Nếu tìm bất cứ báo cáo nào về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam trong thời gian gần đây, chúng ta dễ dàng thấy một điểm chung: tất cả đều cảnh báo tình trạng xâm phạm quyền SHTT trong nước đang ở mức báo động. “Các hành vi xâm phạm trực tuyến quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp đã bùng nổ trong những năm gần đây. Việc mua trực tuyến các sản phẩm được sao chép lậu như phim, nhạc, video, trò chơi điện tử hay sách, ấn phẩm giấy hay điện tử, các sản phẩm xâm phạm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam hoàn toàn không khó”, theo Sách Trắng EuroCham năm 2020 (báo cáo thường niên tổng hợp các vấn đề và khuyến nghị về thương mại và đầu tư của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham). “Tình trạng xâm phạm quyền SHTT trực tuyến có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong những năm tới nếu Việt Nam không nhanh chóng có các biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này”.
Ngoài việc gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và khiến đối tác nước ngoài e ngại đầu tư, tình trạng xâm phạm quyền SHTT còn đe dọa những nỗ lực phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam. Sẽ là vô nghĩa khi trao quyền SHTT mà chủ sở hữu quyền lại không thể thực thi các quyền này một cách hiệu quả, đặc biệt khi sự phát triển công nghệ đã tạo điều kiện xâm phạm quyền SHTT ở quy mô chưa từng thấy từ trước đến nay.1
Các nhà sáng tạo chỉ có thể bảo vệ “đứa con” của mình ở những nơi có một hệ thống tư pháp mạnh, cùng với các thẩm phán có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp để giải quyết các hành vi vi phạm dân sự và hình sự. Chủ sở hữu quyền phải được khởi kiện chống lại những người vi phạm nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm sau này và khắc phục những tổn thất phát sinh. Họ cũng có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hàng hóa giả mạo.2
Tuy nhiên, đây là thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. “Tranh chấp quyền SHTT có tính chất đặc thù, đối tượng sở hữu là tài sản vô hình, các loại hình tranh chấp còn tương đối mới, trong khi đó, cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp này cũng chưa được hoàn thiện, nên việc giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc”, theo một bài viết của TS. Nguyễn Hải An (Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội) trên tạp chí Tòa án nhân dân vào năm 2018.
Một “lối thoát” cho tình cảnh này đã được vạch ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) mới đây: đề xuất thành lập tòa chuyên trách, tập trung xử các vụ việc liên quan đến quyền SHTT. Cụ thể, dự thảo đề xuất trước mắt sẽ thành lập tòa chuyên trách về SHTT tại TAND cấp cao Hà Nội. Người tham gia xét xử tại tòa chuyên trách là các chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác từ 5 năm trở lên trong lĩnh vực SHTT. Đề xuất thành lập tòa chuyên trách về SHTT đã đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của những người trong ngành: “Các vụ tranh chấp về quyền SHTT ngày một gia tăng về số lượng, tính chất ngày một phức tạp thêm… Vì vậy, Việt Nam cần phải thành lập tòa chuyên trách về SHTT, tập trung các Thẩm phán đào tạo về chuyên môn này để xét xử những vụ án đó, từ đó đưa ra những phán quyết chính xác, giải quyết được tận gốc rễ các xâm phạm về SHTT”, theo một bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp năm 2020 của TS. Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
“Cú hích” cho biện pháp dân sự
Khi phát hiện ra có kẻ xâm phạm quyền SHTT, chúng ta có thể xử lý theo những cách nào? Tùy theo tính chất và mức độ xâm phạm, ba biện pháp chủ yếu được áp dụng là dân sự, hành chính và hình sự. Mỗi biện pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Chẳng hạn biện pháp hành chính tuy đơn giản, nhanh chóng song mức xử phạt nhẹ, ngược lại, biện pháp hình sự tuy có hiệu quả răn đe cao song thủ tục tố tụng kéo dài và phức tạp. Với biện pháp dân sự, chủ thể quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ bằng chứng và ngăn ngừa thiệt hại, đồng thời có thể đòi được tiền bồi thường. Tuy nhiên, biện pháp này khá phức tạp, tốn kém về thời gian cũng như chi phí.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều “ưu ái” biện pháp dân sự hơn cả.Biện pháp này được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn - bảo đảm được trình tự, thủ tục công khai, công bằng để người tham gia tố tụng dân sự thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình tại TAND, bảo đảm được các nguyên tắc, thủ tục tố tụng đầy đủ, có hệ thống, xác định được rõ chức năng, thẩm quyền của cơ quan và người tiến hành tố tụng, thẩm quyền của mỗi cấp Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.3 Do vậy, điều khoản thực thi quyền SHTT trong hầu hết các điều ước quốc tế chủ yếu quy định cụ thể về các biện pháp dân sự. Nếu có biện pháp hành chính thì cũng quy định phải áp dụng trình tự như thủ tục dân sự (ví dụ như Hiệp định TRIPS).
Các biện pháp dân sự theo Luật SHTT của Việt Nam hiện nay bao gồm: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy, buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền.
