Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi sự nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý KH&CN.
Trong năm thứ hai đất nước phải chống chọi với dịch bệnh, vai trò của KH&CN càng thể hiện rõ ràng hơn, vừa tạo cơ sở quan trọng cho các quyết sách chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất như các sản phẩm có hàm lượng công nghệ chiếm tới 50% trong kim ngạch xuất khẩu, giúp bảo hộ những nông sản chủ lực vững bước vào thị trường khó tính. Việt Nam vẫn duy trì được thứ hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), được đánh giá là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, sau một thời gian dài âm thầm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Đây cũng là năm mà Bộ KH&CN có nhiều hoạt động đổi mới trong chính sách quản lý. Trong Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ KH&CN ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang tổ chức rà soát hệ thống các chương trình, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, kết hợp với việc đổi mới cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Bộ cũng đang xây dựng chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN. Mặc dù trước tình hình dịch bệnh, Bộ vẫn liên tục nỗ lực trong điều kiện cho phép, làm việc với các địa phương để tiếp nhận nhiều “đặt hàng” hoạt động KH&CN phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Ghi nhận những hoạt động thiết thực đó của Bộ KH&CN, tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hay doanh nghiệp đều bày tỏ mong đợi KH&CN sẽ giúp ngành mình trả lời những câu hỏi từ thực tiễn đặt ra. Với ngành nông nghiệp, vẫn được nhìn nhận là “trụ đỡ” thì cần “chất phụ gia từ KH&CN” để giúp trụ đỡ này trở nên bền vững hơn, xanh hơn, thoát lối mòn lâu nay là một nền nông nghiệp phải đánh đổi nhiều bằng cách lạm dụng đất đai, tài nguyên, vốn để tăng đầu ra một cách thiếu bền vững, như ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng. Với các địa phương như Bắc Giang, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, sau câu chuyện quả vải thiều ngày càng trở nên danh giá hơn, mở rộng cửa vào các thị trường khó tính nhờ vào bảo hộ tài sản trí tuệ và các nghiên cứu chuyên sâu, giờ đây càng mong chờ tiếp tục có những nghiên cứu KH&CN giúp nâng cao chuỗi giá trị sản suất của địa phương.
Những thực tế từ cuộc sống đó đòi hỏi quản lý về KH&CN nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý, như yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Đối với việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngọn cờ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là “của Bộ KH&CN, vấn đề là phất lên như thế nào” vì thời gian vừa qua đã thực hiện nhưng chưa đủ mạnh mẽ, chưa thực sự tạo được cơ chế thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ KH&CN phải là nơi tập hợp, chủ động đề xuất rất cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp. Mô hình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng các trường là đầu mối nhận nhiệm vụ khoa học trực tiếp từ Bộ KH&CN cần phải được triển khai. Tới đây, Bộ KH&CN phải khẩn trương quy hoạch lại các cơ sở nghiên cứu khoa học, trong các bộ ngành, trong cả khối đại học và các doanh nghiệp, trong đó có tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) - viện nghiên cứu theo hợp đồng của khối doanh nghiệp - được chính phủ đặt nhiều kỳ vọng sẽ là mô hình quản trị mới cần phải được tháo gỡ các vướng mắc, củng cố mô hình, lan tỏa mô hình.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh công việc mà ông đã nhắc Bộ KH&CN từ 6 năm trước là phải tiên phong trong quản lý một cách khoa học, trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học “minh bạch, công khai ngay từ khâu đăng ký đề tài, phản biện đề tài” và “có giám sát đồng đẳng từ trong giới khoa học”.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý tiếp tục khẩn trương triển khai các nghiên cứu KHXH, khoa học chính trị quan trọng như “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam - Quốc sử”; “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam – Quốc chí”, đẩy mạnh phổ biến tri thức KHCN, góp phần nâng cao dân trí.