FoodMap muốn dùng nguồn vốn mới để tăng kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất thực phẩm với khách hàng.
FoodMap, một nền tảng thương mại điện tử kết nối nông dân và nhà sản xuất thực phẩm trực tiếp với khách hàng vừa thông báo huy động được 3 triệu USD ở vòng preSeries A. Vòng này do 2 nhà đầu tư Vulpes Ventures và Beenext cùng dẫn đầu; và có sự tham gia của Ascend Vietnam Ventures và nhà đầu tư hiện tại Wavemaker Partners.
Khoảng 20% dân số Việt Nam hiện làm việc trong ngành nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan. Đây là ngành tồn tại nhiều vấn đề như việc mua bán nông sản qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến giá nông sản tăng 6-7 lần khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc thiếu kiểm soát chất lượng trong sản xuất thực phẩm dẫn đến giá xuất khẩu thấp và người tiêu dùng không tin tưởng vào chất lượng nông sản.
Được sáng lập năm 2020 bởi Phạm Ngọc Anh Tùng, FoodMap muốn giải quyết khoảng cách giữa cung và cầu trong chuỗi cung ứng vô hình bằng hệ thống quản lý đầu cuối cho nông dân và nhà cung cấp.
“FoodMap muốn giúp cả hai bên bằng cách tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thực phẩm Việt Nam và củng cố lòng tin của khách hàng. Chúng tôi đang tập trung vào các sản phẩm tươi sống, hải sản, thịt, các sản phẩm chế biến sẵn”, anh Tùng chia sẻ.
Hiện tại, FoodMap cung cấp sản phẩm của hơn 300 nông dân và nhà sản xuất Việt Nam. Khách hàng có thể truy cập vào các sản phẩm của FoodMap thông qua nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng di động. Tất cả các sản phẩm được liệt kê trên FoodMap đều có mã QR.
FoodMap giúp nông dân tăng thu nhập lên khoảng 10-20% đối với các sản phẩm chưa qua chế biến. Ngoài ra, startup này cũng dựa vào các hiểu biết về thị trường và lượng tiêu thụ để lập kế hoạch thu hoạch trong tương lai.
FoodMap hiện có 5 sản phẩm có nhãn hiệu riêng, tạo ra phần lớn doanh thu và lợi nhuận của mình, gồm: trà và cà phê, trái cây, đồ nấu sẵn, sô cô la, và hải sản.
Công ty có hai kho hàng tại TP Hồ Chí Minh; đối với giao hàng, hầu hết các sản phẩm được giao trong vòng 24 giờ để đảm bảo sự hài lòng của khách.
FoodMap có kế hoạch tăng cường sự hiện diện B2B với nhu cầu ngày càng tăng từ cả thương mại điện tử và cửa hàng thương mại truyền thống.
Về phía B2C, FoodMap gần đây đã khởi động một chương trình liên kết mua theo nhóm, cho phép các khách hàng của mình bán hàng cho nhau thông qua mạng xã hội.
>>Xem thêm: