Việt Nam được đánh giá khá năng động và quyết tâm trong việc ĐMST, chuyển đổi số tại Hội nghị Phát triển dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam VNITO 2019.

VNITO 2019 có chủ đề “Việt Nam – Điểm đến cho đổi mới sáng tạo”, được tổ chức ngày 24/10 tại TPHCM đã thu hút hơn 500 khách tham dự.

Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Liên minh các doanh nghiệp gia công CNTT Việt Nam (VNITO) phối hợp tổ chức nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của ngành CNTT Việt Nam. Đồng thời, cung cấp thông tin, dữ liệu và đánh giá về thị trường CNTT của Việt Nam từ các tổ chức nghiên cứu thị trường, công nghệ uy tín trên thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị đã tổ chức hơn 200 cuộc gặp gỡ tìm kiếm cơ hội, xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng nền kinh tế số

Theo e-Conomy Southeast Asia năm 2019, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực ASEAN với hơn 40%/năm. Chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia (GII Report, 2019), Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng mạnh nhất thế giới, tăng 10 bậc, và được xếp hạng 67/141 nền kinh tế (WEF, 2019). Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019 (CMI) của Jones Lang LaSalle (JLL). TP.HCM còn là khu vực đầu tiên triển khai 5G tại Việt Nam. Công nghệ này được cho là sẽ giúp TPHCM trở nên năng động hơn trong tương lai và dẫn đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Diễn giả nước ngoài chia sẻ về ĐMST tại Hội nghị   Ảnh: KA
Diễn giả nước ngoài chia sẻ về ĐMST tại Hội nghị Ảnh: KA

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, cho biết, Việt Nam đang có tỷ lệ các công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á, với 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (2019) và tiếp tục tăng lên sau mỗi năm. Các công ty công nghệ của Việt Nam đang đi cùng xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc CMCN 4.0, ở hầu hết các lĩnh vực: Big Data, AI, IoT, Blockchain,... Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam và TPHCM đang triển khai các đề án xây dựng đô thị thông minh trong cả nước, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo và đề án xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế... “Đây là lợi thế cho các doanh nghiệp muốn triển khai sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới. Đồng thời là cơ hội vàng để ngành công nghiệp CNTT Việt Nam bứt phá, trở thành Trung tâm ĐMST hàng đầu Đông Nam Á” – ông Long nhấn mạnh.

Làn sóng tự động hóa tại Việt Nam sắp đến?

Theo bà An Mei Chen, Giám đốc kỹ thuật cấp cao, Tập đoàn Qualcomm (Hoa Kỳ), các nhà máy sản xuất trong tương lai đều sẽ kết nối mạng không dây. Khi đó, công nghệ 4G cải tiến cùng công nghệ 5G sẽ phục vụ đắc lực trong ngành sản xuất công nghiệp và kết nối mạng lưới IoT. Bà An Mei Chen cho biết, Qualcomm dành 20% doanh thu mỗi năm cho nghiên cứu phát triển các công nghệ như AI, IoT, 5G, an ninh mạng,… Để hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, thời gian qua, Qualcomm đã hợp tác và cung cấp bằng sáng chế cho các doanh nghiệp Việt Nam như VinSmart, VNPT, Homatech, trong việc sản xuất các thiết bị sử dụng công nghệ của Qualcomm.

Ông Will Nguyen, Giám đốc sáng tạo KPMG Việt Nam, cho biết, theo khảo sát gần 300.000 CIO thuộc 108 quốc gia năm 2019 của KPMG, thì 44% doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho công nghệ đám mây, 7% cho IoT và chỉ 4% cho AI. Bên cạnh đó, ngân sách hội đồng quản trị ưu tiên đầu tư cho ngành vui chơi giải trí, tài chính và truyền thông. Trong đó, đầu tư chủ yếu vào chuyển đổi mô hình kinh doanh và an ninh mạng.

