Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm trong phát biểu khai mạcHội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam 2018 và triển lãm India – ASEAN ICT Expo với chủ đề “Kết nối số trong Cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức sáng nay (27/9).
Hội nghị đã thu hút 500 đại biểu là đại diện các cơ quan Chính phủ của các nước ASEAN, các nước đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
VietNam ICT Investment Forum 2018 (VIIF 2018) được tổ chức nhằm giúp các bên xác định được tầm quan trọng của kết nối số trong nền công nghiệp 4.0. Cụ thể là việc đầu tư vào hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, tăng cường khai thác Internet băng rộng, mạng 4G và lộ trình đầu tư 5G, đảm bảo an ninh mạng; Tận dụng vị thế của Việt Nam trong khu vực; Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầutư kết nối số vào các nước trong khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Công như Campuchia, Lào, Myanamar và Đông Nam Á để sẵn sàng chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.
Hội nghị VIIF 2018 sẽ bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước với các nội dung chính như: các khuyến nghị đối với chính sách CNTT&TT nhằm phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh của các ngành công nghiệp 4.0. Đảm bảo an toàn an ninh trên không gian mạng. Chú trọng chính sách thu hút đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng cơ sở dữ liệu, phát triển băng rộng 4G và cha sẻ kinh nghiệm quốc tế về lộ trình 5G.
Rà soát các luật và hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ICT phải gắn với thúc đẩy ngành công nghiệp và dịch vụ trong nước hay tận dụng vị thế của Việt Nam trong khu vực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra các nước Lào, Myanmar, Campuchia nói riêng và khu vực ASEAN nói chung.
Cụ thể, phiên thảo luận về chính sách đầu tư kết nối số đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tập trung thảo luận về việc triển khai hạ tầng số, trong đó chú trọng tới hạ tầng băng rộng 4G và lộ trình triển khai 5G tại Việt Nam, kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như tác động của 5G tới tăng trưởng kinh tế, chính sách khuyến khích đầu tư vào 5G trong tương lai. Đồng thời đề cập đến giải pháp và dịch vụ số trên nền tảng 4G, 5G chia sẻ các giải pháp vàdịch vụ số ứng dụng trên nền tảng băng thông rộng cho các ứng dụng thành phố thông minh và sản xuất trong nhà máy đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Tham dự và phát biểu khai mạc VIIF 2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: CMCN 4.0 đang tạo ra các chuyển đổi chưa từng có trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, đời sống - xã hội thậm chí từng người dân. Tiêu biểu là sự nổi lên của những mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi trong phương thức sản xuất, sự chuyển dịch trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Những chuyển biến này là cơ hội và động lực cho các nước đi sau vượt lên trước thông qua việc nhanh chóng tái định hình cơ cấu sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế.
Dựa trên nền tảng số hóa và sự hội tụ của nhiều công nghệ, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạora một thế giới kết nối số với số lượng thiết bị kết nối khổng lồ mà hệ quả là chúng ta đang và sẽ chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ của ngành công nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng tầm nhìn, định hướng và chính sách trong tất cả ngành nghề và lĩnh vực kinh tế - xã hội để tận dụng lợi thế vượt trội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại.
Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ: Bộ TT&TT đang trình Chính phủ xây dựng các chính sách ưu tiên để đáp ứng và tạo đà cho sự chuyển đổi của các ngành kinh tế, công nghiệp và dịch vụ với 3 nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Khuyến khích phát triển hạ tầng băng rộng và hạ tầng cơ sở dữ liệu. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp viễn thông, CNTT, kết hợp giữa phát triển công nghiệp nội địa và thu hút đầu tư nước ngoài, đón nhận sự chuyển dịch trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia để đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu của khu vực về sản xuất thiết bị viễn thông, CNTT và thiết bị IoT.
Phát triển nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng số để người lao động được trang bị đầy đủ các kỹ năng đáp ứng yêu cầu việc làm trong tương lai để không ai bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp này.
Cùng quyết tâm cải thiện môi trường chính sách để sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực đổi mới và hội nhập quốc tế. Nỗ lực này đã mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
"Nhiều tập đoàn công nghệ uy tín đã có mặt tại Việt Nam và hoạt động hiệu quả, thành công. Điển hình trong đó phải kể tới tập đoàn Samsung của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD. Thành công của Samsung cho thấy những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường tại Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, gây dựng được niềm tin đối với các nhà đầu tư. Cùng với nhiều doanh nghiệp lớn về CNTT-TT trong nước, các doanh nghiệp FDI đã và đang tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT-TT của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa các tập đoàn công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp 4.0 sẽ tới và đầu tư tại Việt Nam."
"Hội nghị và Triển lãm với chủ đề “Kết nối số trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0” có ý nghĩa quan trọng với sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việt Nam chúng tôi mong muốn nhận được từ các bạn những chia sẻ và tầm nhìn, phương hướng phát triển, các đề xuất và cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư thế hệ mới trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.", Thứ trưởng cho biết.
Trong khuôn khổ hội nghị VIIF 2018, triển lãm India – ASEAN ICT Expo cũng sẽ được tổ chức trong 2 ngày (27 – 28/9) với sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp viễn thông và CNTT Ấn Độ và Việt Nam với các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp viễn thông và CNTT; ứng dụng IoT trong các ngành kinh tế xã hội như smart city, quản lý giao thông, nông nghiệp, ngân hàng,…