Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Công thương và UBND TP Hà Nội tổ chức “Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023” trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm quốc tế Công nghệ Năng lượng - Môi trường (ENTECH) Hà Nội 2023.
Trong đó, Phiên tọa đàm tập trung thảo luận về chính sách và chương trình hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN, thời gian qua, có nhiều kết quả nổi bật của ngành KH&CN trong lĩnh vực năng lượng. Ví dụ như giàn khoan tự nâng 90m nước của Tập đoàn Dầu khí, chế tạo máy biến áp 500KV của Nhà máy Cơ khí Đông Anh, Viện Nghiên cứu cơ khí làm chủ thiết bị phụ trợ cho nhà máy nhiệt điện 600MW hay thủy điện Sơn La. Qua đó khẳng định được đóng góp to lớn của KH&CN trong lĩnh vực năng lượng giai đoạn trước. Trong giai đoạn hiện nay, Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2030 xác định phát triển ngành năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Về các chương trình hỗ trợ cụ thể, ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết, Bộ KH&CN đã ban hành Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030 gồm: Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ năng lượng (KC.05); Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành Công nghiệp Môi trường” (KC.06); Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa” (KC.03); Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, tìm kiếm chuyển giao làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong các chương trình đó đều chú trọng vấn đề làm chủ và phát triển ứng dụng công nghệ liên quan đến năng lượng, đặc biệt là các công nghệ mới như hydro, lưu trữ carbon.
TH