O
Ông Will Nguyen, Giám đốc sáng tạo KPMG Việt Nam Ảnh: KA

Ông Will Nguyen cho biết thêm, Việt Nam đã có nhiều đầu tư vào công nghệ tự động hóa, gia tăng sử dụng robot. Dự đoán trong 2-3 năm tới sẽ có làn sóng tự động hóa tại Việt Nam. Trong 108 quốc gia khảo sát, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 cam kết thực hiện những thay đổi chủ đạo trong tất cả các lĩnh vực, xếp thứ 3 cam kết đưa tự động hóa vào kinh doanh, sản xuất. “Điều này cho thấy Việt Nam khá năng động và rất quyết tâm trong việc ĐMST, chuyển đổi số” – ông Nguyen nói.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát, mức độ đầu tư CNTT trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay lại tương đối thấp, chỉ 2% (trong khi các nước trong khu vực là 5%). Ngoài ra, Việt Nam vẫn là thị trường chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực lao động, thiếu các kỹ sư đưa ra được các giải pháp kỹ thuật cao. Vì vậy, theo ông Will Nguyen, Việt Nam cần có lộ trình đầu tư CNTT mang tính chiến lược, trang bị cho đội ngũ nhân lực kỹ năng, chuyên môn tốt hơn, hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. “Đồng thời cần những nhà lãnh đạo công nghệ có kiến thức vững vàng để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST” – ông Nguyen nhấn mạnh.

Ông Mark Birch, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, công ty Stack Overflow thì cho rằng, ĐMST trong doanh nghiệp có thực hiện được hay không phụ thuộc vào từng cá nhân của đơn vị đó. Nếu những cá nhân này hợp tác, đồng thuận cùng nhau thực hiện thì việc ĐMST mới thành công. “Vì vậy, để thực hiện ĐMST, cần hội đủ 4 yếu tố: Văn hóa tôn trọng đối với kỹ sư; có năng lực và tài chính; có kiến thức; và sẵn sàng chia sẻ thông tin, kết nối với các đối tác bên ngoài” – ông Mark Birch chia sẻ.

F
Doanh nghiệp CNTT giới thiệu sản phẩm dịch vụ tại VNITO 2019 Ảnh: KA

Song song với các phiên thảo luận tổng thể, chuyên đề, VNITO 2019 còn tổ chức triển lãm thiết bị, công nghệ , giải pháp mới nhất trong lĩnh vực CNTT. Điển hình như Công ty CP đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI giới thiệu các giải pháp công nghệ số hóa 4.0 do chính công ty nghiên cứu và phát triển như Giải pháp số hóa tạo lập cơ sở dữ liệu thông minh D-IONE (tiết kiệm 50% chi phí triển khai, 80% thời gian và nguồn lực so với phương pháp số hóa tạo lập cơ sở dữ liệu truyền thống); Công nghệ nhận dạng và bóc tách thông tin tự động IONE (giúp nhận dạng thông tin tự động chính xác trên 95%); Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu DocEye (tích hợp các công nghệ nhận dạng hiện đại giúp quản lý các dữ liệu số chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian tra cứu, tìm kiếm thông tin,..).

Hàng Jandi của Hàn Quốc thì giới thiệu dịch vụ tích hợp các công cụ như Google Calendar, Trello, JIRA và các cổng thông tin làm việc khác vào ứng dụng, qua đó dễ dàng kiểm tra dung lượng tập tin, số lượng tin nhắn đã gửi; quản lý các tổ chức, vị trí công việc và thành viên;…

GMO-Z.com RUNSYSTEM (Việt Nam) mang đến triển lãm sản phẩm SmartOCR – Ứng dụng nhận diện chữ in, chữ viết tay; SmartRPA – Công cụ tự động hóa các nghiệp vụ; SMARTSTORE CameraAI – Giải pháp quản lý khách hàng theo chuỗi cửa hàng và phân tích chiến lược marketing. do Công ty nghiên cứu và sản xuất;...

Liên minh VINTO ký kết hợp tác với các đơn vị nước ngoài
Liên minh VINTO ký kết hợp tác với các đơn vị nước ngoài Ảnh: KA

Tại VNITO 2019, Liên minh VNITO Alliance cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác với 6 tổ chức quốc tế đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam ra hai thị trường trọng điểm trên nói riêng và thị trường thế giới nói chung.