Dù trong tay có cả ba biện pháp song khác với thế giới, từ trước đến nay, chế tài phổ biến nhất để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam vẫn là hành chính. Theo thống kê của TAND tối cao từ ngày 1/7/2006 (thời điểm Luật SHTT có hiệu lực thi hành) cho đến ngày 22/6/2009, toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 108 vụ án tranh chấp về quyền SHTT. Nếu chỉ tính riêng Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội từ ngày 1/7/2006 đến nay, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mới chỉ thụ lý giải quyết 7 vụ án, thực chất chỉ là 5 vụ án, vì có 2 vụ phải xét xử phúc thẩm lần 2. Số vụ việc còn quá hạn chế này cho thấy, các chủ thể quyền SHTT còn e ngại việc khởi kiện ra tòa mà thay vào đó, họ chọn xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính.4
Tại sao họ lại bỏ qua một biện pháp được coi là hữu hiệu nhất? Mặc dù có nhiều nguyên nhân như khó khăn trong việc điều tra, thu thập chứng cứ, khó khăn trong việc xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thủ tục giải quyết tại tòa án còn phức tạp, kéo dài… song hầu hết các chuyên gia cho rằng, “nút thắt” vẫn nằm ở chỗ chưa có tòa chuyên trách về SHTT. “Nếu chúng ta có tòa án chuyên trách, thì nên áp dụng hoàn toàn biện pháp dân sự, còn trong trường hợp chưa kiện toàn bộ máy thì vẫn nên duy trì biện pháp hành chính”, đại diện văn phòng luật sư A Hòa bày tỏ quan điểm trong một hội thảo về SHTT vào năm 2021.
Việc thành lập tòa án chuyên trách về SHTT là điều phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thậm chí còn được coi là “trụ cột” tạo nên thành công của hệ thống SHTT ở một số quốc gia như Trung Quốc. Theo báo cáo chỉ số SHTT toàn cầu năm 2019 của WIPO, từ năm 2017, Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia có hoạt động SHTT phát triển nhất thế giới, với số lượng đơn đăng ký sáng chế chiếm gần 50% tổng số đơn đăng ký sáng chế trên toàn cầu. Theo phân tích của luật sư Lê Quang Vinh trong bài viết đăng trên trang web của Công ty SHTT Bross và Cộng sự, một trong ba trụ cột giúp Trung Quốc làm được điều này là hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT: “Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu thành lập và cho vận hành hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT tại ba trung tâm quan trọng là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Đầu năm 2017, Trung Quốc lại tiếp tục thành lập các hội đồng xét xử (thuộc hệ thống tòa án hiện hành) chuyên về SHTT ở bốn thành phố nữa”.
Bài toán nâng cao chất lượng nhân lực
Quá trình đi từ đề xuất thành lập tòa án chuyên trách về SHTT cho đến mở rộng áp dụng biện pháp dân sự trong thực tế sẽ là một con đường dài, đòi hỏi chuẩn bị cả về nguồn nhân lực, các quy định hướng dẫn… Trong đó, một rào cản lớn mà nhiều người lo ngại là năng lực chuyên môn của thẩm phán còn nhiều hạn chế (do Việt Nam chưa có Tòa chuyên trách và cũng ít án về lĩnh vực này nên Việt Nam không có thẩm phán chuyên biệt). Hiện nay, “số lượng thẩm phán có trình độ về SHTT của chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay”, theo nhận định của các chuyên gia trong hội thảo về sửa đổi Luật SHTT vào năm 2021. Do vậy, thẩm phán thường bị phụ thuộc nhiều vào cơ quan chuyên môn, trong khi số lượng giám định viên của Việt Nam hiện nay cũng còn rất hạn chế.
Vụ kiện giữa hai nhà “Kiều học” - Nguyễn Quảng Tuân và Đào Thái Tôn cách đây gần 20 năm là một trong những trường hợp gây tranh cãi nhất về vấn đề này. Câu chuyện bắt nguồn từ năm 2001, ông Đào Thái Tôn đã sử dụng nguyên văn bốn bài viết của ông Tuân (đã đăng báo) để in vào sách. Do vậy, ông Nguyễn Quảng Tuân đã khởi kiện ông Đào Thái Tôn. Trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bố hành vi của ông Tôn đã xâm phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Quảng Tuân, nhưng đến phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao lại phủ định điều này, kết quả là ông Đào Thái Tôn thắng.
Không ít người cho rằng đây là một ví dụ điển hình thể hiện sự non kém trong xét xử của Tòa sơ thẩm TAND Thành phố Hà Nội khi xét xử các vụ án thuộc lĩnh vực SHTT, sự minh bạch của TAND tối cao trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án trên lẽ ra sẽ hoàn chỉnh hơn nếu Thẩm phán không hỏi Luật sư của bên nguyên là thân chủ của anh đã đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả đối với tác phẩm chưa? Vì lẽ, lý thuyết cơ bản nhất của quyền tác giả đã quy định việc đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm không phải là điều kiện bắt buộc để một tác phẩm được bảo hộ.5
Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị song song với việc thành lập tòa chuyên trách, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các thẩm phán chuyên trách về SHTT. Chỉ khi có tòa án chuyên trách và đội ngũ thẩm phán giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chủ sở hữu quyền SHTT, trong đó có các doanh nghiệp mới tin tưởng để đưa các tranh chấp ra giải quyết tại tòa và hiệu quả xử lý được nâng cao.6
Chú thích:
[1], [2] Xem thêm "WIPO Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use".
[4] Nguyễn Văn Luật, "Nhu cầu thành lập tòa sở hữu trí tuệ ở Việt Nam", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, năm 2020.
[5] Trần Văn Hải, "Phân cấp quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ", trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Phân cấp quản lý và cải cách hành chính – Kinh nghiệm quốc tế và những gợi ý với Việt Nam”, năm 2007.
[6] Lê Thanh Hà, "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thường gặp đối với doanh nghiệp tại Việt Nam và một số kiến nghị", tạp chí KH&CN Việt Nam, năm 2020.