Không có dữ liệu cơ sở quốc gia, nhận thức đúng đắn, quyết tâm và sự sẵn sàng cho một nền kinh tế chia sẻ của các doanh nghiệp thì việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh sẽ khó được thực hiện.

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, tại Diễn đàn công nghiệp lần thứ 3 với chủ đề “IoT trong doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs): Cơ hội và thách thức” do Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc tổ chức ngày 24/10 tại TPHCM.

Theo TS Nguyễn Quân, nhu cầu ứng dụng IoT và các công nghệ khác của cuộc CMCN 4.0 ở các SMEs của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều chưa biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu do Việt Nam còn thiếu những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để thực hiện cuộc CMCN 4.0.

TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN     Ảnh: KA
TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Ảnh: KA

“CMCN 4.0 là cuộc cách mạng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số để tiến hành thông minh hóa và tối ưu hóa nền kinh tế. Chúng ta không thể làm điều đó khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia” – nguyên Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của Việt Nam hầu như chưa có gì, mặc dù cơ sở dữ liệu của từng doanh nghiệp, bộ ngành,… thì đã có những xây dựng theo các cách khác nhau, cấu trúc khác nhau, chưa kết nối tổng thể với nhau được.

Ngoài ra, sự quyết tâm của lãnh đạo từ doanh nghiệp, đến các cơ quan quản lý nhà nước, trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia cũng quyết định đến việc có thể triển khai được các công nghệ của CMCN 4.0 hay không. “Nếu các doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho một nền kinh tế chia sẻ thì không có được một nền kinh tế thông minh theo đúng tinh thần của CMCN 4.0” – TS Nguyễn Quân nói.

Ông Nguyễn Trung Tính
Ông Nguyễn Trung Tính,Công ty TNHH Kỹ thuật tự động Hàn Mỹ Việt Ảnh: KA

Ông Trần Trung Tính, Công ty TNHH Kỹ thuật tự động Hàn Mỹ Việt, cho biết, khó khăn lớn nhất khi triển khai ứng dụng IoT vào thực tế sản xuất ở các SMEs hiện nay là hệ thống thiết bị, máy móc hiện có. Hầu hết những máy móc đều không có phòng điều khiển trung tâm, để rải rác khắp doanh nghiệp. Mỗi một loại máy móc, thiết bị lại có quy trình khác nhau nên khó khăn trong việc tìm hiểu các thông số chung để kết nối lên cùng một hệ thống. Điều này cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nếu muốn thay đổi hệ thống máy hiện có.

“Ngoài ra, nhận thức của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp cũng là vấn đề thường gặp phải khi ứng dụng IoT vào sản xuất” - ông Tính nói và cho biết, người lãnh đạo nhận thức được và rất hài lòng với việc ứng dụng IoT do mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhân viên, công nhân lại cảm thấy không hài lòng vì cho rằng mình bị giám sát hoặc sẽ dần bị thay thế bởi máy móc nên việc hợp tác chuyển đổi không được thuận lợi.

Ông Tính cho biết thêm, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay lo ngại việc ứng dụng IoT vào sản xuất, kinh doanh sẽ làm lộ bí mật công nghệ, bí quyết kinh doanh nên còn e dè trong việc chuyển đổi. Bên cạnh đó, do là SMEs nên họ phải cân nhắc kỹ cho việc có đầu tư cho ứng dụng IoT hay không khi chi phí khá lớn nếu phải thay thế, bổ sung máy móc, công nghệ mới.

Đại biểu thảo luận tại Diễn đàn     Ảnh: KA
Đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Ảnh: KA

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty TNHH thiết bị đo lường và điều khiển Đại Việt cũng cho rằng, việc triển khai ứng dụng IoT cho các doanh nghiệp hiện nay là khá khó khăn. Đó là phải chứng minh được lợi ích của IoT cho khách hàng bằng những dự án cụ thể, bảo mật được thông tin và tính toán chi phí đầu tư hợp lý cho từng doanh nghiệp muốn áp dụng.

Ông Lương Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống Việt - thì cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa có được một quy trình làm việc, kể cả quy trình trên giấy theo cách truyền thống. “Phần lớn các SMEs chưa có tư duy hệ thống và lại không cho chuyện đó là quan trọng. Điều này khó khăn cho việc chuyển đổi số của doanh nghiệp” – ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng, cần phải thay đổi tư duy của doanh nghiệp trước cuộc CMCN 4.0. Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để đóng góp và định hình vào cuộc chơi, chứ không phải chạy theo thụ động như cách cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.