Ngày 1/7/2019, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Quốc (CCIC) về việc kết nối cơ sở dữ liệu, thừa nhận thông tin truy xuất nguồn gốc lẫn nhau đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Thông tin trên được ông Bùi Bá Chính, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết tại Hội thảo “Các yêu cầu liên quan đến truy xuất nguồn gốc trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc” do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổ chức vừa qua tại TPHCM.

Theo ông Chính, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam. Xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,44 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 quí đầu năm đạt 9,83 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2019, Trung Quốc cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, bao gồm: dưa hấu, mít, vải, nhãn, thanh long, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt.

O
Ông Bùi Bá Chính, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia

Ông Chính cũng cho biết, trước đây muốn thông quan một xe dưa hấu, hải quan thường mất 3-4 tiếng. Nhưng khi có truy xuất nguồn gốc và dán tem thì thời gian thông quan của hải quan giảm xuống còn 5 phút. Sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng Trung Quốc dễ dàng kiểm tra nguồn gốc và tin tưởng.

“Việc ký kết thỏa thuận nói trên giúp các doanh nghiệp làm truy xuất nguồn gốc đúng theo tiêu chuẩn của hải quan Trung Quốc, hỗ trợ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc thuận lợi hơn. Đồng thời, hướng tới mở của chính ngạch nhiều loại sản phẩm hàng hóa hơn nữa, giúp phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc” – ông Chính nói.

O
Ông Chen Minh Hong (áo đen), Phó Tổng Giám đốc CCIC

Theo ông Chen Minh Hong, Phó Tổng Giám đốc CCIC, sau khi ký kết thỏa thuận với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, hai bên cùng nhau xúc tiến nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Giai đoạn đầu sẽ sử dụng hệ thống hiện có. Khi Trung tâm Mã số mã vạch xây dựng xong hệ thống, hệ thống 2 bên sẽ tự động kết nối. Hai bên cũng sẽ thống nhất một mẫu tem chung dành cho sản phẩm xuất nhập khẩu giữa 2 nước, có logo của cả hai bên.

Quy trình truy xuất nguồn gốc sẽ căn cứ theo quy trình được hai bên thống nhất. Mỗi nước thông qua các phương thức khác nhau thúc đẩy nhu cầu và nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc tại nước mình. Căn cứ vào yêu cầu truy xuất nguồn gốc của Việt Nam và thỏa mãn yêu cầu kiểm tra giám sát của Trung Quốc, nghiệp vụ TXNG của hai bên sẽ theo quy tắc thu thập dữ liệu đáng tin và chân thực trong suốt toàn bộ quá trình triển khai nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc.

n
Ông Mai Văn Sủng – Phó Giám đốc QUATEST 3

Ông Mai Văn Sủng – Phó Giám đốc QUATEST 3 chia sẻ, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc đã và đang trở thành vấn nạn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng nói riêng và cho nền kinh tế trong nước nói chung. Bên cạnh đó, thời gian qua hàng hóa xuất khẩu yêu cầu truy xuất nguồn gốc được các nước quy định nghiêm ngặt. Trong đó, tháng 5/2019, Trung Quốc siết chặt hơn quy định về truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. “Trước những vấn nạn trên và yêu cầu nghiêm ngặt của các nước, cần phải siết chặt việc quản lý nguồn gốc, truy xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu” – ông Sủng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các phương án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng có các trao đổi với CCIC.