Năm 2021, trong số 1,6 triệu bằng sáng chế trên khắp thế giới ở nhiều lĩnh vực, gần 90% được cấp cho các nhà đổi mới chỉ từ bảy quốc gia. Trung Quốc đang là nước dẫn đầu.

Hằng năm, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đều theo dõi số lượng bằng sáng chế trong các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, số lượng bằng sáng chế được cấp ở các quốc gia rất khác nhau. Xem xét nguồn gốc của những người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, có thể thấy một số ít quốc gia thống trị các ngành công nghiệp nhất định.

Trong đồ họa này, tác giả Jacqueline Ann DeStefano-Tangorra sử dụng bộ Dữ liệu WIPO 2021 để minh họa những quốc gia được cấp nhiều bằng sáng chế mới nhất, cùng với các phân loại ngành của họ.

Năm 2021, trong số 1.608.365 bằng sáng chế trên nhiều lĩnh vực, gần 90% được cấp cho các nhà đổi mới sáng tạo từ bảy quốc gia là Trung Quốc (37,8%), Mỹ (17,8%), Nhật Bản (16,0%), Hàn Quốc (9,8%), Đức (4,3%), Pháp (2,2%), và Vương quốc Anh (1,2%).

Trung Quốc đã tăng nhanh số lượng bằng sáng chế trong những năm gần đây. Quốc gia này hiện đang đứng đầu bảng xếp hạng sáng chế của 29/36 lĩnh vực, bao gồm công nghệ máy tính, máy móc điện tử, năng lượng, truyền thông số, đo lường, giao thông vận tải, kỹ thuật dân dụng, kỹ thuật hóa chất, công nghệ sinh học, viễn thông, vật liệu...

Chính phủ Trung Quốc tập trung vào đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dẫn đến việc các nhà phát minh (viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân...) của họ nhận được trên 600.000 sáng chế được cấp vào năm 2021, chiến 37,8%.

Mỹ, quê hương của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, đứng thứ hai với hơn 286.000 bằng sáng chế được cấp theo nguồn gốc. Mỹ đứng đầu về số lượng sáng chế trong 4 lĩnh vực là: công nghệ y tế, động cơ và tuabin, quy trình truyền thông cơ bản và các loại khác (đối với các phát minh không thể được gán cho một lĩnh vực cụ thể).

Nhật Bản đứng không xa phía sau với gần 257.000 bằng sáng chế được cấp, thống trị các quốc gia khác trong 3 lĩnh vực: bán dẫn, quang học, đồ nội thất và trò chơi, củng cố danh tiếng về một trong những nhà đổi mới công nghệ hàng đầu thế giới.

Các nước khác trên thế giới chiếm gần 174.500 bằng sáng chế, tương đương 10,8%

Còn lại, những người nộp đơn mà quốc tịch hoặc quốc gia cư trú không thể được xác định cho các nhà phát minh, chiếm 24.600 bằng sáng chế, tương đương 1,5%.

Tương lai chuộng công nghệ

Khi đánh giá các lĩnh vực công nghệ mà các nhà phát minh đang theo đuổi vào năm 2021, không có gì ngạc nhiên khi các công nghệ số và công nghệ điện tử đang dẫn đầu.

Ngoài ra, còn có nhiều bằng sáng chế được cấp chủ yếu trong các lĩnh vực liên quan đến cơ sở hạ tầng, vốn đã trở nên quan trọng hơn sau đại dịch COVID-19 và ngày càng tập trung vào thương mại như công nghệ y tế, giao thông vận tải, kỹ thuật dân dụng và chất bán dẫn.

Số lượng bằng sáng chế được cấp vào năm 2021 là minh chứng cho tầm quan trọng ngày càng tăng của hoạt động đổi mới sáng tạo trên toàn cầu.

Trong khi một số quốc gia đã thống trị bối cảnh bằng sáng chế cho đến nay, dữ liệu của WIPO cho thấy dần có thêm nhiều quốc gia đóng góp đáng kể cho bức trang đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Khi công nghệ tiếp tục phát triển và nền kinh tế toàn cầu trở nên kết nối với nhau hơn thì tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng phát triển.
Số lượng bằng sáng chế toàn cầu năm 2021 Ảnh: Jacqueline/VisualCapitalist - Cập nhật ảnh: KHPT - Dữ liệu: WIPO 2021
Số lượng bằng sáng chế toàn cầu năm 2021 Ảnh: Jacqueline/VisualCapitalist - Dữ liệu: WIPO 2021


Nhà phát minh được cấp bằng sáng chế có quyền sở hữu trí tuệ độc quyền đối với các sáng tạo của họ. Hệ thống sáng chế được tạo ra nhằm khuyến khích những ý tưởng mới, thúc đẩy phát triển khoa học, sản sinh ra các công nghệ mới hoặc thậm chí là toàn bộ lĩnh vực mới.