Tại tọa đàm vào cuối tuần này, GS Nguyễn Tiến Dũng sẽ trình bày về cơ hội cho một nước có tiềm lực kinh tế và KH-CN ở mức trung bình như Việt Nam trong cuộc đua nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo.
Tăng năng suất lao động, chuyển bớt việc cho máy, nền kinh tế AI hứa hẹn mang lại một xã hội thịnh vượng và tiện lợi cho con người hơn. Tuy nhiên, cơ hội hưởng lợi ích chỉ đến khi có đầu tư thật sự vào hệ sinh thái AI - gồm nhiều yếu tố như phần cứng và phần mềm máy tính, điện toán đám mây, dữ liệu, thuật toán học máy, ứng dụng AI, nghiên cứu thị trường người sử dụng, hệ thống luật lệ, v.v.
Nghiên cứu và phát triển AI đang là "chốn riêng" của các quốc gia tiên tiến, nơi đầu tư nhiều nguồn lực và đưa ra những chính sách có tầm nhìn từ nửa thế kỷ trước. Thậm chí, đã xuất hiện mối đe dọa về việc "chỉ một số ít quốc gia thắng cuộc sẽ lấy tất cả."
Với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, Việt Nam và các nước trung bình khác mới chỉ ưu tiên cho nhiều vấn đề trước mắt và cấp bách như giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo…
Trong cuộc chơi này, Việt Nam không hẳn không có chút lợi thế nào. Điểm mạnh lớn nhất hiện nay là Việt Nam có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng phát minh sáng chế về AI. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng ta nằm ở hạ tầng dữ liệu và tính toán đang ở mức sơ khởi, dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi và chủ yếu ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể đầu tư cho AI như thế nào để tối ưu nguồn lực? Các công ty của Việt Nam có thể ưu tiên xu hướng nào trong nghiên cứu và phát triển AI?
Tại buổi tọa đàm “Đầu tư cho AI: Cơ hội nào cho Việt Nam?”, bằng cái nhìn bao quát trong nghiên cứu như kinh nghiệm trong đầu tư và phát triển công ty công ty trí tuệ nhân tạo Torus AI, GS Nguyễn Tiến Dũng sẽ phân tích về những cơ hội và thách thức trong đầu tư phát triển AI.
Thời gian: 15h chiều, ngày 7/5/2023 (Chủ nhật)
Địa điểm: Cafe Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thông tin về diễn giả:
GS Nguyễn Tiến Dũng là giáo sư hạng đặc biệt ở Pháp, tác giả của “định luật bảo toàn xuyến”, “định lý tuyến tính hoá groupoid” và những công trình toán học nổi tiếng khác. Năm 2019, ông sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo Torus AI xử lý tự động các thông tin, tín hiệu và hình ảnh trong nhiều lĩnh vực như thiên văn học, y tế (chẩn đoán các bệnh về da, bệnh hô hấp…), nông nghiệp….
Ông cũng là người khởi xướng công ty giáo dục Sputnik ở Việt Nam từ năm 2015 cùng với GS Hà Huy Khoái, GS Đỗ Đức Thái, TS Trần Nam Dũng và những người khác nhằm đem lại sách hay cho trẻ em.
Bên cạnh đó, GS Nguyễn Tiến Dũng thường xuyên đóng góp các bài viết phân tích và phổ biến kiến thức về khoa học, giáo dục và kinh tế cho tạp chí
Tia Sáng.