Vmap đã có hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước. Bên cạnh các tính năng cơ bản như: tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường, Vmap sẽ còn hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, dù ở thành thị hay miền núi, vùng sâu, vùng xa và hiển thị lớp bản đồ riêng của các lĩnh vực trong cuộc sống.
Đó là những thông tin rất hữu ích cho người dùng các ứng dụng bản đồ ở Việt Nam, được đưa ra tại buổi “Lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số - Vmap và Hệ thống thông tin nhân đạo - iNhandao” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 1/10.
Vmap cung cấp cho người dùng thông tin địa chỉ đến cấp xã. Ảnh chụp màn hình khi sử dụng Vmap để tìm địa chỉ ở Thanh Hóa.
Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Để chủ động quản lý nguồn dữ liệu đó đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng Việt mà các nền tảng sẵn có hiện chưa đáp ứng được, Việt Nam cần xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình. Do đó, Bưu điện Việt Nam được giao phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” – Vmap trong khuôn khổ đề án Hệ tri thức Việt số hóa.
Chủ trì xây dựng nền tảng này, Bưu điện Việt Nam có ưu thế là mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ cùng hơn 50.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cùng kinh nghiệm thu thập dữ liệu trong nhiều lĩnh vực.
Để thu thập dữ liệu bản đồ, trong hơn 3 tháng, hơn 120.000 nhân viên Bưu điện và Đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin. Các tình nguyện viên đã dùng Smartphone cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… địa điểm và ghi chú về loại hình thông tin địa chỉ. Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn và https://vmap.vn. Do đó, Vmap không chỉ xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…); mà còn dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin dân cư (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn, địa chỉ và thông tin nhà dân…).
Hiện phiên bản thử nghiệm đã tiếp cận được không ít người dùng trong xã hội. Không chỉ vậy, Vmap cũng được nhiều doanh nghiệp Việt kì vọng vào việc sẽ ứng dụng vào công tác quản lý và kinh doanh. Thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật các dữ liệu, thông tin lên Vmap. Đội ngũ bưu tá đi phát hàng hóa, thư báo cũng liên tục cập nhật thêm các thông tin cần thiết lên bản đồ trực tuyến Vmap. Ngoài ra Vmap cũng sẽ được bổ sung thêm các ứng dụng sử dụng đi kèm để hấp dẫn hơn và giúp người dùng sử dụng các ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, để tạo lập một nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu bản đồ của người Việt, do người Việt chung tay xây dựng, phục vụ cộng đồng, Vmap rất cần sự ủng hộ của các đơn vị, người dùng trong việc ứng dụng bản đồ số vào cuộc sống. Đồng thời chia sẻ, đóng góp dữ liệu thông tin chính xác để vừa gia tăng địa chỉ vừa đảm bảo chất lượng dữ liệu ở mức tốt nhất.
BN