải pháp trước mắt của Việt Nam

Do chưa có được những đánh giá xác thực về hiện trạng cũng như các kết quả nghiên cứu mới về rác thải nhựa đại dương nên việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu trước mắt cho Việt Nam cũng là học hỏi kinh nghiệm quản lý của quốc tế như nâng cao nhận thức về các sản phẩm nhựa, giảm thiểu tối đa phát sinh chất thải nhựa từ nguồn, thu gom tối đa chất thải nhựa ven bờ đi kèm với việc thực thi những cơ chế tài chính, chính sách về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa…

Song song với các hoạt động đó, Việt Nam cần xử lý những rác thải nhựa như thế nào khi chúng được thu gom? GS. TS Phạm Hùng Việt cho biết, hiện nay có một số giải pháp mà các quốc gia đang bắt đầu thực hiện như thiêu hủy và tái chế. Tuy nhiên việc áp dụng giải pháp nào cũng cần có hiểu biết thấu đáo bởi “thiêu hủy không đúng quy trình và tiêu chuẩn về nhiệt độ sẽ phát sinh các hợp chất dioxin, furan”, TS. Nguyễn Xuân Quang (Viện Nhiệt điện lạnh, Đại học Bách khoa HN) cho biết như vậy. Để ngăn ngừa điều này xảy ra, theo GS. TS Phạm Hùng Việt, có thể áp dụng cách xử lý như với các hợp chất POPs là “đốt trong các lò xi măng ở nhiệt độ rất cao 1.200oC, sẽ xử lý rác nhựa được triệt để và đốt xong thì phải hạ nhiệt độ đột ngột, đưa rất nhanh về nhiệt độ thấp”. Đối với tái chế, ông lưu ý đến khả năng xảy ra ô nhiễm môi trường thứ cấp, nếu sử dụng công nghệ cũ. Do đó, để có cách tái chế phù hợp, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu, ví dụ như gần đây có công bố của hai nhà khoa học Singapore tái chế một số nhựa thải tạo thành một loại vật liệu xốp, không cháy và nhẹ, có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất quần áo chống cháy hoặc vật liệu để gom lại dầu tràn trên biển. “Để làm tất cả cái đấy cần nhiều thời gian, thế giới bây giờ họ cũng mới bắt đầu”, GS. Phạm Hùng Việt cho biết.