Dịch vụ xe công nghệ tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang ngày càng phát triển và thu hút nhiều lao động tham gia. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này vẫn tồn tại một số bất cập trong quản lý, người lao động chịu nhiều rủi ro trong quá trình làm việc.
Hiện nay, TPHCM có khoảng 200 ngàn người lao động tham gia thị trường xe công nghệ - một lĩnh vực làm tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển trên nền tảng công nghệ, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh với mô hình kinh doanh vận tải truyền thống.
Tuy nhiên, loại hình này cũng mang lại nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý. Việc không giới hạn số lượng tài xế tham gia sử dụng ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ vận tải dẫn đến tình trạng gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân, gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến hạ tầng cơ sở giao thông. Bên cạnh đó, loại hình lao động này gây sức ép lên hệ thống pháp luật nước ta, bởi vì các khuôn khổ pháp lý hiện nay gần như không có thay đổi linh hoạt để quản lý những thách thức nảy sinh.
Trước thực tế đó, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã chủ trì triển khai đề tài “Đánh giá thực trạng công tác quản lý và các phương thức tập hợp người lao động tham gia cung ứng dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ trên địa bàn TPHCM”.
ThS. Trương Quốc Lâm, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, kết quả khảo sát nhóm người lao động (400 người) tham gia dịch vụ xe công nghệ (bốn và hai bánh) cho thấy, thành phần tham gia vào hoạt động dịch vụ chạy xe công nghệ khá đa dạng và đang có chiều hướng biến thành một nghề chính thức với mong muốn gắn bó lâu dài. Người lao động có thể tự do lựa chọn thời gian làm việc mà không chịu sự quản lý hoặc kiểm soát của doanh nghiệp. Chỉ có10% tài xế xem đây là một “công việc tạm thời trước khi tìm việc mới”.
Tuy nhiên, việc định danh mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp chưa rõ ràng. Trên danh nghĩa, đó là mối quan hệ “đối tác” nhưng quyền lợi và trách nhiệm không cân bằng, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho người lao động. Người lao động luôn ở thế yếu, phải chịu sự quản lý một chiều từ phía đơn vị vận hành ứng dụng công nghệ như những người lệ thuộc. Bên cạnh đó, mưu sinh bằng nghề lái xe công nghệ nảy sinh các hệ luỵ đối với người lao động như thời gian làm việc quá mức, không có chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, …), không có các khoản trợ cấp, phụ cấp cần thiết; và tình trạng nợ tài chính cá nhân tăng cao. Trong khi tài xế công nghệ gặp nhiều rủi ro về sức khỏe, thân thể và tính mạng.
Nhóm tác giả đề xuất, kiến nghị Chính phủ sớm giám sát để việc các doanh nghiệp thu phí, cước phải dựa vào mức sống cơ bản của người lao động. Tránh để tình trạng để doanh nghiệp độc quyền ban hành giá cước có lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.
Đề tài đã được Sỏ KH&CN TPHCM nghiệm thu, cung cấp những số liệu cụ thể, đề xuất giải pháp khả thi cho các cơ quan chức năng để quản lý hoạt động dịch vụ xe công nghệ và các phương thức tập hợp người lao động vào các tổ chức xã hội, nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội.